Hà Nội

Nụ cười nữ bác sĩ bên dòng sông Lam

23-10-2023 07:00 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Dáng người cao, phảng phất chất lãng tử nam tính nhưng nữ bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam cho người đối diện cảm nhận sự ấm áp. Núi Hồng, sông Lam của mảnh đất hiếu học Nghệ Tĩnh, được người cha đặt tên cho con gái yêu quý – Hồng Lam.

Mơ làm công an, rẽ ngang làm bác sĩ

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nghệ An hiếu học, trong gia đình có truyền thống làm nghề y, chị Lam được làm quen với ngành y từ nhỏ. Thế nhưng, ít ai biết, trở thành một chiến sĩ công an mới là ước mơ lớn nhất của chị.

Chia sẻ về ước mơ chưa thành ấy, bác sĩ Lam kể: "Ngày xưa tôi thích học ngành công an. Ước mơ của tôi là khoác lên mình bộ quân phục của lực lượng vũ trang truy bắt tội phạm nhưng gia đình cản, bảo rằng con gái làm nghề y để… nhẹ nhàng. Cuối cùng, cũng là đuổi bắt nhưng đuổi… bệnh tật", chị Lam tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp trường y (năm 1994), chị Lam được về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh.

Ngày đầu nhận việc, có nhiều điều bỡ ngỡ với cô sinh viên mới ra trường năm đó. Mọi điều mới tinh với chị, không hề giống như những gì chị được học khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Có nụ cười bên dòng sông Lam - Ảnh 1.

Chị Phạm Thị Hồng Lam khi mới ra trường

Chị nhớ lại, ngày đi làm đầu tiên, bác bệnh nhân hơn tuổi cha hỏi "cô đang là sinh viên à?". Chị thoáng giật mình, nở nụ cười thật tươi: Con ra trường rồi bác. Nay con khám và kê đơn thuốc mong bác chóng khỏe về nhà nhé. Lúc đó, bác bệnh nhân mới hoạt bát hơn.  

Sau buổi khám đầu tiên đó, chị luôn nhớ lời mẹ, cha dặn khi muốn con gái học y: "Bệnh nhân là người thân của mình con nhé". Lời nhắn nhủ nhẹ nhàng ấy đã giúp cho chị hoàn thành tốt công việc của mình, đặc biệt hơn là còn chạm sâu vào trong trái tim của những người bệnh.

Khi gặp khó khăn, chị muốn bỏ cuộc. Những khi như vậy, chị Lam lại nghĩ đến động lực để mình bước vào ngành y. "Ai cũng có lúc nóng giận, mất kiểm soát lời nói. Bệnh nhân nhọc trong người, họ khó tính chơ răng nựa. Mắng chửi có chi mô…", chị Lam cười tươi.

Sau 7 năm công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, một ngày cha gọi chị đến tâm sự, mong muốn cô con gái duy nhất làm nghề y được về ở gần để tiện chăm sóc gia đình. Như cảm được nỗi lòng của cha, năm 2001, chị xin chuyển về công tác gần thành Vinh hơn nhưng vẫn thuộc y tế Hà Tĩnh đó là Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân.

Bác sĩ  Pham Thị Hồng Lam trao đổi với người bệnh tại TTYT huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Nỗ lực không ngừng, với tâm niệm ở đâu cũng là chăm sóc, sức khỏe nhân dân. Chị Lam lao vào học nâng cao dần trình độ, mong muốn được góp sức với người dân Nghi Xuân.

Là vùng đất có địa hình đặc biệt, huyện Nghi Xuân - quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, 3 bề giáp sông, núi và biển cả, Nghi Xuân nằm trọn trong vùng địa linh núi Hồng, sông Lam, biểu tượng văn hóa xứ Nghệ. Thấm đẫm câu ví sông Lam, người con Hồng Lam đã yêu từng điệu ví, câu hò trọn lòng với người dân.

Y tế gần dân và vì dân

Gần 30 năm gắn bó với ngành y, với màu áo blouse trắng, dù đạt được nhiều thành công, được các cấp lãnh đạo địa phương tin tưởng, giao phó nhiều trọng trách, nhưng có lẽ với bác sĩ Lam thành công lớn nhất vấn là tình thương của người dân đối với ngành y.

Kể về hành trình ấy, dù đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong những ngày đầu mới giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, chị nhiều lần trăn trở tìm tòi để y tế gần dân hơn, người dân tin tưởng ở y tế cơ sở.

Có nụ cười bên dòng sông Lam - Ảnh 2.

Bác sĩ Hồng Lam và đồng nghiệp tham gia hỗ trợ người dân phòng chống dịch.

Vừa phụ trách công tác y tế dự phòng vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, nên hiếm thấy chị ở phòng làm việc.

Hôm chị Lam đi từ thôn Song Nam, xã Cương Gián, cách trung tâm huyện 30 km điều tra về ca bệnh sốt xuất huyết, nắng rát trên khuôn mặt. Trở về, ngồi thụp xuống ghế ngay phòng bảo vệ, mở chai nước để trong túi xách, uống hết một hơi, giọng thở dốc.

Dưới xã báo test nhanh dương tính với sốt xuất huyết, chị và đồng nghiệp như ngồi trên lửa, nếu không điều tra dịch tễ sớm, không khoanh vùng kịp thời, rồi xem chỉ số vecto, mật độ muỗi… bùng phát thành dịch là nguy hiểm lắm.

"May mắn, y tế xã đã thành thạo xử lý nhanh nên đã khoanh gọn kịp thời….", nụ cười nhẹ nhõm của chị Lam đem lại cảm giác yên tâm cho người đối diện.

Có nụ cười bên dòng sông Lam - Ảnh 3.

BS Phạm Thị Hồng Lam vinh dự nhận nhiều bằng khen của ngành Y tế

Y tế cơ sở là nơi gần dân, sát dân, các cán bộ nhân viên y tế thường phải linh hoạt, một người cần biết nhiều việc, sẵn sàng cùng ở với dân. Giai đoạn có dịch sốt virus, cúm A trên địa bàn, gần như thời gian bác sĩ Lam dành cho gia đình rất ít bởi chị và các đồng nghiệp luôn ở trạm y tế xã để điều trị, phân luồng bệnh nhân. 

Không chỉ đợi người bệnh đến trạm, y tế cơ sở như chị Lam phải về từng thôn, gõ cửa từng nhà, trò chuyện với người dân.

"Những chuyến về với dân như vậy, mới biết trong nhà có người ốm mà lại ở vùng có dịch, động viên họ đến trạm và bệnh viện. Nhiều người chủ quan đến khi ốm nặng quá mới vào viện thì bệnh đã trở nặng rồi", chị Lam kể.

Khi công việc chống dịch bộn bề, nhiều ngày chị Lam ở lại làm việc hẳn tại Trung tâm mà không được về dùng bữa cơm chung cùng gia đình.

Bác sĩ Lam nhớ nhất là thời kì dịch COVID-19 đang "nóng rẫy". Cường độ làm việc đẩy lên cao trào. Ăn nghỉ tại cơ quan. Cả ngày rong ruổi đi hết 17 xã, thị trấn. Chị rong ruổi trên những quãng đường hàng trăm cây số bằng chính phương tiện cá nhân của mình, bởi xe công vụ được ưu tiên cho vận chuyển bệnh nhân và bệnh phẩm. Thời gian ở nơi làm việc nhiều gấp bội so với ở nhà.

Nhà ở TP Vinh - Nghệ An, làm việc ở Nghi Xuân - Hà Tĩnh, dịch đến, chị Lam không thể về nhà. Ngày làm việc của chị Lam bắt đầu lúc 4h30 sáng, không có thời gian kết thúc, nhiều lúc lấy mẫu, truy vết xuyên đêm.

Chị Hồng Lam gác lại những niềm vui cùng gia đình, mang theo hành trang là những liều vaccine, chiếc khẩu trang, lọ sát khuẩn cùng quần áo bảo hộ, ngày đêm trực chiến.

Được giao phụ trách phòng, chống dịch và hoạt động ngoài viện, chị đã chỉ đạo đơn vị xây dựng các tình huống, triển khai các phương án phòng, chống dịch COVID-19 như: tập trung khoanh vùng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tham mưu đến lãnh đạo huyện thiết lập các khu cách ly.

Bác sĩ Lam nhớ lại: "Khó khăn lớn nhất với chúng tôi là thời điểm vaccine đang còn hiếm. Nhiều người ào đi tiêm. Ai cũng mang trong mình tâm lý lo lắng. Tránh nguy cơ tập trung đông người, tôi là bác sĩ chính ở đó, ra quyết định dừng tiêm.

Quyết định được công bố, cả trăm người như "đàn ong vỡ tổ", bỗng im phăng phắc. Họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng chỉ im lặng 1 phút rồi từng đó con người lại ào lên. Tôi phải chọn vị trí cao nhất, cầm loa tay nói bà con tập trung đông người không theo hàng lối, nguy cơ mất trật tự, ảnh hưởng đến chất lượng tiêm của bác sĩ, nhân dân sẽ là người thiệt thòi nhất.

Rồi người dân cũng hiểu và trật tự. Buổi tiêm vaccine kết thúc trong an toàn. Lực lượng công an xã và dân phòng hôm đó ban đầu rất lo vì sợ "vỡ trận", rồi anh em hạnh phúc như trút gánh nặng.

Nghi Xuân ngày ấy thường xuất hiện những điểm dịch bất ngờ. Chị Lam nhận nhiệm vụ phụ trách chống dịch ngay từ những ngày đầu. Ban ngày, công tác tiêm chủng, điều trị cho bênh nhân khẩn trương khiến cho nhân viên y tế quay cuồng trong công việc đến kiệt sức.

Chưa kịp đưa bát cơm lên, người dân đến khai báo dịch tễ. Chị và đồng nghiệp lại tạm gác đi bữa cơm tiếp tục làm việc. Vất vả của cán bộ y tế không chỉ có ở ban ngày, khi đêm xuống cái vất vả lại ôm chặt lấy chị trong từng giây từng phút.

Có những đêm đã rất khuya rồi mới chợp mắt được đôi ba phút, chị lại bị đánh thức bởi tiếng người gọi để khai báo dịch tế hoặc nhập viện cách ly. Cả ngày làm việc tới khuya, mệt lả, nhưng chị Lam cùng nhiều đồng nghiệp gác lại giấc ngủ để hỗ trợ người dân được tốt nhất.

Công việc nhiều vất vả cực nhọc, nhưng chị Lam chưa bao giờ nản về nghề mình đã chọn. Thời gian làm việc, chị là người được tiếp xúc với nhiều người dân, nhiều bệnh lý khác nhau nên chị hiểu được những cơn đau, những mệt mỏi của bệnh nhân.

Người xứ Nghệ ân tình mà nồng cháy. Lam lũ cống hiến, chở phù sa mang khát vọng ngàn đời. Những chiến sĩ áo trắng như bác sĩ Lam và hàng triệu thầy thuốc trên khắp mọi miền đất nước, miệt mài làm việc và cống hiến đưa dòng phù sa bồi đắp khắp muôn nơi. Nụ cười bên dòng sông Lam như dòng nước mát bồi đắp xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Viết Bảo - Kim Oanh
Ý kiến của bạn