“Tai nạn trên biển khác chi đất liền, đâu có hẹn ngày tháng, có hồi ra Tết lại bị tùm lum, nhưng đúng mùa biển động lại nhiều hơn, mỗi tháng có đến mười mấy ca, thường là chấn thương sọ não khi leo trèo giằng lưới, rồi bị bánh lái đánh gãy chân tay, đứt dây cua-roa quất bị thương... Bà con khổ lắm, mình đi cứu nạn gần 10 năm, không lần nào không nôn ói, nhưng thấm chi so với họ”.
Chị nhón tay rót nước. Tôi ngồi lặng im. Người mà lực lượng cứu hộ trên biển Hoàng Sa ở Đà Nẵng phong cho cái tên vừa trìu mến vừa nể nang “nữ bác sĩ thép”, chính là chị - BS. Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. Tên gọi đó xuất phát từ chỗ bao lần chị xông pha trận mạc giữa bão tố cùng tàu cứu hộ đi cứu ngư dân, gan góc chịu đựng sóng gió, tận tụy với nghề. Nhìn chị, hẳn bao phen nắng, gió, nước mặn táp vào, nên da dẻ không khác gì dân đi biển. Nhưng, nói gì thì nói, sắt thép gì cũng là phận phụ nữ với bao âu lo, nên tôi buột miệng: “Bước chân xuống tàu, sợ không chị?”. Thoáng cười ngượng ngập mà thiệt thà: “Sợ chứ sao không em, nhưng ngư dân đang kêu cứu, mình làm nghề y, đâu dễ quay lưng”.
BS. Hồng và đồng nghiệp gặp gỡ bác sĩ Hoa Kỳ trên tàu bệnh viện của Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng.
Dân miền Trung, nhất là cánh báo chí, quá quen rồi với những bản tin mùa biển động. Hễ có sóng gió bất thường, thế nào cũng có tàu ngư dân phát tín hiệu kêu cứu. Tàu chìm. Dân bị tai nạn bất ngờ, đau ốm thình lình. Mà biển động càng ngày càng khó dự báo. Ai đã từng đi biển mùa sóng lớn, hẳn thấu cái cảnh sóng phủ kín đầu, gió xô giật tứ tung, nghĩ cảnh một mình chơ vơ ngụp lặn trong thăm thẳm bất trắc với cái chết chờn vờn, sợ thật, lúc đó cần biết bao tiếng gọi ân cần, cái nắm tay tiếp sức. “Tai nạn bất thường lắm em, nhưng lại rơi gần như trọn vẹn mùa biển động, cực kinh khủng, trung bình mỗi tháng mười mấy ca, tàu của dân thì nhỏ, tình huống cấp cứu sống chết trong gang tấc, sóng thì lớn, tàu cứu hộ và y bác sĩ không ra cứu, thì chết là cái chắc. Đủ các nguyên nhân dẫn tới đau ốm, tai nạn, nhưng sợ nhất là chấn thương sọ não do ngã, va đập, tai biến, rồi viêm ruột thừa, mình không ra kịp là nguy, mà ngư dân đã tha thiết điện kêu cứu, mình càng nóng ruột”.
Giọng chị đều đều, nhỏ đủ nghe, chỉ có đôi mắt hóm, sắc, nhưng tôi đọc ở đó sự thấu hiểu tận sâu của trái tim phụ nữ dịu dàng, dễ rung lên trước những cơn đau. Bỗng chị bật cười: “Ngư dân gặp nạn, là điện về đài Duyên hải, xin gặp bà Hồng 115. Ôi trời, xa lắc lơ, gió sóng lấn điện thoại, lúc đầu khó nghe lắm, nhưng sau quen rồi, mình hay nói: Bà con hãy trả lời có hay không, vì nói thiệt là quá quen với bệnh của bà con rồi và hướng dẫn bà con sơ cứu ban đầu nếu trên tàu có thuốc, sau đó mình tính tiếp, còn nếu không có sẵn thuốc hoặc bệnh nặng, mình sẽ yêu cầu tàu cứu hộ và mình đi”. Nói thì... dễ, nhưng hướng dẫn xong, lại nôn nao không biết họ sẽ ra sao, rồi lúc khoác áo xuống tàu đến khi gặp người bị nạn, hành trình đó chênh chao biết bao. “Ui, chạy được tàu cứu hộ tới nơi phải 5-6 giờ đồng hồ, có nơi mất 3-4 ngày, rồi phụ thuộc sóng to hay nhỏ nữa, chưa kể lúc căng thẳng trên biển năm ngoái, bị tàu Trung Quốc chặn phá, chị cố bóp máy trợ thở không thì nạn nhân chết, anh em lái tàu thì khéo léo tránh không thì chúng nó đâm”.
Chị kể một mạch, như ráng hơi đi qua cơn sóng lớn. Phận đàn bà đi biển, bơ vơ, lẻ loi, hắt bóng trong ca dao về chuyện sinh đẻ. Và bây giờ về các làng chài ven biển miền Trung, những đội quân tóc dài chèo chống trên biển bởi mưu sinh nhọc nhằn đeo bám còn đó, như nỗi truân chuyên số kiếp khó thoát, đắng đót trần ai. Chị và đồng nghiệp ra khơi, không phải một mình, nhưng trách nhiệm nghề y, ai phụ giúp cho? “Chị nhớ lần đầu đi cách đây 10 năm, cùng tàu Bộ đội Biên phòng cứu một tàu Ấn Độ bị chìm, có 1 người tử vong, còn lại suy kiệt, toàn bộ thủy thủ đoàn bị stress, thuyền trưởng thì hoảng loạn. Cứu xong, về đến bờ hết một ngày một đêm. Họ cảm ơn rối rít. Nhưng đến chuyến thứ hai, có lẽ không bao giờ quên cho đến chết. Lúc đó, gió cấp 10, khi tàu rời cảng, qua khỏi phao số 0, là gió bắt đầu gào thét, quật tơi bời. Em tưởng tượng kính hai bên thành tàu vỡ nát, sóng hất tàu nghiêng sát mặt nước, lúc nó bứng cao lên rồi ném như quả bóng, kéo dài 6 tiếng đồng hồ. Toàn bộ mọi người đều tơi tả, bị ôm cái bao ni lông mà nôn mửa, nghĩ phen này tàu chìm, mình chết mất thôi. Lúc áp sát được tàu ngư dân bị nạn, mình không qua được, phải ném bình ôxy qua cho họ thở, rồi kêu họ tìm cách qua tàu mình. Chị truyền dịch cho anh đó, nhưng có người bên cạnh đứng cầm bao ni lông cho chị nôn”.
Kinh hoàng! Tôi như vừa trải qua một khúc đoạn trong phim mùa bão nổi, với con tàu côi cút phận người lênh đênh. Đúng là chỉ có trong phim, đi cứu người ta, không khéo mình mất mạng. “Lúc đó, chị còn nghĩ chi được nữa không?”. Chị bật cười: “Chị nói với y sĩ Trang đi cùng, là phen ni chị em mình chết chắc rồi, hay là mình lấy điện thoại ra nói chuyện với con mình đi. Nghĩ đến đó, chị em khóc. Nếu mình chết, con mình sẽ ra sao? Hay là ghi âm lại, để con biết, lúc chết mẹ muốn nói điều chi với con. Khi tàu về đến đất liền lúc gần sáng, chị em nhìn nhau, cứ ngỡ mình chết rồi. À, còn đây nữa, ngồi kế bên là điều dưỡng Lê Thị Kim Cúc - tháng 11 năm 2014, khoảng 5 giờ chiều, chị và Cúc đi cứu tàu Indonesia bị nạn. Gió giật quay cuồng khi vừa rời bờ. Cúc đi chuyến đầu, mặt tái mét kêu: “Cô ơi, con chết”. Nó ói tứ tung. Mình ngó vậy, thương lắm, nhưng khi tiếp cận tàu ngư dân lúc khoảng chừng 1 giờ sáng, thì nó lại vùng dậy trước mình”. Chị Cúc cười “bồi” thêm: “Lúc đó em thấy như đất bay lên, trời sập xuống, còn mình thì bay đi đâu đó. Đến ngày hôm sau, em vẫn chưa nuốt nổi cơm. Nói thiệt, lần đầu đi biển với gió dữ, đâu có hình dung nó kinh hoàng rứa. Cũng lo, đi cấp cứu, không khéo không cứu được bà con, mà cô Hồng lại phải cấp cứu em, rồi sợ bệnh nhân trở nặng. À, anh hỏi có sợ không hả, sợ chứ, nhưng nghĩ chắc không chết, bởi lúc đó chỉ nghĩ cái chi đến sẽ đến”. “Gia đình em biết không?”. “Em giấu kín bưng. Đến khi nhận giấy khen của thành phố, ba em nói: “Liều ghê, lần sau đi nữa không con?”. “Hên, xui đó ba”.
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng và điều dưỡng Lê Thị Kim Cúc.
Họ cùng cười như kể chuyện vui, như vừa hân hoan một điều gì đó. Tôi lạc vào miền ký ức những tấm gương thầy thuốc xả thân cứu người, hình thành ở bao người những con sóng lương tâm đúng nghĩa nghề y. Như BS. Hồng và tập thể Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng này, họ vì lương tâm người thầy thuốc mà “ôm rơm rặm bụng” “vác tù và hàng tổng”, bởi họ đâu có gánh trách nhiệm, nhiệm vụ của họ đâu phải là cấp cứu trên biển. Ngư dân bị nạn liên tục, lúc đầu họ nhận làm hỗ trợ cứu nạn, dần dần thành quen, hễ đau là ngư dân réo 115. “Làm sao mình im lặng được, khi bà con kêu “bác sĩ ơi cứu em”, giờ thì thành nghĩa vụ rồi” - BS. Hồng trầm ngâm. Cả nước chỉ có Đà Nẵng làm việc này. Đến nay, tập thể nam nữ y bác sĩ ở trung tâm này đã đi với tàu của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) hơn 30 chuyến, còn lại là đi với biên phòng, hải quân. “À, chị quay sang tôi - anh hỏi có lúc nào ân hận không hả, có chứ, cái lần tưởng chết ấy, nghĩ sao mình dại dột, mình chết ai nuôi con, nhưng anh nghĩ mà coi, mỗi lần ngư dân kêu cứu giữa tiếng được tiếng mất, sao mình ngồi im được, thế là mang vác đồ đạc đi”. “Nhưng chị không đi thì có người khác?”. “Ừ, thì có anh em nam nữa mà, nhưng ca nặng thì mình đi, vì ở đây mình cứng chuyên môn nhất. Đi suốt tất cả các tỉnh miền Trung, nơi xa nhất mình đã đi chừng 250 hải lý cách bờ. Giai đoạn căng nhất là Trung Quốc đặt giàn khoan 981. Đi như ra trận - chị cười ha hả - vui lắm, mỗi lần có lệnh đi là anh em ôm nhau khóc, cầu mong ngày trở về. Mình trực lãnh đạo, mỗi khi nam giới đi là trả lời điện thoại vợ con họ miết, còn mình đi thì con mình lên ở với các cô, không dám nói mẹ đi biển, có bữa nó thức đến 2 giờ sáng để đợi. Mà lạ nghe, mình nghiệm rồi, số mình răng ấy, hễ đi là sóng lớn”.
Bấn bíu đủ chuyện, có bữa tôi sực nhớ bèn điện hỏi, rằng chị có bị ám ảnh bão dữ không, thì chị nói không, nhưng nghe bão to là lo, bởi ra đó mới thấy, ghe thuyền bà con giữa bão tố như chiếc lá giữa dòng, thương lắm, bà con bị nạn thấy mình như đuối nước chụp được cái phao. Mình chỉ trăn trở một điều, là làm sao bồi dưỡng kiến thức, trang bị tủ thuốc sơ cấp cứu cho ngư dân, tàu nào cũng có, để khi bị nạn, họ sơ cứu ban đầu. Việc này, có khi phải làm bắt buộc, bởi ngư dân thường chủ quan, xảy ra chuyện mới tỉnh ngộ. Ở xa đất liền, việc sơ cứu quan trọng lắm. Có những ca chết, đau đứt ruột, bởi không phải bệnh nặng nhưng để lâu không trị, dẫn tới tử vong. Nói rồi, chị vừa cười vừa nói cho qua chuyện khi tôi hỏi chế độ bồi dưỡng cho họ khi làm nhiệm vụ, chừng 500 ngàn/chuyến.
Mỗi chuyến ra khơi với ngư dân, đâu chỉ là áo cơm của gia đình họ. Câu chuyện chủ quyền trên biển bây giờ nóng hơn bao giờ hết, mà mỗi ngư dân là một cột mốc sống. Họ yên tâm bám biển khi có đất liền hỗ trợ. Và những blouse trắng trên biển xuất hiện bên họ bất kỳ lúc nào họ cần, như liều thuốc trợ lực cho họ đạp sóng mà đi. Nỗi niềm của những người như “nữ bác sĩ thép”, kể không phải để này nọ, bởi tôi đọc thấy ở họ, trái tim thầy thuốc không ngừng rung trước những nghịch cảnh, kể để thấy họ sống chết với nghề, tận tụy với những cơn đau. Yêu nước, Tổ quốc là gì, nếu không phải là ở trong tim mỗi người?