Nữ cửu vạn chợ Đông Ba

23-10-2009 11:04 AM | Xã hội

Những người phụ nữ già có, trẻ có oằn lưng tải những bao hàng thùng gỗ nặng hơn cả trọng lượng cơ thể mình lầm lũi bước đi đến từng ngõ ngách phía sâu trong chợ.

Những người phụ nữ già có, trẻ có oằn lưng tải những bao hàng thùng gỗ nặng hơn cả trọng lượng cơ thể mình lầm lũi bước đi đến từng ngõ ngách phía sâu trong chợ. Mùi hoa quả thối, mùi nước cống cùng mùi bãi nước trũng trong chợ bốc lên nồng nặc nhưng với họ đã trở nên quá quen thuộc.

Mưu sinh lúc 0 giờ

Tiếng chuông chùa Thiên Mụ điểm canh một, trời lất phất mưa, hai chiếc xe tải khổng lồ chở rau và hoa quả từ miền Nam cập bến chợ Đông Ba. Tiếng động cơ gầm rú nhanh chóng đánh thức những người phụ nữ làm cửu vạn đang ngủ vội ở mái hiên lề chợ. Từng tốp người í ới gọi nhau ngồi dậy choàng vội tấm áo, mang theo gánh, xe kéo, bao tay... lao tới. Xe vừa dừng hẳn, hai người đàn ông khỏe mạnh nhảy lên mui tháo tấm bạt che, một số khác chạy về phía cuối xe mở nắp thùng, nhảy vào trong đẩy hàng ra phía sau. Bên dưới đã có hàng chục người phụ nữ ghé vai vác ra xe kéo đang đợi sẵn. Hàng nhanh chóng được vận chuyển đến từng ki-ốt nằm trong chợ.

Nữ cửu vạn mưu sinh trong đêm

Chừng một tiếng đồng hồ sau xe tải thứ nhất đã sạch hàng. Những người cửu vạn còn chưa kịp nghỉ tay uống nước thì chiếc xe tải thứ hai lừ lừ tiến vào. Họ lại vội vàng lao ra bốc vác, kéo, đẩy... Xe sau hàng nhiều hơn, lại toàn đóng thùng nặng nên phải gần hai tiếng đồng hồ, những nữ cửu vạn mới "thanh toán" xong. Đến lúc này họ mới có thời gian ngồi nghỉ vì những chiếc xe hàng khác chưa về bến. Những cặp mắt mệt mỏi tranh thủ ngủ lấy sức làm tiếp, những gương mặt hốc hác vì thức đêm triền miên, vì lao động nặng ngồi tụm lại với nhau chuyện trò. Sau một lúc lân la làm quen, tôi được những nữ cửu vạn giãi bày về hoàn cảnh gia đình và về cái "nghề" mà họ đang phải theo đuổi. Trong "đội bốc vác chợ Đông Ba" có hơn 30 người là phụ nữ. Qua câu chuyện của từng người có thể dễ dàng nhận ra giữa họ có một điểm chung là: nghèo, đông con, không có công ăn việc làm, không vốn, chồng con đau ốm thường xuyên... Từ chị Phương, chị Lợi, o Lập, o Thanh... mỗi người có một gia đình riêng nhưng đều có chung cảnh ngộ cực kỳ bi đát. Thế nên họ đến với nghề làm cửu vạn, đêm đêm bốc vác hàng thuê như một bước đường cùng nhưng đồng thời là lối thoát gần như duy nhất để cả gia đình sống qua ngày. Nhìn vào "thời gian biểu" của những người phụ nữ "chân yếu tay mềm" này ngay cả những người đàn ông khỏe mạnh cũng phải giật mình. Sáng bốc vác hàng, chiều bốc vác hàng, tối cũng bốc vác hàng đến tận sáng mai. "Làm như thế thì thời gian nghỉ ngơi ở đâu"?, chị Lê Thị Phương (46 tuổi) trả lời thắc mắc của tôi bằng giọng chua xót: "Thì bạ đâu ngủ đó. Tranh thủ những lúc không có hàng vào mái hiên chợ cố chợp mắt tý để lấy sức mà làm". Các chị, các bà còn cho biết thêm thời gian hàng về nhiều nhất chủ yếu là vào ban đêm nên từ lúc 0 giờ mới là "ca chính": "Không biết làm chi nên phải đi làm cửu vạn chứ nghề ni cực lắm chú ơi. Thức trắng đêm bốc vác hàng cật lực nhưng rồi cũng không đủ sống. Đợt nào hàng về nhiều thì cả ngày lẫn đêm cũng chỉ được dăm bảy chục, có ngày chỉ được 10-20 ngàn".

Với chừng ấy tiền thu nhập nhưng những nữ cửu vạn phải chia đều cho 5-7 miệng ăn bởi trong số họ không người nào dưới 4 lần sinh đẻ.       

Cửu vạn nữ U60

Trong số những nữ cửu vạn chợ Đông Ba, rất nhiều người đã lên chức bà. Ở tuổi U60 nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, những bà Chua, bà Nhỏ, bà Rảnh... vẫn mang chút sức lực còn lại lao vào nghề hết sức nặng nhọc để mưu sinh. Gắn bó với nghề bốc vác này lâu nhất ở chợ Đông Ba có lẽ là bà Đỗ Thị Chua. Năm nay bước sang tuổi 60, bà Chua có đến hơn 30 năm thức đêm làm cửu vạn. Chừng ấy thời gian là quá đủ để bà thấm thía hết những bĩ cực và chiêm nghiệm phận đời của những phụ nữ làm nghề bốc vác thuê: "Làm nghề ni "áo ướt thì đủ ăn, còn áo khô thì coi như đói". Chồng bà cũng là dân bốc vác, bị bệnh, mất sớm để lại bà một mình nuôi 3 đứa con. Đến nay các con bà tuy đã trưởng thành nhưng cũng thuộc loại "nghèo truyền kiếp" nên mặc dù không còn sức nhưng ngày đêm bà vẫn phải gia nhập đội quân nữ bốc vác kiếm chút tiền sống qua ngày. 

Nhọc nhằn cửu vạn nữ chợ Đông Ba.

Trong ánh sáng lờ mờ, tôi để ý một người phụ nữ với mái tóc đã hầu như bạc trắng, chân không đi dép, mang chiếc áo vá, đang cố lấy đà đưa một bao tải to gấp đôi thân hình mảnh khảnh của mình lên vai. Sức nặng của chiếc bao tải khiến bà phải khom lưng, lò dò đi từng bước một. Bà có tên Lê Thị Yến (62 tuổi - phường Phú Hiệp -Huế). Chồng bà làm nghề đạp xích lô nhưng đang bị bệnh nặng nên chỉ nằm ở nhà. Một mình bà đi làm để kiếm tiền thuốc men cho chồng và nuôi ăn cho 5 đứa con.

Nghề “gia truyền”

     "Đàn ông sức dài vai rộng làm cửu vạn nhiều lúc còn không trụ nổi huống hồ phụ nữ. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, họ vẫn phải làm. Ở đây, việc các chị các bà bốc vác bị trẹo vai, trầy khớp là chuyện bình thường. Thậm chí có những người còn sinh con ngay tại bến xe."-Ông Nguyễn Hữu Quí, Đội trưởng đội bốc vác chợ Đông Ba xót xa.

Hầu hết những phận đời cửu vạn khi bước chân vào nghề đều vắt kiệt sức với mong muốn là con cái mình về sau không phải "nối nghiệp". Trớ trêu thay, như một vòng luẩn quẩn, nghề bốc vác thuê không chỉ quấn chặt đời họ mà còn ám vào những thế hệ sau để trở thành "nghề gia truyền" không ai muốn có. Cha mẹ làm bốc vác, con cái không được học hành vì nhà quá nghèo, lớn lên lại tiếp tục tìm đến chợ đêm nai lưng mình bốc vác thuê kiếm sống. Rồi lại nghèo, lại bệnh tật, lại đông con... Vì thế dù rất muốn kiếm một công việc nhẹ nhàng nhưng để từ bỏ nghề cửu vạn không phải là một giấc mơ dễ thành hiện thực. Ở tuổi 59 nhưng đêm nào bà Trần Thị Nhỏ cũng vẫn phải dắt theo thằng cu út mới lên 10 đi theo "truyền nghề". Chồng bà cũng là dân bốc vác thuê và đã mất sớm vì bệnh. Một mình bà bốc vác thuê nuôi 10 đứa con. Các con bà lớn lên đứa đi làm thợ nề, đứa đạp xích lô còn đứa làm cửu vạn... "Con đông, chồng lại mất sớm nên tôi lo được cho chúng ăn đã kiệt sức rồi. Không được học hành nên khi lớn lên đành phải đi làm thuê kiếm sống thôi. Chỉ hi vọng đời cháu mình không còn phải làm cái nghề bần cùng này nữa"- bà Nhỏ rưng rưng nước mắt tâm sự. Mấy chục năm làm cửu vạn đã "rút" bà Nhỏ từ khỏe mạnh đến tàn tật: người nhỏ thó, đôi chân bị bệnh khớp không còn đứng vững, thỉnh thoảng lại còn ho ra máu... "Bần khó mới phải đi làm bốc vác, việc nặng nhọc mới đến tay mình, không làm thì đói, làm thì ôm bệnh. Phụ nữ làm cửu vạn không ai mang bệnh mới là lạ. Bản thân tôi những khi trái gió trở trời, toàn thân đau nhừ ra, cơm không nuốt nổi chỉ biết ăn cháo. Năm ngoái đã nằm liệt giường một tháng, chạy chữa mất tiền triệu cũng không khỏi".  

Chỉ tay vào đứa con đang co ro ngủ cùng mấy "cửu vạn trẻ" khác bên lề chợ, bà Nhỏ tiếp: "Có lẽ rồi đây nó cũng như chúng tôi, không sao thoát khỏi đời cửu vạn".

 Đêm đêm, những phận nữ làm cửu vạn chợ Đông Ba vẫn phải gồng hết sức mình để đổi lấy chén cơm, manh áo. Dù biết chắc rằng sẽ mang bệnh tật nhưng đó là chuyện mai sau. Còn hiện tại, những lo toan hằng ngày đang đè nặng lên cái bóng gầy nhỏ của họ trong suốt những đêm dài.

Trời sắp sáng, một xe hàng khác lại vào bến, lại hối hả bốc vác, kéo, đẩy... Một ngày làm việc của nữ cử vạn kết thúc khi trong tay cầm những đồng tiền cũ nát.

Phóng sự của: Vũ Quang


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH