Nụ cười sau 10 mùa xuân bền bỉ vượt lên số phận

07-02-2016 15:37 | Thời sự
google news

SKĐS - Cái ngày định mệnh đến với Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xe máy, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng là ngày 16/8/2006. Chiều tối hôm ấy, trời sầm sập mưa. Ông đi chơi thể thao về đến cây xăng Ngã Tư Sở (Hà Nội), vừa vòng vào một ngả rẽ, bất ngờ bánh xe máy bị trơn trượt, ông ngã, gáy đập vào một gốc cây xà cừ bên đường. Ngất lịm.

Tỉnh dậy, ông thấy đầu mình bị băng bó cứng ngắc. Những khuôn mặt mờ mờ hiện dần lên. Ông nhận ra vợ, con gái, con rể, các cháu ngoại, mắt ai cũng đỏ hoe. Tiếng bà Nguyễn Thị Đức, vợ ông nghẹn ngào: Ôi, anh đã tỉnh rồi! Anh đang ở đâu? - ông hỏi. Bệnh viện TW quân đội 108 - bà trả lời - Anh đã nằm được 3 ngày đêm rồi...

Đầu óc tỉnh táo, nhưng toàn thân ông bất động và qua lời người thân, ông hiểu mức độ nghiêm trọng của cú ngã chiều hôm ấy, các đốt sống cổ bị va đập quá mạnh ảnh hưởng đến tủy sống. Như lời bác sĩ Chủ nhiệm khoa B1, người trực tiếp mổ, chỉ có thể “dọn dẹp” những mảnh xương vỡ và lấy một chót đầu xương sườn của chính ông thay cho một cái đĩa đệm bị nát, còn phần tủy thì không thể động vào. Cũng chưa thể biết mức độ bị dập của ống tủy.

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu trên xe lăn với nụ cười  lạc quan vượt lên bệnh tật.

Ông hiểu từ nay mình đã thành người tàn phế! Sống mũi chợt cay xè. Không được khóc trước mặt người thân, càng làm họ đau lòng thêm, ông tự nhủ. Nhưng ông vẫn cảm nhận được những giọt nước mắt của mình đang lăn nhanh trên gò má. Đến ngày thứ 20. Bỗng ông nghe tiếng bà Đức thốt lên bên tai: Kìa, hình như ngón chân cái bên trái động đậy! Rồi tiếng con gái nói như reo: Đúng đấy mẹ ạ! Sau đó bác sĩ trực giải thích: Thế nghĩa là dây thần kinh tủy sống chỉ bị “mờ”, chứ chưa đứt hẳn. Ông thì ngày càng cảm thấy toàn thân nóng rát như phải bỏng. Cái cảm giác khó chịu, đau đớn đeo bám liên miên.

Người thân, bạn bè liên tục đến thăm, động viên an ủi ông. Thời gian nặng nề trôi. Mấy tháng, đến hết năm. Cứ nằm trơ khấc như khúc gỗ, mọi chuyện bài tiết đều không kiểm soát được. Y tá, người thân liên tục túc trực, phục dịch. Ông đã đến tuổi nghỉ hưu, đã sống qua những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời.

...Ngày đó, vào cuối năm 1965, ông vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, ngành vật lý, thì có giấy gọi nhập ngũ. Đi B, cầm súng trực tiếp chiến đấu giải phóng miền Nam, ông luôn sẵn sàng, toàn miền Bắc, thanh niên “3 sẵn sàng” ai cũng nghĩ thế cả. Nhưng ông không làm lính bộ binh, mà được tuyển vào một binh chủng đặc biệt, mới ra đời của quân đội, là tên lửa phòng không. Rồi ông được chọn đi học nước ngoài, tại Học viện Tên lửa Minxcơ, nước cộng hòa Belarut, thuộc Liên Xô cũ. Tốt nghiệp loại giỏi, năm 1970, ông về nước, trong đoàn cùng với chuyên gia bạn vào tuyến lửa Quảng Bình, cải tiến vũ khí, khí tài, đến cuối năm 1973 mới trở ra. Học viện Kỹ thuật quân sự cần giáo viên về tên lửa, ông được chọn. Ông dạy môn ăng-ten truyền sóng. Ông còn được cử đi nghiên cứu sinh tiến sĩ. Đề cương nghiên cứu đã gửi sang bạn, mãi mấy năm mà không có hồi âm, về sau ông mới được biết: vì “sai lầm”, chọn một hướng nghiên cứu ở lĩnh vực bí mật quân sự của bạn, nên người nước ngoài không được “đụng chạm” tới lĩnh vực đó. Ông còn sang Nga một lần nữa làm tùy viên quân sự. Mãn hạn, ông được làm việc ở Tổng cục Kỹ thuật. Vì cần người am hiểu kỹ thuật để làm công tác cán bộ, cấp trên điều ông sang ngạch chính trị tư tưởng. Làm việc gì ông cũng hết lòng, hết dạ phục vụ anh em, được tín nhiệm, mấy khóa liền ông được bầu Bí thư Đảng ủy Cục. Đến tuổi nghỉ chế độ, ông chuẩn bị về sống những tháng ngày vui vẻ cùng vợ con, ai ngờ...

Giờ là người tàn phế nằm trên giường, ông thấy thương vợ con hơn bất cứ lúc nào, họ đã quá khổ vì ông và sẽ còn khổ đến bao giờ nữa? Ai cũng có lời động viên an ủi và không bao giờ để lộ ra vẻ mặt mệt nhọc, buồn bã hay có lời ta thán nào trước mặt ông. Song, ông biết mình đã là gánh nặng của cả nhà, nhất là với vợ, người bạn đời chung thủy, đã chia sẻ với ông bao nỗi nhọc nhằn đắng chát trên đời. Hai người biết nhau từ thời ở quê Yên Bái, rồi cùng sang Liên Xô. Bà học Khoa Sinh vật, Đại học Tổng hợp Lomonosov. Tốt nghiệp, về nước, bà giảng dạy và nghiên cứu tại Bộ môn Mô phôi, thuộc Học viện Quân y. Bà có quân hàm đại tá và nghỉ hưu trước ông. Trước ngày ông bị tai nạn, bà đã vất vả ngày đêm bên mẹ già bị bệnh, nằm liệt giường nhiều năm liền. Mẹ được chăm sóc chu đáo đến khi qua đời, bà vừa được ít bữa thảnh thơi, thì đến lượt... ông. Nuốt nước mắt vào trong, đã có lúc ông nghĩ đến cái chết để giải thoát cho mình, cho vợ con. Nhiều đêm trăn trở, mất ngủ với sự tồn tại hay không tồn tại? Rồi ông cũng nhận ra một điều thật đơn giản với người bình thường, nhưng không hề đơn giản với người vừa biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, mấp mé cái chết. Tự vẫn là sự trốn chạy, là hèn nhát! Danh dự của người lính không cho phép ông hành động như thế! Ông bỗng nhớ đến Nhicôlai Ôtxtơrốpxki, con người từ trẻ đến cuối đời gắng gỏi vượt lên bệnh tật để cống hiến cho đời tác phẩm văn học nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” mà thời còn trên ghế nhà trường phổ thông ông đã say mê đọc. Rồi thời ấy lứa thanh niên như ông còn lấy một tấm gương nghị lực phi thường để noi theo, đó là thương binh Phạm Hồng Sơn, bị thương vào tủy sống, liệt nửa người, trên giường bệnh vẫn học thêm ngoại ngữ và dịch nhiều cuốn sách có giá trị... Phải sống, đó là mệnh lệnh của trái tim và khối óc!

Sau này, ông còn được một giáo sư ngoại thần kinh nổi tiếng người Pháp mổ một lần nữa, giáo sư cũng chỉ là “nới” cho vùng tủy đốt sống cổ đỡ bị chèn ép hơn mà thôi. Dù sao, dấu hiệu ban đầu mà vợ ông phát hiện đã chứng tỏ dây thần kinh tuy bị tổn thương nhưng chưa bị đứt hẳn, vẫn có thể hồi phục được phần nào, muốn làm được điều này chỉ có cách duy nhất là kiên trì tập luyện. Cần chăm chỉ tập luyện suốt quãng đời còn lại.

Ngày ngày, nghiến răng cho qua cảm giác rát bỏng, ông luôn có người vợ hiền trợ giúp xoa bóp cơ, gân, khớp. Rồi tập đi tập lại các bài theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Một sự kiên trì theo cách nước chảy đá mòn. Đến một ngày, dần tự co duỗi được chân tay lúc nằm trên giường. Rồi một năm, hai năm ông có người đỡ ngồi dậy được, vịn thành giường, vịn cầu thang đi những bước nặng học đầu tiên ở tuổi ngoài 60. Lại có “đồng bệnh tương liên”. Đó là trường hợp của Trung tướng, Anh hùng không quân Nguyễn Văn Cốc. Trước lúc Đại tá Châu xảy ra tai nạn khoảng 3 năm, Trung tướng Cốc, khi vừa hưu (đương chức ông là Tổng Thanh tra quân đội) bị ngã cầu thang tại nhà. Qua nhiều lần phẫu thuật, ông cũng bị liệt nửa người. Cùng bị chấn thương đốt sống cổ, mà biểu hiện có khác nhau. Ông Châu bị rát bỏng toàn thân, còn ông Cốc tuy không bị vậy, mà da tê bì mất hết cảm giác, có lần bị dính nước sôi vẫn không thấy bỏng, có cái nhọt bọc sau lưng vỡ ra tự lúc nào không hay. Hai người thường xuyên điện thoại động viên và thông báo cho nhau về những chuyển biến của cơ thể, về bài thuốc gia truyền của “thầy” này, “thầy” kia, cùng cách luyện tập mới.

Ngày ngày, ông Châu dành ra 5 giờ tập: sáng 2, chiều 2 và tối 1. Thuốc bổ trợ và chế độ dinh dưỡng nhất nhất theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Đến hôm nay, thấm thoắt đã gần 10 năm trôi qua kể từ ngày bị nạn, cánh tay của ông đã tự co duỗi, các ngón  đã cầm được những vật nhẹ và đôi chân với sự trợ giúp của nạng đã đi được. Cũng phải nói thêm, từ buổi đầu, nhờ sự hướng dẫn của bác sĩ lý liệu Bệnh viện Bạch Mai, từ chỗ không tự chủ được tiểu tiện, phải đeo ống xông và túi ni lông bên hông, ông đã bỏ được ống xông và có cảm giác về chuyện này.

Trước kia, quanh năm sống trên tầng ba của ngôi nhà ở phố Nguyễn Ngọc Nại, năm vừa rồi có các con trợ giúp, ông chuyển về ở chung cư Mulberry-Lanne Hà Đông, trong nhà có mặt bằng đi lại và lên xuống bằng thang máy, ông đã có thể đi xe lăn xuống mặt đất để hít thở không khí ngoài trời. Và người viết bài này đến thăm ông một ngày đầu năm 2016. Ông ngồi xe lăn ra tận cổng đón với nụ cười nở trên môi. Có được nụ cười ấy quý lắm! Biết bao trăn trở, mặc cảm, biết bao mồ hôi tập luyện mới có được nụ cười của niềm lạc quan yêu đời ấy. Nụ cười của sự bền bỉ vượt lên số phận, vượt qua bệnh tật để vui sống!


Nhà văn Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn