Nữ Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Simone Veil và vấn đề quyền thân thể của phụ nữ

03-07-2017 08:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Simone Veil là chính trị gia, nữ quyền gia nổi tiếng ở Pháp. Bà nằm trong danh sách những nữ chính khách lừng danh nhất của thế kỷ XX

Simone Veil là chính trị gia, nữ quyền gia nổi tiếng ở Pháp. Bà nằm trong danh sách những nữ chính khách lừng danh nhất của thế kỷ XX và được đánh giá là người đàn bà hiện thân cho tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Simone Veil tên thật là Simone Jacob, sinh năm 1927 tại Nice. Bà vừa qua đời tại Paris  vào ngày 30/6/2017. Giới chính trị gia và công chúng Pháp đã bày tỏ lòng tiếc thương và dành những lời trang trọng nhất khi đánh giá về nhân cách của bà. Linh cữu của bà được đề xuất đưa vào cung điện Panthéon - nơi chỉ dành cho những nhân vật kiệt xuất của nước Pháp.

Simone Veil là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế ở Pháp và là nữ Chủ tịch đầu tiên của Nghị viện châu Âu. Bà đã từng đấu tranh hết mình để Dự luật phá thai được Quốc hội thông qua. Vì vậy, luật phá thai ở Pháp đã mang tên của bà, gọi là Loi Veil (1975). Loi Veil đã làm thay đổi căn bản đời sống phụ nữ nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung. Với những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực chính trị - xã hội, năm 2010, Simone Veil được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp.

Nữ Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Simone Veil và vấn đề quyền thân thể của phụ nữ Nhà nữ quyền Simone Veil - nữ Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Pháp.

Về phương diện đời tư, Simone Veil mang dòng máu Do Thái và bà từng đổi họ để thoát khỏi sự truy lùng của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, gia đình bà vẫn bị đưa vào trại tập trung và chịu sự khủng bố tàn bạo của chính sách bài Do Thái. Cha, mẹ và anh trai bị chết trong trại tập trung, bản thân Simone Veil cũng từng trải qua nhiều trại giam và tưởng chừng không thể thoát khỏi cái chết bởi chế độ hà khắc này. Tuổi thơ trong trại tập trung Auschewitz-Birkenau được bà thuật lại trong cuốn Une vie, Éditions Stock, 2012. Sau khi được tự do (4/1945), bà lao vào học luật với một niềm mong ước cháy bỏng: chống chiến tranh và chống bất bình đẳng giới.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu ở Pháp, Loi Veil là một dấu mốc quan trọng trong hành trình giải phóng nữ giới. Dù vấp phải nhiều tranh cãi khác nhau, nhưng xét đến cùng, Loi Veil phù hợp với tư tưởng nhân quyền tiến bộ của loài người. Như chúng ta biết, trước đó, phá thai bị nghiêm cấm, những người tham gia phá thai có thể bị bỏ tù. Năm 1920, luật phá thai ở Pháp đã phán quyết rất nghiêm ngặt: người tham gia thực hiện hành vi phá thai sẽ bị khép vào tội hình sự; bác sĩ có thể bị tước quyền hành nghề suốt đời. Luật cấm phá thai này, theo các nhà nữ quyền là vô nhân đạo đối với phụ nữ. Người phụ nữ bị tước đi quyền định đoạt thân thể và quyền được lựa chọn cuộc sống theo ý muốn.

Loi Veil là một cuộc chiến đầy cay đắng và cam go của Phong trào giải phóng nữ giới thập niên 70 ở Pháp, mà trước hết là nữ chính trị gia Simone Veil. Trong cuộc hành trình đau khổ để có được tự do, phụ nữ trên thế giới sẽ không bao giờ quên hình ảnh một người đàn bà chiến đấu đơn độc trước một quần thể ở Quốc hội mà đa phần là đàn ông. Đối diện với toàn thể cử tri, Simone Veil đã trình bày một cách hệ thống tính pháp lý và tính nhân văn về quyền được phá thai của phụ nữ. Trong đó, bà nhấn mạnh rằng: phá thai là sự lựa chọn đau khổ và bất đắc dĩ nhất của một người đàn bà; tuy nhiên, đó là giải pháp cuối cùng để họ tiếp tục cuộc sống của mình.

Sau bốn ngày tranh luận nảy lửa tại Quốc hội, bất chấp sự chống đối của các tổ chức tôn giáo và phái nam quyền cực đoan, ngày 17 tháng 1 năm 1975, Simone Veil - Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành công trong việc xác lập quyền phá thai của phụ nữ. Luật phá thai này được thông qua tạm thời trong 5 năm, với một số quy định cụ thể sau:

1. Bác sĩ và y tá có thể từ chối thực hiện phá thai; 2. Phá thai chỉ thực hành tại cơ sở y tế hoặc với một trung tâm y tế đã được phê duyệt; 3. Tình trạng mang thai đặt phụ nữ vào tình huống nguy hiểm; 4. Phải được sự đồng ý của cha mẹ đối với trẻ vị thành niên; 6. Thời hạn pháp luật cho phép phá thai là thai nhi tối đa trước 10 tuần; 7. An sinh xã hội không hoàn trả lại phí phá thai.

Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng nữ giới ở Pháp nói riêng và thế giới nói chung. Luật Veil khẳng định: phá thai là một trong những quyền cơ bản của người phụ nữ. Xóa bỏ hình sự về phá thai đồng nghĩa với việc cứu sống nhiều số phận phụ nữ (bị tử vong do phá thai chui hoặc bị tù tội, giam cầm). Khó chối bỏ một thực tế phũ phàng: hàng năm có vô số phụ nữ trên thế giới bị tử vong do phá thai trong điều kiện tồi tệ. Sợ bị pháp luật trừng trị hoặc e ngại áp lực dư luận, họ phải dùng những phương tiện thô sơ để phá thai như: kim loại, thuốc sốt rét, thuốc tẩy rửa, các loại thảo dược. Và cái chết của họ, xét đến cùng chính là hậu quả của luật cấm phá thai.

Xét về góc độ nữ quyền, bên cạnh triết gia hiện sinh Simone de Beauvoir, nữ Bộ trưởng Bộ y tế Simone Veil đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phong trào giải phóng nữ giới ở Pháp. Cuộc đời hoạt động chính trị - xã hội của Simone Veil là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho nhiều thế hệ trẻ về sau.

Cựu Tổng thống François Hollande nhận định rằng: Simone Veil là hiện thân cho phẩm giá, lòng quả cảm và sự công bình của nước Pháp. Bà trải qua lịch sử và làm nên lịch sử. Từ một đứa trẻ Do Thái bị ném vào vực thẳm của  Holocaust, với tất cả nỗ lực của một bản thể nữ tính, Simone Veil đã trở thành một trong những gương mặt phụ nữ sáng giá nhất của nước Pháp.


Trần Huyền Sâm (ĐHSP Huế)
Ý kiến của bạn