Đó là những phận đời bé bỏng cô đơn thiệt phận mà chị cưu mang nuôi dưỡng tại chùa Pháp Lạc - Bình Phước, từ mươi năm nay. Đó là mái ấm gia đình và cũng là chốn về sau những đêm biểu diễn. Chị đã hát ru chúng ngủ và biết bao ký ức buồn tủi lại tràn về...
Trầm luân một thuở
Việc ca sĩ Phi Nhung bỏ tiền xây chùa để nuôi các em bé mồ côi không nơi nương tựa như nhân duyên trời định, xuất phát từ trái tim nhân hậu, với tình yêu thương đem lại phúc lành cho con người. Sau một lần đi diễn ở Bình Phước, gặp các em bé có số phận cơ cực, Phi Nhung thấy xót xa và nhớ đến cuộc đời thơ ấu cay đắng của mình. Bởi chính Phi Nhung được chào đời trong tiếng chuông, tiếng mõ sau cánh cửa chùa trên xứ sở sương mù Tây Nguyên. Cái đêm tháng tư năm 1972, khi tiếng súng của cuộc tiến công trên mặt trận Pleiku vang lên, cũng là lúc Phi Nhung khóc tiếng đầu tiên trong khói lửa. Cô là sản phẩm của một cuộc tình giữa mẹ cô và một chiến binh người Mỹ. Nhưng bị gia đình ruồng bỏ. Mẹ cô đã phải lánh vào chùa để sinh nở. Chiến tranh loạn lạc. Mẹ cô một thân một mình chống chọi với mọi nỗi cô đơn và cay đắng. Phi Nhung đã ăn những chén nước cháo từ bi nơi cửa Phật và đã phải làm giấy khai sinh theo họ mẹ - Phạm Phi Nhung.
Cô bé Phi Nhung ngày ngày lớn lên trong sự dè bỉu và chia ly. Sống với bà ngoại được mấy năm thì mẹ đi lấy chồng, Phi Nhung bắt đầu một cuộc sống cô đơn, tủi phận với nòi giống của một con lai Mỹ. Nhất là khi mẹ bị tai nạn chết, Phi Nhung lại càng côi cút với năm đứa em cùng mẹ khác cha. Chẳng mấy chốc, cha dượng bỏ nhà đi biệt xứ, bỏ lại năm đứa con đói khát cùng với Phi Nhung. Từ đó cô đóng vai trò của một người mẹ, oằn lưng kiếm ăn để nuôi các em, mặc dù mới ở tuổi lên 10. Những ký ức về mẹ chỉ còn là những bài hát quê hương và những câu cải lương ngọt ngào mà cô được nghe mẹ ru các em. Và cả một thời gian dài Phi Nhung quần quật làm ăn, hết làm thuê, vác mướn đến học thợ may để sửa quần áo kiếm cơm nuôi các em. Thân thể còi cọc, yếu đuối vậy mà với tình thương và ý chí mãnh liệt, Phi Nhung ngày đêm lo toan vun xới cho cuộc sống của đàn em.
Thời gian cứ thế trôi qua trong phận nghèo túng và đói rách cho đến khi Phi Nhung được đưa đi Mỹ trong diện con lai, năm 1989. Nhưng trong lòng Phi Nhung vẫn chỉ có một nguyện vọng, sang Mỹ để kiếm tiền được nhiều hơn, gửi về nuôi các em ăn học. Có thể ăn chưa no, áo chưa lành nhưng không thể đói chữ. Thế là Phi Nhung lại lao vào kiếm việc làm cho dù còn vất vả hơn hồi còn ở nhà. Niềm vui an ủi khi tha hương chỉ còn lại tiếng ru của mẹ. Những lúc cô đơn tủi phận nhất, trong những đêm lạnh lẽo, Phi Nhung lại nhớ tới mẹ và hát lại những bài ca đã thuộc từ ngày còn bé. Cô đã đi nhà thờ và hát những lời thánh ca trong ngày lễ cùng với cộng đồng những người Việt xa xứ. Khi ấy tiếng hát của Phi Nhung đã buồn lắm rồi. Ở tuổi mười tám đôi mươi, đẹp tựa trăng tròn, vậy mà Phi Nhung chỉ âm thầm sống với nỗi buồn chia ly. Mẹ mất sớm và niềm hy vọng đi tìm người cha thất lạc bấy lâu nay không còn nữa. Buồn đến da diết, Phi Nhung chỉ biết dồn sức lực kiếm tiền nuôi các em khôn lớn.
Không ngờ vận may đã đến, khi ước mơ của Phi Nhung được chắp cánh, với giọng hát đầy tủi buồn của mình. Đó là một buổi hòa nhạc tại nhà thờ vùng Tampa ở Florida, nơi Phi Nhung sinh sống, ca sĩ Trizze Phương Trinh đã phát hiện ra giọng hát thiên phú của Phi Nhung. Đó là tiếng hát làm ám ảnh lòng người, với nỗi buồn thăm thẳm tự trái tim. Ít tháng sau, Phi Nhung theo lời kêu gọi của Phương Trinh, đã quyết định lên bang California lập nghiệp (năm 1993), khi đời sống các em ở Tây Nguyên đã ổn định phần nào. Đúng là con nhà cửa Phật nên đã được ban phúc lành. May mắn thay những bài ca mẹ ru thuở nào đã cứu vớt đứa con tha hương cô độc. Phi Nhung được sự giúp đỡ tận tình của gia đình Phương Trinh, học tập và rèn luyện ca hát chuyên nghiệp trong suốt 5 năm, cho tới khi được ký hợp đồng biểu diễn đầu tiên trên đất Mỹ.
Ca sĩ Phi Nhung với các con ngoài đời (ảnh trên) và trên sân khấu (ảnh dưới).
Mãi mãi vẫn là những cuộc viễn du
Ai cũng biết Phi Nhung là một danh ca xuất sắc và truyền cảm hiếm hoi, với những làn điệu quê hương. Đĩa hát của chị luôn luôn chiếm lĩnh trên thị trường cả trong và ngoài nước, với hàng trăm CD và hàng trăm bài hát đi vào lòng người. Năm 1998, Phi Nhung được phong là Nữ hoàng băng đĩa với số lượng phát hành kỷ lục ở Mỹ. Khán giả bị giọng hát Phi Nhung mê hoặc bởi men rượu đời buồn vời vợi. Nó làm tan chảy tâm hồn người nghe. Băng đĩa của giọng hát Phi Nhung tràn ngập trên khắp các nước có cộng đồng người Việt sinh sống. Với họ, những ca khúc do Phi Nhung hát là sự trở về với cội nguồn quê cha đất tổ. Giọng hát của cô đã an ủi cho những nỗi niềm tha hương. Chính vì thế mà họ đã truyền tụng một câu ca: Phi Nhung tiếng hát gợi tình. Giọng ca ôm trọn mối tình quê hương.
Nhất là từ khi được phép trở về nước biểu diễn năm từ năm 2005, Phi Nhung thường xuyên đi lại. Trước đây về để hát cho đồng bào mình nghe, giờ đây Phi Nhung còn có những đứa con nuôi thân yêu của mình. Có thể nói, ca sĩ Phi Nhung là người chăm về Việt Nam nhất và làm từ thiện rất nhiều. Nghĩ đến người bà thân yêu và người mẹ đầy khốn khó xưa đã nuôi dưỡng mình thuở ấu thơ, Phi Nhung quyên góp và cùng bỏ tiền xây những ngôi nhà tình nghĩa và viện dưỡng lão ở khắp nơi. Đó là sự trả ơn sinh thành của những người mẹ cô đơn và nghèo khó trên quê hương. Sau những chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài bao giờ Phi Nhung cũng trở về bên mái chùa để chăm sóc những đứa con. Chúng cũng là những đứa trẻ mồ côi như mình, cần phải được chở che an ủi, phải được học hành đến nơi đến chốn và có cơm ăn áo mặc.
Nhiều lần đi quay phim từ đêm đến sáng, bao giờ mẹ Nhung vẫn phải quay về xem các con ăn ngủ thế nào. Và, có những đêm Phi Nhung đã hát ru, giống như mẹ ngày nào dịu dàng đưa chị vào giấc ngủ. Khi các con đã đi vào những giấc mơ lúc ấy mẹ Nhung mới chịu nghỉ ngơi. Nhiều người đã chia sẻ về Phi Nhung, đúng là cả đời sống vì người khác, không còn có thời gian nghĩ tới hạnh phúc của mình nữa. Khi cơ hàn phải gắng sức lao động kiếm tiền nuôi đàn em thơ dại. Đến khi thành danh, lại là những cuộc viễn du đây đó kiếm tiền làm từ thiện, nuôi dưỡng một đàn con ăn học. Đúng là những món nợ trần gian. Chẳng còn nghĩ cho bản thân nữa. Nhưng bây giờ Phi Nhung không còn nỗi buồn cô đơn như ngày nào mà là niềm vui của tấm lòng nhân ái. Từ - bi - hỉ - xả với cộng đồng và gặt những mùa vui, từ mái nhà tình thương, bên ngôi chùa ấm cúng.
Hai mươi người con ở chùa đều lấy họ Phạm, họ của mẹ Nhung. Cùng với đó niềm vui còn được nhân lên khi trong số đó có hai ca sĩ nhí, Phạm Tuyết Nhung và Phạm Thiên Ngân, đều có giọng hát trong trẻo, ngọt ngào, phù hợp với dòng dân ca quê hương. Phi Nhung có kế hoạch đào tạo cho cả hai sẽ đi tiếp con đường mình đã chọn. Hát dòng nhạc quê hương, thể hiện tình yêu đất nước, niềm vui trong lao động và tình yêu trong sáng. Riêng người con nuôi Hồ Văn Cường, đoạt giải quán quân, nhưng vẫn còn cha mẹ và gia đình, thì Phi Nhung trợ cấp học phí đến hết phổ thông trung học.
Một người làm việc bằng ba
Vẫn còn đó những ca khúc mà Phi Nhung đã làm nao lòng người. Nhiều người đã hát theo chị với những ca khúc quen thuộc và làm nên tên tuổi của chị như: Bông điên điển, Làm dâu xứ lạ, Sông quê, Ngẫu hứng lý qua cầu, hay Năm mười bảy tuổi, Thương một người dưng, hoặc Tựa cánh bèo trôi, Ru lại câu hò... Năm nào, Phi Nhung cũng tất bật với những lịch biểu diễn và thu CD. Gần đây, Phi Nhung còn tham gia đóng phim truyện hay phim ca nhạc trong nước, với sự hăng say chưa bao giờ vơi cạn. Sức làm việc của chị nhiều người cho là phi thường, bởi đã có lần kiệt sức bị đi cấp cứu, nhưng tỉnh một chút là lại lao vào việc để mọi người khỏi phải chờ đợi.