Bệnh nhân là chị T.N.Y (sinh năm 1988, ngụ TP.HCM) bị mắc chứng động kinh từ năm 15 tuổi. Mỗi tháng, chị chịu khoảng 4 – 6 cơn động kinh, có ngày bị 1-2 cơn. Nữ bệnh nhân cho biết, có khi đang đi ngoài đường cũng lên cơn co giật, hoặc ngồi dưới nắng lâu một chút là cũng bị. Có cơn kéo dài 5-7 phút nhưng cũng có lúc co giật cả tiếng đồng hồ nếu lúc đó chị ốm sốt.
Suốt nhiều năm qua, chị Y. phải “gắn bó” với thuốc chống động kinh và cũng không dám đi đâu xa nhà. Mặc dù, sử dụng thuốc đều đặn nhưng tần suất các cơn động kinh của chị không hề giảm bớt.
Năm 2017, bệnh nhân bắt đầu đến khám và theo dõi tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Trải qua rất nhiều đợt kiểm tra, theo dõi, đổi thuốc theo tất cả các phác đồ nhưng tình trạng bệnh của chị Y. vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Các bác sĩ xác định chị bị động kinh kháng trị (không đáp ứng với điều trị bằng thuốc).
Bác sĩ kiểm tra vết mổ của chị Y. sau 2 tuần phẫu thuật
Các bác sĩ tiến hành điện não có quay video và chụp MRI nhằm xác định cụ thể loại động kinh mà bệnh nhân mắc phải. Sau nhiều lần kiểm tra, các bác sĩ xác định chị bị động kinh do xơ teo thùy thái dương vùng bên phải. Hội chẩn cùng các chuyên gia động kinh đến từ Pháp và Malaysia, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương quyết định phẫu thuật cắt ổ động kinh của bệnh nhân.
Trong ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã khoanh vùng chính xác khu vực thùy thái dương bên phải nơi phát sinh ổ động kinh và cắt toàn bộ khu vực này. 2 tuần sau ca phẫu thuật, bệnh nhân không còn lên cơn động kinh và cũng không có biến chứng nào sau mổ.
TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, ca phẫu thuật đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối vì nếu cắt không hết, bệnh nhân vẫn tái phát động kinh, cắt nhiều quá, các vùng não lân cận sẽ bị ảnh hưởng, bệnh nhân dễ bị liệt, mất trí nhớ, tổn thương thị giác hoặc ngôn ngữ sau mổ.
Theo bác sĩ Tuấn, phẫu thuật trong điều trị động kinh không phải là phương pháp mới nhưng tại Việt Nam thì rất ít nơi áp dụng được, vì phương pháp này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và ăn ý giữa hai chuyên khoa Nội và Ngoại thần kinh từ theo dõi, hội chẩn đến kiểm tra sau mổ.
Động kinh có rất nhiều loại nhưng động kinh thái dương là loại dễ chữa khỏi nhất nếu được phát hiện sớm và chẩn đoán đúng. Tỷ lệ chữa khỏi của động kinh do xơ teo thùy thái dương lên đến 60 – 80%. Tùy từng loại động kinh và vùng não phát ổ động kinh mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phẫu thuật phù hợp. Vì nếu vùng não xuất phát ổ động kinh nằm gần các vùng não có chức năng quan trọng (vận động, thị giác, ngôn ngữ…), sẽ không thể phẫu thuật cắt được mà chỉ có thể phẫu thuật nhằm giảm nhẹ tần suất lên cơn động kinh.
Lời khuyên hữu ích giúp điều trị bệnh động kinh theo hướng tích cực
- Khi có những biểu hiện lâm sàng nghi ngờ bị động kinh nên đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán bệnh sớm.
- Nếu được chẩn đoán bị động kinh thì nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ, uống thuốc đúng liều, đủ thời gian, tuyệt đối không được bỏ thuốc, không tự ý đổi thuốc. Mọi thắc mắc đều phải hỏi bác sĩ điều trị bệnh của mình.
- Không tự ti với bệnh của mình, có chế độ ăn uống, luyện tập thích hợp.
- Bảo quản thuốc chống động kinh cẩn thận.