“Các bác nói, cô đừng cười, có lẽ chẳng có bệnh nhân nào như chúng tôi cứ muốn được nằm viện, khi nào sắp phải ra viện, sắp xa nơi đây là chúng tôi buồn và nhớ lắm. Chúng tôi nói phải ra viện, phải chia tay, chắc cô buồn cười nhỉ, vì làm gì có bệnh nhân nào lại buồn khi ra viện, thế mà lại là sự thật. Chúng tôi viết rất nhiều thư cảm ơn và đang tính sẽ nhờ ai đó viết bài báo về chị ấy. Chị ấy hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh cô ạ...”. Đó là lời tâm sự chân thành của những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội 1, BVĐK Đống Đa về BS. Nguyễn Thị Thơm, Trưởng khoa Nội 1, BVĐK Đống Đa.
1.
BS. Thơm trò chuyện cùng các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội 1 sau giờ làm việc. |
2.
Tôi bước vào phòng Hành chính của Khoa Nội 1 gặp chị, không khó để nhận ra chị trong những nhân viên y tế đang ngồi làm việc ở đó, bởi giọng nói sang sảng, vầng trán cao thông minh nhưng cũng khá bướng bỉnh, chân đi rất nhanh. Chị tuổi Quý Mão, người ta bảo con gái có chữ Quý đứng đầu thì lận đận và chị cũng tự thấy như vậy. Sinh ra và lớn lên ở một làng cổ thuộc xứ Đoài, chị ước mơ trở thành bác sĩ những mong chữa bệnh, cứu người. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi chị nhận trên tay giấy báo nhập học Trường đại học Y Hà Nội tháng 12/1981. 6 năm miệt mài kinh sử học Trường Y, đến năm 1987, chị học tiếp bác sĩ nội trú 3 năm nữa. Tốt nghiệp bác sĩ nội trú nhi, lẽ ra chị vào làm việc tại Viện Nhi Thụy Điển theo đúng chuyên ngành đã học, nhưng có lẽ chuyên khoa nhi lại chẳng bén duyên với chị. Tháng 12/1990, nhờ sự giới thiệu và động viên của các thầy giáo Bộ môn Nhi Trường đại học Y là GS.TS. Lê Nam Trà và GS.TS. Trần Đình Long, chị về nhận công tác tại BVĐK Đống Đa. Đang làm việc ở một viện lớn với đầy đủ trang thiết bị được coi là hiện đại thời kỳ đó, khi bước chân về BVĐK Đống Đa, mặc dù là BV ở giữa thành phố nhưng cơ sở vật chất chật hẹp, trang thiết bị thì thiếu thốn, môi trường làm việc cũng khác so với ở Viện Nhi, chị có chút “thất vọng”... Nhưng được sự động viên của Ban Giám đốc BV cũng như không phụ lòng tin tưởng của các thầy, chị đã vững tin, lao vào công việc cùng các đồng nghiệp làm mọi việc trong điều kiện có thể để cứu chữa cho bệnh nhân. Nơi chị về làm việc đầu tiên là Khoa Hồi sức cấp cứu, có lẽ trong nghề y đây là khoa vất vả nhất trong các chuyên khoa, đặc biệt với nữ giới. Bởi, nơi đây sự sống và cái chết của người bệnh chỉ cách nhau trong gang tấc, luôn luôn hối hả, tất bật giành giật niềm hy vọng sống của con người. Những bệnh nhân vào đây thường là những bệnh nhân mà tính mạng đang ở giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc”. Chị gắn bó với Khoa Hồi sức cấp cứu 12 năm, đến tháng 1/2005, chị chuyển sang Khoa Nội 1 (sau khi đi học F.F.I - làm chức năng bác sĩ nội trú tại Cộng hòa Pháp). Hơn 20 năm có lẻ ở BVĐK Đống Đa cho chị nhiều kỷ niệm vui có, buồn có, phấp phỏng lo âu cho bệnh nhân cũng có. Cũng trong 23 năm ấy chị không nhớ bao nhiêu lần chứng kiến sự hồi sinh của người bệnh từ cõi chết. Và cũng không thể nhớ bao nhiêu lần trong lúc đang dồn sức cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân thì bệnh nhân nôn vọt vào mặt. Chẳng giận, chẳng cáu, chị nhanh nhẹn gạt những thứ đó để tiếp tục cấp cứu bệnh nhân cho đến khi tình trạng bệnh nhân tạm ổn mới ra rửa mặt, thay quần áo. Ký ức về một bệnh nhi bị bệnh nặng, gia đình không muốn chuyển lên tuyến cao hơn là Viện Nhi từ năm 1991 khi chị mới về làm việc tại BVĐK Đống Đa vẫn hằn sâu trong tâm trí chị. Chị bảo, đó là bệnh nhi Ngô Thị Dung, quê ở Sóc Sơn, Hà Nội, bị nhọt ở khoảng cách giữa 2 mắt, biến chứng nhiễm trùng máu - lồi mắt trái do viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm phế quản phổi, viêm màng não mủ. Gia đình bệnh nhân nhất quyết xin ở lại BV nhờ các thầy thuốc chữa để cháu sống được ngày nào hay ngày đó, dù có chết ở BV Đống Đa cũng không ân hận, đã khiến chị trăn trở và tìm mọi cách giúp đỡ họ. Được sự động viên của BS. Bùi Thị Hiệp - khi đó là Giám đốc BVĐK Đống Đa, chị đã mạnh dạn “đứng mũi chịu sào” dũng cảm nhận chữa trị cho ca bệnh đó. Bắt đầu bằng việc chọc dịch não tủy nhiều lần rồi lóc cóc đạp xe đạp mang dịch não tủy từ BVĐK Đống Đa sang Viện Nhi soi kết quả rồi lại lóc cóc đạp về, sau đó cấy dịch dử mắt thấy trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas Aeruginosa là thủ phạm của bệnh và mang bệnh nhi sang Viện Mắt hội chẩn để khoét bỏ mắt trái... Rồi lặn lội đi ra các cửa hàng bán thiết bị y tế mua kim bướm và các hiệu thuốc mua kháng sinh tiêm. Bệnh nhi được cứu sống sau 42 ngày nằm viện và 7 lần chọc dịch não tủy nhưng mất một bên mắt khiến chị cũng chẳng thể nào có niềm vui trọn vẹn. Thế nhưng, gia đình cháu bé bao nhiêu năm vẫn chẳng thể quên chị, thi thoảng vẫn ghé vào viện thăm và cảm ơn các bác sĩ, thi thoảng bố mẹ cháu vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe chị. Phải có tình yêu nghề tha thiết, một tấm lòng trách nhiệm với sinh mệnh của con người mới có thể làm được như vậy. Chị bảo, chị yêu nghề y, yêu nghề hồi sức cấp cứu dù có vất vả nhưng hạnh phúc. Hạnh phúc ở chỗ được nhìn thấy sự sống của mỗi con người hé mở khi tưởng chừng như họ không thể sống... Là bác sĩ nội trú và tấm bằng thạc sĩ nhi cộng với hai năm làm chức năng bác sĩ nội trú tại Cộng hòa Pháp, để xin làm việc ở một bệnh viện lớn với thu nhập và tiếng tăm hơn BVĐK Đống Đa có lẽ cũng không quá khó với chị, nhưng chị đã không đi, chị vẫn chọn ở lại với BV và sát cánh cùng những người bệnh. Tôi không hỏi chuyện ấy, nhưng khi nghe chị nói, tôi tự thấy mình thật ích kỷ, nhỏ nhen! Tất nhiên, có lúc chị cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy bạn bè cùng khóa 14 bác sĩ nội trú của chị đều đã thành đạt và làm việc ở những BV lớn trong nước và thế giới. Cũng có những lúc chị tự thấy thiệt thòi vì không thể theo dõi và xử trí bệnh nhân đến cùng. Ví như gần đây, có trường hợp bệnh nhân bị thiếu máu nặng do xuất huyết tiêu hóa, bệnh nhân này đã được truyền 4 đơn vị khối hồng cầu và soi dạ dày 2 lần bình thường, song tình trạng thiếu máu vẫn không thuyên giảm, các bác sĩ đã nghĩ đến có thể bệnh nhân bị chảy máu ruột non, nhưng do điều kiện trang thiết bị của BV không thể làm những xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhân đã được hội chẩn và chuyển sang BV Bạch Mai. Mặc dù vậy, chị vẫn cùng các đồng nghiệp tìm hiểu, hỏi thăm tình trạng, diễn biến của bệnh nhân. Chị tâm niệm, làm nghề này phải học suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi, phải biết tìm hiểu để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Còn lý giải về những lúc hết giờ vẫn ở lại khoa, chị cho biết, ở Khoa Nội 1 chủ yếu là những bệnh nhân cao tuổi với nhiều bệnh “kép” như đái tháo đường kèm tăng huyết áp, gút, suy tim, suy thận, bệnh mạch vành..., nên chị muốn tư vấn thật kỹ, hướng dẫn thật kỹ các biện pháp không dùng thuốc, cách ăn uống, cách tiêm insulin... và cũng muốn chia sẻ, động viên các bác bệnh nhân. Hơn nữa, trong giờ hành chính cần phải giải quyết nhiều việc, ngoài công tác chuyên môn, chị còn làm quản lý, nên có những lúc không thể giải thích tường tận cho bệnh nhân những băn khoăn, thắc mắc của họ mà bệnh nhân thì có quyền được biết những thông tin về bệnh tật của mình.
3.
Câu chuyện của chúng tôi có lẽ sẽ kéo dài rất lâu nếu như không có cuộc điện thoại của cô con gái chị. Nhân đó, tôi đã hỏi về cuộc sống gia đình của chị, thoáng chút bối rối, buồn, chị bảo cuộc sống gia đình chị đã không được “cơm lành, canh ngọt” từ rất lâu. Một mình chị bao năm nay chắt chiu những yêu thương dành cho con những gì tốt nhất có thể và dồn hết tình yêu vào công việc ở BV. Vừa nuôi con nhỏ, vừa học nâng cao trình độ, vừa làm việc tận tâm, hết lòng vì người bệnh. Có đồng nghiệp của chị bảo, chị làm việc như để quên đi cái cảm giác đã từng “được ghen, được hờn, được thương, được giận, được là người vợ...!”. Rồi, chị cho tôi biết một tin, chị sắp xa BVĐK Đống Đa nhỏ bé xinh xắn - nơi có những con người sống chan hòa - nơi mà chị đã gắn bó 23 năm tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của mình để đến một đất nước mà cách Việt Nam những “nửa vòng trái đất”. Chị đến làm chuyên gia y tế theo chương trình hợp tác của Chính phủ hai nước. À! lúc này tôi đã hiểu tại sao các bác bệnh nhân ở buồng số 5 cứ bảo bác sĩ Thơm sắp đi rồi, chúng tôi buồn lắm, chúng tôi nhớ lắm, muốn khóc... Có lẽ, đây là những món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa trong hành trang đến với những bệnh nhân ở một đất nước xa xôi của chị. Đi làm chuyên gia y tế 3 năm, điều đó, có nghĩa là chị sẽ phải xa con, xa gia đình, xa đồng nghiệp, những người bệnh mến thương và đối mặt với những căn bệnh truyền nhiễm, sốt rét, thương hàn... với những nguy hiểm rình rập phía trước. Chắc hẳn một người như chị cũng đã dự báo được những khó khăn sẽ chờ ở phía trước. Bạn bè, người thân, đồng nghiệp cũng khuyên chị, nhưng chị vẫn quyết tâm đi mặc dù có lẽ trong lòng cũng đầy những lo âu, suy nghĩ...!. Tôi không biết khi viết xong bài này, nếu được đăng, chị có kịp đọc. Nhưng, tôi vẫn thấy vui và mừng cho chị, chị đã làm trọn chữ “tâm” của một người thầy thuốc trong sứ mệnh thiêng liêng nhất là cứu người ở bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, không phân biệt màu da hay khoảng cách địa lý. Còn tôi cũng đã hoàn thành lời hứa với những bệnh nhân yêu quý chị nhờ viết về một nữ bác sĩ trọn một chữ tâm với nghề!
Nguyên Khôi