Nữ bệnh nhân mắc cúm A nguy kịch, sống nhờ vào ECMO

05-08-2022 12:57 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhân 40 tuổi được chẩn đoán mắc cúm A trên nền suy tuỷ. Hiện tại bệnh nhân đang trong tình trạng an thần, thở máy, phụ thuộc vào ECMO...

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 5/8 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 40 tuổi (ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá), được chuyển từ tuyến dưới đến với chẩn đoán suy hô hấp, cúm, viêm phổi.

Theo người nhà bệnh nhân cho biết, khi khởi phát, bệnh nhân sốt cao, gai rét liên tục, kèm theo ho khạc đờm, đau mỏi cơ, đau nặng đầu, không nôn, tức ngực khó thở tăng dần. Bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện tuyến dưới một ngày không cải thiện và được chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, bệnh nhân suy hô hấp, viêm phổi, thở oxy kính, thở oxy mask và đặt ống thở máy. Tuy nhiên bệnh nhân không đáp ứng với thở máy, các bác sĩ đã tiến hành đặt ECMO.

BS. Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Bệnh nhân được chẩn đoán mắc cúm A trên nền suy tuỷ. Hiện tại bệnh nhân đang trong tình trạng an thần, thở máy, phụ thuộc vào ECMO. Hôm nay, sau 1 ngày đặt ECMO phổi đang có tiến triển hơn...".

Nữ bệnh nhân mắc cúm A nguy kịch, sống nhờ vào ECMO - Ảnh 1.

Các bác sĩ đang điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Theo BS. Phúc, bệnh nhân nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch thì sẽ nặng hơn bệnh nhân thường. Một số đối tượng khác có yếu tố nguy cơ cao khi mắc cúm A bao gồm:

  • Người tuổi trên 65;
  • Bệnh nhân có mắc các bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi,
  • Phụ nữ mang thai…

Thống kê tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong thời gian gần đây cho thấy, có thời điểm mỗi ngày ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, nhiều trường hợp là trẻ em.

Để phòng tránh cúm A, chuyên gia hồi sức tích cực khuyến cáo, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hàng năm. Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa, cùng theo dõi và chỉ định phù hợp.

Các biện pháp cần thực hiện để phòng chống cúm A:

1. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

2. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

3. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

4. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

5. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.

6. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 01 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

7. Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

8. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Cúm mùa: 9 việc cần làm ngay để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnhCúm mùa: 9 việc cần làm ngay để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh

SKĐS - Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho khan, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Ho có thể nặng và kéo dài từ hai tuần trở lên.


D.Hải
Ý kiến của bạn