Đào, Phở và Piano nằm trong số 63 phim dự thi tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 diễn ra từ 2-6/7. Bộ phim từng tạo nên cơn sốt khi “cháy vé” tại các rạp dịp Tết vừa qua.
Tại buổi gặp gỡ báo chí trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2, chia sẻ về quá trình tham gia bộ phim, nữ chính Cao Thuỳ Linh của Đào, Phở và Piano cho hay, việc được chọn vai chính, đóng cùng các cô chú, anh chị lâu năm trong nghề đã tạo ra áp lực rất lớn cho cô. Bởi Cao Thuỳ Linh là một người mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa từng trải qua lớp đào tạo diễn xuất nào.
“Vì áp lực quá lớn, nhiều lần tôi nói với đạo diễn rằng hay thôi cháu không làm nữa”, nữ diễn viên nói.
Tuy nhiên, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã động viên Cao Thuỳ Linh tiếp tục. “Chú Sơn nói, con cứ làm đi, khi vào hiện trường không chỉ có chú mà các cô chú anh chị trong nghề sẽ giúp đỡ. Và quả thực, mọi người đã giúp đỡ, chỉ bảo tôi rất nhiệt tình. Trước khi bước vào bộ phim, tôi được học một khoá học diễn xuất ngắn hạn với cô Nguyệt Hằng, được hướng dẫn từng cử chỉ, đi đứng như thế nào cho đúng chất của một cô gái Hà Nội. Tôi cũng được cô dẫn đi nhà thờ để biết các nghi lễ, hiểu và cảm nhận rõ hơn nhân vật”, Cao Thuỳ Linh cho biết.
Nữ diễn viên kể, trước mỗi cảnh khó rất hay run nên thường được mọi người động viên, làm tư tưởng trước. Cao Thuỳ Linh nhớ lại cảnh đóng cùng NSND Trần Lực phải quay đi quay lại 4-5 lần. “Vừa quay, tôi vừa sợ, vừa nghĩ chỉ tại mình mới thành ra như vậy. Nhưng khi ra ngoài hiện trường, chú Trần Lực nói tôi đừng lo lắng gì hết, cứ làm như bình thường thôi. Chú giúp tôi lấy lại bình tĩnh để vượt qua được thử thách đó”, nữ diễn viên nhớ lại.
Theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, vai của Cao Thuỳ Linh khó, tìm diễn viên phù hợp không đơn giản bởi nhiều nữ diễn viên hiện nay rất xinh nhưng phẫu thuật thẩm mỹ nhiều.
“Linh được mời đến casting cho một vai nhỏ. Bạn ấy chưa có kinh nghiệm diễn xuất nhưng thông minh. Sự trong lành, lúng túng của Linh khi thử vai khiến tôi nhớ đến người mẹ, người chị của mình. Trước súng đạn, vũ khí, sự tàn ác của chiến tranh, trước hết đó là nỗi sợ. Linh run rẩy, không chắc chắn lắm khiến tôi và các trợ lý đều nhận ra rằng đây là nhân vật của mình.
Chúng tôi mời Linh đến thử vai thêm. Tôi kể về câu chuyện lịch sử, Hà Nội của những năm 1945 - 1946, kể về người chị tôi, là học sinh của trường Đồng Khánh để Linh cảm nhận, hiểu rõ hơn. Khi hoá trang, phục trang xong, nhìn thấy Linh cả đoàn đều thốt lên 'đúng cô này rồi'", ông chia sẻ.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ, dòng phim lịch sử, truyền thống cách mạng xưa nay vốn “nghe nhàm tai”. Chính vì vậy, ông rất bất ngờ khi Đào, Phở và Piano nhận được sự ủng hộ của khán giả.
Qua đó, ông hiểu rằng, hoá ra khán giả Việt, kể cả người trẻ cũng rất quan tâm đến đề tài lịch sử. Tuy nhiên, có thể do cách làm, quan niệm làm phim lịch sử lâu nay bị cứng nhắc.
“Ở phim này, chúng tôi cố gắng để con người bé lại, không có ai quá lớn, các nhân vật không có ai che ai, họ là một phần của lịch sử. Điều này làm giảm nhẹ đi những “ác cảm” hoặc ấn tượng không hay của khán giả về dòng phim lịch sử, truyền thống. Đó là sự may mắn của chúng tôi”, ông nói.
Diễn viên Doãn Quốc Đam bày tỏ xúc động trước tình cảm của khán giả dành cho bộ phim. Theo anh, việc quảng bá trên các nền tảng cũng là yếu tố giúp bộ phim đến gần hơn với công chúng. “Trong thời đại 4.0, phim hay thôi chưa đủ, các nhà sản xuất cần chú trọng việc này, nếu cứ áo gấm đi đêm thì phim có hay cũng không ai biết”, nam diễn viên nhấn mạnh.
Nhận định về các phim thương mại, giải trí đang chiếm lĩnh thị trường phim Việt, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng, những tác phẩm tạo ra dòng chảy trong rạp chiếu vẫn thất thường, manh nha. Có phim tạo sóng lớn nhưng cũng có phim chìm rất nhanh.
Theo ông, ngoài nhu cầu giải trí, khán giả còn có những nhu cầu khác như tìm hiểu, so sánh… Nếu chỉ tính đến yếu tố giải trí thì đến lúc nào đó chúng ta cũng hết trò, hết chiêu, làn sóng chìm xuống và đó là sự phát triển không bền vững.
“Nếu nghĩ rằng khán giả Việt Nam đến rạp chỉ để giải trí thì nhà làm phim đang coi thường người xem bởi họ còn có những nhu cầu cao hơn. Nếu chúng ta làm phim vượt qua cả nhu cầu giải trí thì điện ảnh mới phát triển bền vững được”, đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định.