Vốn những ca mổ sọ não vừa phức tạp vừa kéo dài, có ca lên đến 10 giờ, với các thao tác sử dụng các thiết bị nặng như cầm khoan, cưa trong khi bộ não lại chằng chịt, hàng triệu dẫn truyền thần kinh li ti ... sức chịu đựng của người phụ nữ theo thời gian có thể giảm sút, có người rút lui do sinh nở. Nhưng cô bác sĩ nhỏ nhắn ấy luôn tôi luyện bản thân và khẳng định đam mê, theo đuổi nghề suốt 11 năm qua.
Tối 24/2/2019, Thành đoàn TP.HCM đã vinh danh 37 thầy thuốc trẻ tiêu biểu nhận Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 6/2019. Trong 4 bác sĩ của BV Chợ Rẫy (TP.HCM) được tuyên dương, duy nhất có nữ bác sĩ của Khoa Ngoại Thần kinh, BS.CKII. Trần Thị Mai Linh (sinh năm 1984, Bí thư Đoàn BV Chợ Rẫy). Dù rằng có nhiều lựa chọn chuyên khoa nhẹ nhàng hơn, nhưng BS.CKII.Trần Thị Mai Linh thấy mình rất hứng thú với các cuộc phẫu thuật giữ lại các chức năng trong sọ não của người bệnh. Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cô tiếp tục học thêm 3 năm bác sĩ nội trú chuyên ngành ngoại thần kinh.
Bình thường, mỗi buổi sáng, BS. Linh sẽ đi kiểm tra vết mổ não, hỏi thăm tình hình ăn uống, chất lượng giấc ngủ của từng bệnh nhân đã được cô và đồng nghiệp phẫu thuật sọ não hay tư vấn về những bước tiếp theo mà bệnh nhân cần phải trải qua để bệnh lui dần.
Không phải bông hồng nhà kính
Từ ca mổ đầu tiên hút máu tụ trong não, cho đến nay, cô đã thực hiện những ca mổ sọ não phức tạp hơn. Dù là bác sĩ nữ duy nhất nhưng trong công việc của Khoa Ngoại Thần kinh, bác sĩ nam hay nữ đều được giao việc bình đẳng và đòi hỏi mỗi cá nhân phải nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình.
BS. Linh luôn tận tâm với người bệnh
“Bộ não con người tồn tại hàng triệu nơ-ron thần kinh chằng chịt, các đường dẫn truyền li ti mà đến cả kính hiển vi cũng không thể quan sát được. Chính vì thế, bác sĩ mổ sọ não phải luôn tự yêu cầu bản thân cẩn trọng và tinh tế khi xử trí tổn thương trong não của người bệnh một cách tốt nhất, tránh nguy cơ tai biến, nhiễm trùng hoặc làm mất đi một vùng trí nhớ, mất đi khả năng nói, vận động, thậm chí đẩy người bệnh trở thành người sống thực vật hoặc xấu nhất là tử vong”, BS. Mai Linh chia sẻ.
Trong suốt 11 năm hành nghề, bên cạnh thành công, cũng không ít ca điều trị thất bại vì diễn tiến ác liệt ở những nhóm bệnh ác tính hoặc bệnh nhân bất ngờ trở nặng. Sau những ca mổ sọ não, cô lại tự mình rút kinh nghiệm, lại phải tự rút ra bài học sâu sắc hơn để làm tốt hơn nhiệm vụ cứu người.
Có những câu chuyện điều trị cô luôn nhớ mãi như câu chuyện của một bệnh nhân, con trai duy nhất trong một gia đình, sau tai nạn giao thông, bị nhiễm trùng não và kháng tất cả các loại thuốc; đã tử vong sau quá trình phẫu thuật, điều trị.
“Nhiều ca mổ đi vào ngõ cụt, mổ xong bệnh nhân không bao giờ hồi tỉnh. Không ít lần tôi xót xa, bất lực đến rơi nước mắt trên bàn mổ khi không thể cứu sống người bệnh.Tôi luôn trăn trở vì người bệnh của mình hiện nay có quá nhiều bệnh lý đi kèm, đặc biệt các bệnh lý bẩm sinh như biến đổi về gien, đột quỵ, u ác tính ở não.Đây là lý do khiến phẫu thuật sọ não chỉ cắt được phần ngọn, kéo dài sự sống khá ngắn hoặc bệnh nhân tử vong do bệnh lý đi kèm gây nên”, BS. Linh tâm sự.
Những lời tri ân từ người bệnh và thân nhân đã làm động lực để cô tiếp tục với những ca mổ căng não của mình. Bà Võ Thị Hưng (62 tuổi, vợ một bệnh nhân vừa được mổ u não), cảm động nói: “Với khối u phức tạp như thế gia đình tôi rất lo nhưng không ngờ sau mổ, chồng tôi hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc rất tốt. Bác sĩ Linh là người trực tiếp mổ khối u não cho chồng tôi, rồi suốt cả quá trình chăm sóc, điều trị, BS.Linh rất quan tâm, thường xuyên xuống thăm nom tình hình của chồng tôi và các bệnh nhân xung quanh”.
Với BS. Linh, mỗi ca phẫu thuật, mỗi ca bệnh đều có nền bệnh khác nhau. Do vậy, khi điều trị cô lại tiếp cận ở góc độ rất cá nhân, tìm hiểu các vấn đề tiền sử gia đình, thói quen về mặt nghề nghiệp và kể cả các khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị. Sự quan tâm này giúp việc điều trị của cô càng đạt kết quả tốt hơn. Đặc biệt, cô chú trọng các quy trình xét nghiệm cho bệnh nhân trước khi mổ để có những kết quả khẳng định tương ứng với bệnh lý họ đang mang. Nếu không phù hợp, BS.CKII.Trần Thị Mai Linh luôn phải tìm cho ra vấn đề.Bởi, cùng một khối u não nhưng ở từng bệnh nhân khác nhau.
Nhận xét về nữ bác sĩ phẫu thuật sọ não duy nhất của Khoa Ngoại Thần kinh, TTƯT.BS.CKII. Nguyễn Tri Thức. Giám đốc BV Chợ Rẫy TP.HCM, khẳng định: “BS. Linh là một trong số người vượt qua tất cả thách thức khi thi đậu bác sĩ nội trú. Nếu ai đã từng trải qua hệ thống đào tạo y khoa của Việt Nam đều biết, trong 200 hay 300 bác sĩ ra trường, chỉ vài chục bác sĩ đủ tiêu chuẩn thi nội trú, có thể xem như tinh túy, niềm tự hào của chính bản thân người học ngành y. Từ kiến thức vốn có, cộng với việc luôn học hỏi người đi trước, BS Linh hiện đã trực tiếp thực hiện nhiều ca mổ não phức tạp cứu sống người bệnh. Cô là một bác sĩ hiếm hoi chịu được áp lực của những ca mổ sọ não với tay nghề vững vàng”.
BS.CKII. Trần Thị Mai Linh, bóng hồng duy nhất của Khoa Ngoại Thần kinh BV Chợ Rẫy
Và những nghiên cứu mới vì bình an người bệnh
Đặc thù của Khoa Ngoại Thần kinh nơi BS.CKII. Trần Thị Mai Linh đang công tác là các ca mổ não nên bác sĩ luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”, tuy nhiên, cô vẫn miệt mài cùng đồng nghiệp đi tìm những phương pháp điều trị mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân hơn.
Ngoài đề tài khoa học “Các yếu tố liên quan đến kết quả phẫu thuật u nguyên bào mạch máu ở hố sau: kinh nghiệm 10 năm điều trị” được đăng trên tạp chí Y học, Linh còn tham gia nghiên cứu ứng dụng “Điều trị phẫu thuật bệnh đầu nước bằng phương pháp chuyển lưu dịch não tủy thất vào tâm nhĩ”. Đây chính là những đóng góp có ý nghĩa cho sức khỏe người dân và BS.CKII. Trần Thị Mai Linh được vinh danh trong đêm trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2019.
Theo BS. Linh, bệnh đầu nước có tên dân gian là não úng thủy, các em bé có đầu to căng.
BS.Linh thông tin, thông dụng nhất trong chữa trị bệnh này là đặt dẫn lưu từ não thất vào ổ bụng. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, việc đặt ống vào bụng không thể đáp ứng được, chẳng hạn như bệnh nhân đã từng phẫu thuật ổ bụng trước đó hay bụng không hấp thu dịch từ trên não được nên nhóm của cô phải tìm tòi thay đổi phương pháp điều trị truyền thống, bằng cách đặt dẫn lưu vào tâm nhĩ của tim; thay vì vào bụng như trước đây. Nghĩa là, dịch não được dẫn cho đi vào tim rồi cơ thể người bệnh tự đào thải ra ngoài - một phương pháp điều trị mang thêm hi vọng cho bệnh nhân não úng thủy.
Phương pháp chuyển lưu dịch não tủy não thất vào tâm nhĩ là phương pháp mới tại Việt Nam, vì từ trước đến nay chưa có nghiên cứu nào được thực hiện theo phương pháp này. Chính vì vậy, theo BS. Linh, kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho ứng dụng thực tiễn không những cho bệnh đầu nước mà sẽ tạo tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến sọ não.
Để làm được điều đó, điều may mắn, theo BS.CKII. Trần Thị Mai Linh là cô được rất nhiều người thầy, các đàn anh trong nghề dìu dắt, chia sẻ kinh nghiệm. PGS.TS. Võ Tấn Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, là một trong những người thầy như thế. Ông đã tạo điều kiện, khuyến khích để cô học trò đặc biệt này theo học ngành này với mong muốn có thể phát triển được ngoại thần kinh nhi trong tương lai.
PGS.TS.BS.Huỳnh Lê Phương, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, BV Chợ Rẫy, nhận xét: “BS. Mai Linh là một bác sĩ có đạo đức nghề nghiệp, khiêm tốn học hỏi, chịu khó trong công việc.Hơn nữa, một điều tôi muốn nói ở đây, BS. Mai Linh là một bác sĩ nữ hiếm hoi trong ngành phẫu thuật thần kinh. Theo tôi được biết, Việt Nam hiện chỉ có 2 phẫu thuật viên nữ trong ngành này, một ở BV Bạch Mai (Hà Nội) và một ở BV Chợ Rẫy”.