Hà Nội

Nữ bác sỹ của người nghèo và nạn nhân da cam

06-02-2014 15:31 | Tin nóng y tế
google news

Kể từ khi nghỉ hưu theo chế độ (11/2005) đến nay, GS.TS. Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) vẫn làm việc không ngừng nghỉ với nhiều hoạt động tích cực và rộng khắp.

Kể từ khi nghỉ hưu theo chế độ (11/2005) đến nay, GS.TS. Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) vẫn làm việc không ngừng nghỉ với nhiều hoạt động tích cực và rộng khắp.

Lịch làm việc của nữ bác sĩ này vẫn luôn kín mít. Một phần là do cùng lúc bà phải đảm nhiệm rất nhiều chức vụ quan trọng của nhiều tổ chức khác nhau như: Phó Chủ tịch hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.Hồ Chí Minh... nhưng phần lớn, chiếm rất nhiều thời gian trong thời khoá biểu của bà lại chính là những chuyến đi khám, chữa bệnh từ thiện của bà tới những vùng đồng bào nghèo của các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Nguyên là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa 7, 8 và 9, bà là người mà hầu hết các phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, nhất là những người vô sinh, hiếm muộn đều mong muốn có một lần được gặp gỡ, được bà tư vấn, hướng dẫn hay chăm sóc.

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Thật khó có thể kể hết những thành tích mà nữ bác sĩ này đã đóng góp cho ngành y học nước nhà nhưng nhắc đến bà, người ta nhớ ngay đến công trình “thụ tinh trong ống nghiệm” (TTTON).

Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã hoàn thành xuất sắc nhiều đề tài có giá trị khác như: Kỹ thuật nội soi trong phụ khoa, phát hiện sớm điều trị ung thư cổ tử cung, áp dụng phương pháp miễn dịch tế bào gốc (TBG) để chuẩn đoán và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, bà còn là người có nhiều công lao trong việc thành lập Viện Tim TP.Hồ Chí Minh và Thành uỷ TP.Hồ Hồ Chí Minh đã đề nghị bà kiêm nhiệm chức Viện trưởng viện này.

Cùng một lúc lãnh đạo hai bệnh viện lớn, nhưng với lòng yêu nghề, sự thông minh sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao, bà đã dẫn dắt cả hai bệnh viện trở thành “Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới”. Bà còn được biết đến với việc tổ chức phãu thuật tách rời đôi song sinh Việt – Đức, chữa bệnh hiếm muộn, trẻ dị tật nhiễm chất độc da cam…

Từ nhiều năm nay, BS Ngọc Phượng đã tổ chức một nhóm bác sĩ và nữ hộ sinh giàu lòng nhân ái tới nhiều nơi thuộc vùng xa vùng sâu của các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và miền Trung để khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho hàng ngàn phụ nữ và trẻ em, Mẹ Việt Nam anh hùng.

Với những chuyến đi từ thiện đó, đến nay, bác sỹ Phượng cũng không thể nhớ nổi chuyến đi từ thiện đầu tiên của mình là từ khi nào và đi tới đâu. Chỉ biết rằng hầu như tất cả các tỉnh trong khu vực phía Nam từ Ninh Thuận, Bình Thuận cho tới Bạc Liêu, Cà Mau hay những tỉnh miền núi Tây Nguyên, nơi nào cũng in dấu chân bà.

Sau bao nhiêu chuyến đi như vậy, điều bà tâm đắc nhất đó là đã đào tạo được một đội ngũ các cô đỡ thôn bản tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà tâm sự: “Tới những buôn làng dân tộc, thấy hầu hết phụ nữ đều không có kiến thức y tế. Khi sinh nở, các chị em đều sinh tại nhà mà không tới các cơ sở y tế, vì thế rất dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Từ đó, tôi đã nảy ra ý định đào tạo các cô đỡ thôn bản để chăm sóc tốt hơn cho chị em trong việc sinh nở”... Và với mỗi địa danh nơi bà đặt chân đến, bà lại nhận được nhiều tình cảm, sự cảm kích và tri ân. "Đối với tôi, đó là tài sản lớn lao và quý báu nhất mà không tiền bạc nào có thể mua được” - bà tâm sự.

Bà cũng tâm niệm “Y học là phải hướng tới cộng đồng”. Bởi thế, như chia sẻ của bà “Trong hành trình làm nghề y, tôi luôn nhất quán mục tiêu của mình. Đã làm gì là phải làm đến cùng, không được lung lay khi gặp khó. Cả công trình thụ tinh trong ống nghiệm và cô đỡ thôn bản tôi cũng nhất quyết phải tìm tòi, làm bằng được”.

Làm Giám đốc bệnh viện Từ Dũ từ những năm sau giải phóng 30/4/1975 cho tới khi nghỉ hưu tháng 11/2005, sáng lập Viện Tim TP.Hồ Chí Minh từ năm 1992; sau đó chuyển sang làm Giám đốc Làng Hòa Bình II để tiếp tục chữa trị và nuôi dưỡng các cháu khuyết tật bẩm sinh và nhiễm chất độc màu da cam từ sơ sinh đến trưởng thành, ở cương vị nào bà cũng là người truyền cảm hứng cho tất cả các đồng sự của mình bằng tình yêu thương, lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao cả.

Đặc biệt, trong thời gian công tác ở Làng Hòa Bình và cho đến sau này, BS Ngọc Phượng đã tham gia các vụ kiện chất độc da cam ở Mỹ với hai lần tham gia phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ và không ít lần sang Mỹ để tuyên truyền, thông tin về cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ tại Việt Nam cùng ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tới người dân Việt Nam...

Bà kể lại, quá trình đấu tranh tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng cho thấy, khi chúng ta chưa tiếp xúc và tuyên truyền, thông tin, không phải ai cũng biết hết được tác hại của chất độc hóa học đối với con người Việt Nam. Nhưng khi đã hiểu ra, phần lớn mọi người đều ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Trong quá trình đó, phải kể đến sự ủng hộ của Tổ chức Cứu trợ và trách nhiệm Mỹ (do bà Merle Ratner và chồng là Tiến sĩ Ngô Văn Nhàn phụ trách), các tổ chức phi chính phủ, các học giả Hoa Kỳ, các cựu chiến binh Hoa Kỳ cùng sự giúp đỡ của một số Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ. Ấn tượng nhất là sự ủng hộ của Đại hội bác sĩ toàn Liên bang Hoa Kỳ tại Washington D.C với 14.000 thành viên là các nhà khoa học và bác sĩ có uy tín ở Hoa Kỳ năm 2007. Đại hội đã ra một Nghị quyết chính thức, khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ cùng các công ty hóa chất có liên quan đến sản xuất chất hóa học/dioxin phải có trách nhiệm cung cấp nguồn lực đầy đủ (họ tránh chữ “bồi thường”) cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả ở Việt Nam và Hoa Kỳ để được điều trị, phục hồi chức năng, được học tập và đủ điều kiện sống hòa nhập trở lại xã hội.

Bên cạnh đó, là sự ủng hộ của các phóng viên báo chí với một loạt bài viết, phim truyền hình được giải cao ở Hoa Kỳ nói về các nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Tất cả đều chung một niềm tin rằng, một ngày nào đó, vấn đề sẽ được giải quyết thỏa đáng bởi cuộc đấu tranh đòi công lý này cũng chính là hành trình của lòng nhân ái, của tình thương và chính nghĩa.

Những cái chết xảy ra ngay trước mắt, những hình hài thai nhi không hoàn thiện trong tay bà, những sự sống khắc khoải đang dần vuột khỏi tay người bác sỹ khiến bà luôn day dứt, trăn trở và đó chính là động lực luôn thôi thúc bà trên mỗi bước đi, mỗi hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam.


Ý kiến của bạn