“Nữ công dân ưu tú” thầm lặng chữa bệnh cứu người

20-02-2012 07:35 | Xã hội

Nghiêm túc, chân thành, có cái uy của người làm quản lý nhưng cũng rất gần gũi, luôn cảm thông và chia sẻ với đồng nghiệp… đó là cảm nhận chung của nhiều người khi tiếp xúc và làm việc với BS. Nguyễn Thị Đức Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội, Bệnh viện Xanh Pôn,

Nghiêm túc, chân thành, có cái uy của người làm quản lý nhưng cũng rất gần gũi, luôn cảm thông và chia sẻ với đồng nghiệp… đó là cảm nhận chung của nhiều người khi tiếp xúc và làm việc với BS. Nguyễn Thị Đức Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội, Bệnh viện Xanh Pôn, người được trao tặng danh hiệu Công dân ưu tú của Hà Nội năm 2011.  

Định mệnh run rủi

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng bác sĩ (BS) Hiền cũng bố trí được thời gian gặp cánh phóng viên chúng tôi vào lúc 7 giờ tối một ngày cuối tuần. Tiếp chúng tôi trong một không gian hẹp với xung quanh là rất nhiều bằng khen, giấy khen dành tặng cá nhân chị và cả Khoa Hồi sức cấp cứu, BS. Hiền chân thành nói: “Tôi luôn cố gắng hết sức để hoàn thành tốt công việc của mình. Còn việc ghi nhận năng lực và hiệu quả công việc là do lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp… đánh giá. Việc được công nhận là Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2011 cũng đến với tôi như vậy thôi”.

 BS. Nguyễn Thị Đức Hiền.

BS. Hiền tâm sự, bước đường đến với ngành y đối với chị dường như là một định mệnh. Gần 40 năm trước, cô nữ sinh Nguyễn Thị Đức Hiền rất thích học ngoại ngữ nên dự định sẽ thi vào Trường đại học Ngoại thương. Thế nhưng, khi đi khám sức khỏe để làm hồ sơ dự thi đại học, thái độ lạnh lùng của vị BS nọ trong quá trình thăm khám đã khiến Hiền rất sợ hãi, bức xúc. Vì vậy, Hiền đã thay đổi quyết định, nộp đơn thi vào khối B để sau này trở thành một BS chữa bệnh cứu người.

“Cho đến nay, tôi vẫn không thể quên âm thanh khô khốc, lạnh lùng của chiếc đè lưỡi mà người BS đó ném mạnh vào cái khay kim loại trên bàn. Ấn tượng đó luôn nhắc nhở tôi và tôi cũng luôn nhắc nhở các thế hệ y, BS tiếp nối là cần phải quan tâm, đồng cảm với người bệnh”, BS. Hiền cho biết.

Cảm nhận được tâm tư của người bệnh từ khi còn rất trẻ như vậy nên gần 30 năm qua, BS.Hiền luôn chú trọng tới vấn đề ứng xử đối với bệnh nhân, chị cũng thường xuyên nhắc nhở điều này với những đồng nghiệp trong khoa. “Tôi quan niệm, một người thầy thuốc có y đức là người có trình độ chuyên môn cao, làm tốt công việc khám chữa bệnh của mình. Vì vậy, tôi không đồng ý rằng cứ nói đến y đức của người thầy thuốc là nói tới ứng xử, phong bì… Khi người thầy thuốc có đầy đủ kiến thức, năng lực chuyên môn, tay nghề vững, có đủ bản lĩnh trước những ca bệnh hiểm nghèo thì chắc chắn phần lớn sẽ tự tin, đối xử đàng hoàng với người bệnh”, BS. Hiền nhấn mạnh.

“Nói đi đôi với làm” nên BS. Hiền luôn luôn gương mẫu trong mọi công việc. Gần 30 năm qua, không một ngày nào chị không dành thời gian để cập nhật kiến thức chuyên môn. “Tôi đăng ký vào các trang web chuyên ngành uy tín để họ gửi thông tin mới cho mình. Đọc xong, tôi lại trao đổi ngay với các đồng nghiệp trong khoa. Ngoài ra, ở khoa cũng có hệ thống internet để mọi người có thể tra cứu tài liệu bất cứ lúc nào. Tôi cho rằng những nguyên tắc điều trị hay kiến thức cơ bản thì phải biết nhưng có một số kiến thức thì không nhất thiết phải học thuộc lòng, ví dụ nếu chưa chắc chắn về liều lượng thuốc thì có thể tra cứu để đảm bảo độ chính xác trong điều trị bệnh”, BS. Hiền chia sẻ.

“Gái có công, chồng không phụ”

Về công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn năm 1984 thì năm 1995, BS. Hiền được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội. Đặc biệt, chị đã thi đỗ và theo học một chương trình chuyên khoa sâu về hồi sức cấp cứu tại Trường đại học y Lille - Cộng hòa Pháp. Chuyến đi này trang bị cho chị rất nhiều kiến thức cũng như phong cách làm việc, để rồi sau đó chị nhanh chóng áp dụng trong quá trình điều trị cũng như quản lý tại khoa phòng của mình.

“Khác với các khoa, phòng khác trong bệnh viện, tại Khoa Hồi sức cấp cứu nội, sáng nào cũng vậy, sau phần giao ban của các BS là phần giao ban của các điều dưỡng về từng bệnh nhân, yêu cầu nêu rõ về lượng nước tiểu, ăn như thế nào, nhiệt độ, huyết áp ra sao… Do đó, các điều dưỡng có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến của toàn bộ bệnh nhân trong khoa, kịp thời phát hiện, báo cáo BS để có những xử trí kịp thời…”, BS. Hiền vừa nói vừa cho chúng tôi xem Sổ theo dõi chức năng sinh tồn của bệnh nhân, trong đó ghi cụ thể thời gian, chi tiết các thông số của từng người bệnh…

Không chỉ chú trọng vào việc cập nhật kiến thức, tổ chức quản lý khoa theo mô hình hiện đại, chị còn rất sáng tạo trong việc cải tiến kỹ thuật và có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị; trong đó sáng kiến Cáng cải tiến và kỹ thuật thu gom chất thải cho bệnh nhân sốc giảm thể tích do tiêu chảy cấp được chị tâm đắc nhất và cũng được cấp trên đánh giá cao về hiệu quả cũng như tính ứng dụng cho người bệnh.

“Năm 2008, dịch tả bùng phát tại Hà Nội nên khoa cũng quá tải nhiều bệnh nhân nặng. Các chị em hộ lý trong khoa “hoa mày chóng mặt” vì suốt ngày đổ bô, thay bỉm… cho bệnh nhân. Vậy nên chúng tôi nghĩ ra cách khoét một lỗ tròn trên cáng. Mặt phía dưới cáng lắp một xô nhựa trong suốt có đánh dấu vạch chỉ thể tích, trong xô có chứa sẵn một lượng dung dịch sát khuẩn chloramin B 10% để thu gom chất thải cho người bệnh. Bởi vậy, đã tiết kiệm rất nhiều công lao động cho chị em hộ lý và điều dưỡng. Về hiệu quả kinh tế, tiết kiệm được hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, đã giúp cho việc đánh giá lượng nước mất đi một cách chính xác dẫn đến việc bù dịch và điện giải lại cho bệnh nhân hiệu quả và thuận lợi hơn. Đây là một phương pháp điều trị quan trọng cho bệnh nhân tiêu chảy cấp”, BS. Hiền “bật mí”.

Với những sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và nghiêm khắc trong quá trình thực hiện đó của BS trưởng khoa, nên kể từ ngày thành lập đến nay, Khoa Hồi sức cấp cứu nội, Bệnh viện Xanh Pôn luôn là một trong những khoa dẫn đầu trong công tác chuyên môn, nề nếp làm việc cũng như phong cách phục vụ người bệnh của ngành y tế Thủ đô. Vì vậy, BS.Hiền đùa vui rằng, nếu có về hưu, chị cũng rất yên tâm vì đã xây dựng được mô hình hiệu quả, ở đó các BS, điều dưỡng, hộ lý đều tự giác làm việc và làm việc thực sự vì lòng yêu nghề.

“Không yêu nghề thì không thể trụ lại được ở khoa này. Tại đây đã có BS về hôm trước thì hôm sau phải xin đi ngay vì không thể chịu đựng nổi áp lực từ tiếng báo động của các loại máy móc lúc nào cũng dồn dập, cho đến việc ngày đêm liên tiếp phải đón nhận những bệnh nhân trong tình trạng thập tử nhất sinh…”, BS. Hiền quả quyết.

“Khoa Cấp cứu luôn luôn không yên tĩnh.
Có khi nào một giấc ngủ bình yên?”

Những vần thơ do người nhà bệnh nhân dành tặng cho các “chiến sĩ áo trắng” ở Khoa Hồi sức cấp cứu nội đã nói lên được không khí làm việc tất bật ở nơi thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân rất nặng, nguy kịch như: suy hô hấp, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não… Vậy nên, đã hàng chục năm nay, hầu như chưa có đêm nào BS.Hiền có được một giấc ngủ trọn vẹn, đôi khi là những cú điện thoại hội chẩn khẩn cấp lúc nửa đêm hoặc khi là những chuyến taxi tức tốc lúc gần sáng đưa chị đến bệnh viện để hỗ trợ đồng nghiệp trong những ca bệnh khó. Và cứ khi nào đến bệnh viện, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng là chị quên hết mọi việc riêng tư. Và cứ như thế, ngày nào cũng vậy, công việc nối tiếp công việc, nào là việc chuyên môn, nghiên cứu khoa học, nào là việc giảng dạy, chỉ bảo cho các lớp đàn em, sinh viên của mình...

“Công việc quá căng thẳng, vậy điều gì níu BS trụ lại với nghề?” - BS. Hiền cười đáp: “Tôi vẫn động viên mình và đồng nghiệp rằng “Gái có công, chồng không phụ”, các bạn cứ làm việc hết sức mình đi, đừng mong sự đền ơn nhưng đến lúc nào đó may mắn sẽ đến với bạn hoặc bạn sẽ được người khác giúp đỡ. Ngoài ra, niềm vui thấy người bệnh khỏe hơn sau một y lệnh chính xác hay sau một đêm trực cũng là niềm động viên lớn, giúp chúng tôi trụ lại được với nghề”, BS.Hiền xúc động nói.

Qua nhiều năm làm việc cùng chị, nhiều cán bộ trong khoa đã trưởng thành rất nhiều trong công tác chuyên môn và đã tìm được niềm vui thật sự trong nhiệm vụ “trị bệnh cứu người”. Họ đã làm quen và học được cách tư duy logic trong chẩn đoán và điều trị của người đồng nghiệp, người chị và cũng là người thầy của mình. Điều này chúng tôi đã cảm nhận được sau khi tiếp xúc với một số cán bộ trong khoa của BS.Hiền. “Hồi đầu làm việc với BS.Hiền, tôi hồi hộp và căng thẳng lắm, bởi chị là một người rất nghiêm túc, nghiêm khắc, có lần tôi đã suýt ngất xỉu trước buổi báo cáo giao ban đầu tiên của mình. Nhưng chính nhờ sự chỉ bảo tận tình, nhờ sự nghiêm khắc đó, tôi đã trưởng thành, tự tin hơn khi đứng trước người bệnh và đồng nghiệp”, BS. Liên, đồng nghiệp của chị Hiền kể.

 BS. Nguyễn Thị Đức Hiền thăm khám cho bệnh nhân.Ảnh: Dương Ngọc

“Tôi bị rách áo blouse nhiều lần vì bệnh nhân cố đưa phong bì…”

“Nếu sau này có thời gian, tôi sẽ viết sách, viết về công việc của chúng tôi, về cách ứng xử trong cuộc sống, trong đó có cả những câu chuyện cười ra nước mắt. Trong đó, điều mà tôi muốn nói nhất đó là xã hội đang nhìn ngành y với con mắt quá cay nghiệt, việc nhận phong bì, việc cán bộ y tế thiếu tế nhị với bệnh nhân chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh thôi”, BS. Hiền thoáng buồn nói.

BS.Hiền khẳng định rằng, ở đâu không biết chứ ở khoa của chị, từ hộ lý, điều dưỡng đến BS đều rất tận tình với người bệnh và rất tự trọng. “Tôi sợ nhất là đang cấp cứu mà người nhà bệnh nhân cứ xông vào và thọc tay vào túi áo BS để đưa phong bì, tôi bị rách áo nhiều lần như thế rồi. Rất nhiều người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân đã kể lại rằng họ đã rất ngạc nhiên khi thấy cán bộ của tôi từ chối nhận phong bì dù thời điểm đó là giữa đêm rét mướt, lúc đưa bệnh nhân đi chiếu chụp Xquang chẳng hạn, chỉ có gia đình người bệnh và cán bộ của tôi thôi”.

Chị cũng tâm sự rằng, chị không giáo điều đến mức cấm cán bộ của mình nhận phong bì của người bệnh. “Chúng tôi không đòi hỏi, nhưng nếu cảm thấy xứng đáng thì tôi cho phép anh chị em nhận và nhận một cách đàng hoàng. Đơn cử, sau khi cứu sống bệnh nhân, nhiều gia đình đã đến và cảm ơn chúng tôi với thái độ trân trọng thì chúng tôi có thể nhận sự cảm ơn đó chứ, còn nếu đưa dấm dúi với mục đích khác thì là sự xúc phạm đối với chúng tôi”.

Luôn tận tụy hết lòng vì người bệnh, đầy nhiệt huyết và lòng yêu nghề; vậy mà không ít lần BS. Hiền và đồng nghiệp của chị đã rất buồn, thậm chí đã từng phải khóc vì sự nhiếc móc vô lý, thậm chí phỉ báng của người bệnh hay thân nhân của họ. “Một số người bệnh ngừng tim từ trước khi đưa tới BV, nhưng người nhà bệnh nhân khi vừa bước chân vào cửa khoa đã la hét và chỉ thẳng vào mặt chúng tôi mà rằng “Lương y mà chúng mày làm ăn như thế à…?”, có trường hợp bệnh nhân còn đạp thẳng vào bụng nhân viên y tế khi nữ y tá này đang mang thai… Gặp những tình huống như thế không buồn sao được. Thậm chí, đôi khi tự hỏi tại sao mình lại phải chịu đựng những điều như thế. Nhìn anh chị em xanh xao sau những đêm trực vất vả, cố gắng hết sức để cứu sống người bệnh mà vẫn phải chịu những hành động, những lời mắng chửi vô lối đó, đau lòng lắm”, BS. Hiền tâm sự.

Hiểu rõ nỗi vất vả đó, BS. Hiền luôn luôn chú trọng việc tạo một không khí ấm áp, cởi mở cho cán bộ, nhân viên trong khoa. “Công việc đã vất vả như vậy, mà nếu phải làm việc trong một không khí thiếu vui vẻ, đoàn kết nữa thì chẳng ai có thể sống và trụ lại được ở Khoa Hồi sức cấp cứu nội. Do đó, thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức những buổi picnic, “Ngày hội gia đình” của khoa, ngoài mục đích giúp anh chị em nghỉ ngơi thư giãn, giảm stress sau những ngày làm việc căng thẳng còn tạo ra sự gần gũi giữa các thành viên trong khoa, vừa giúp các “chàng rể, nàng dâu” của khoa hiểu, thông cảm với công việc của vợ, chồng mình hơn”, BS. Hiền cười nói.

Cùng ra về và chia tay chúng tôi trước cổng bệnh viện, lúc đã hơn 8 giờ tối, chợt thấy một anh xe ôm chào BS. Hiền và hỏi: “Hôm nay, bác sĩ về sớm thế?”.

- “Chẳng là mọi khi tôi hay về muộn, sớm nhất cũng phải 9 - 10 giờ đêm mới về mà”, BS. Hiền cười, giải thích qua với chúng tôi rồi nhanh chóng rẽ về hướng Hồ Tây, nơi ấy có một mái nhà yên ấm mà ông xã và 2 người con học rất giỏi đang chờ đợi chị.

Vâng, có lẽ câu nói “gái có công, chồng không phụ” đã rất đúng với BS. Nguyễn Thị Đức Hiền, một nữ Công dân ưu tú của Thủ đô, luôn coi y đức đơn giản là làm tốt trách nhiệm của người thầy thuốc. Nhưng để thực hiện được điều đó trong thời buổi kinh tế thị trường này, thật không phải là một điều giản đơn.

  Hà Phương


Ý kiến của bạn