Hà Nội

Nữ bác sĩ ở nơi... ai cũng sợ

08-03-2015 14:45 | Thời sự
google news

Không có cảnh chen chúc xếp hàng như ở các bệnh viện khác, Bệnh viện 09 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) bình lặng đến độ đôi khi cảm thấy nặng nề.

Không có cảnh chen chúc xếp hàng như ở các bệnh viện khác, Bệnh viện 09 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) bình lặng đến độ đôi khi cảm thấy nặng nề. Nhưng đằng sau cái vẻ bình lặng ấy, các bác sĩ, cán bộ y tế ở đây đang phải gánh trở những áp lực vô hình rất lớn. Làm việc ở đây, đối với nam giới đã là một sự dấn thân nguy hiểm, đối với người phụ nữ sự hy sinh ấy càng đáng trân trọng hơn. Ở Bệnh viện 09, có đến 60% cán bộ là nữ.

Cái khó không phải vì sợ lây HIV

Bác sĩ Mai Thị Hường, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh tư vấn và điều trị ngoại trú, Bệnh viện 09 là người đã có thâm niên làm việc tại đây hơn chục năm, ngay từ khi bệnh viện mới sơ khai thành lập. Chị Hường bảo là phụ nữ trước khi bước chân vào môi trường làm việc này đã lường trước những khó khăn nhưng đúng là có làm mới hiểu hết được, không phải chỉ bản thân mình cố gắng là đủ, nó rất cần sự chia sẻ của người thân và đặc biệt là xã hội.

Có đến 70-80% bệnh nhân điều trị tại đây là từ các trường, trại chuyển về, họ điều trị HIV nhưng vẫn thường xuyên sử dụng ma túy. Lúc tỉnh táo thì bệnh nhân rất nghe lời, tôn trọng bác sĩ, nhưng đến khi thiếu thuốc, lên cơn nghiện, họ trở nên mất kiểm soát, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho các cán bộ y tế và quan trọng là không thể tuân thủ chỉ đạo của bác sĩ cũng như phác đồ điều trị.

“Bệnh viện 09 là bệnh viện dân sự, chỉ điều trị HIV và nhiễm trùng cơ hội chứ không có chức năng cai nghiện, hiện chúng tôi mới đang trong quá trình thành lập một trung tâm điều trị Methadon. Bệnh nhân hết án, hết thời gian cai nghiện bắt buộc khi trở về đã là người tự do, nhiều người quay trở lại con đường nghiện ngập, việc điều trị rất khó khăn. Đa số bệnh nhân bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, nhất là lao, nếu không điều trị đến nơi đến chốn tỷ lệ kháng thuốc rất cao, điều trị khó khăn và nguy cơ tử vong là rất lớn. Bệnh nhân cứ trở ra rồi lại trở vào, lần sau bệnh lại nặng hơn lần trước. Có những năm bệnh nhân chết đến hàng trăm trường hợp, mà đa phần trong số họ ra đi trong sự cô đơn, không có người thân. Mấy năm gần đây, công tác chăm sóc điều trị, can thiệp, tư vấn tốt hơn rất nhiều nên số ca tử vong cũng giảm dần” – bác sĩ Hường tâm sự.

Nguy cơ phơi nhiễm nhiều bệnh truyền nhiễm

Điều dưỡng Nguyễn Thị Nguyệt, Điều dưỡng trưởng của Khoa Khám bệnh là người đã gắn bó với bệnh viện 11 năm, chị chia sẻ: Người ngoài thì nghĩ khi làm việc ở bệnh viện này thì nguy cơ lớn nhất là lây nhiễm HIV, nhưng chưa hẳn là vậy, lo lắng nhất của chúng tôi là phơi nhiễm lao. Đến nay, các cán bộ y tế trong viện cũng có khoảng gần chục người bị phơi nhiễm HIV, riêng với lao thì chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây đã có 5-6 người bị nhiễm bệnh. Với bệnh nhân thì riêng năm ngoái đã phát hiện hàng chục trường hợp bị lao kháng đa thuốc, tiếp xúc với những bệnh nhân này, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chị Nguyệt tâm sự: “Mỗi lần có cán bộ bị nhiễm lao là cả viện lại nháo nhác. Bệnh lao việc điều trị rất phức tạp, ít nhất là 6 tháng và với lao siêu kháng thuốc thì việc điều trị có thể kéo dài đến 2 năm, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống. Đối với người phụ nữ thì càng khó khăn, vì họ khó tách khỏi gia đình và con cái”.

Chị Nguyễn Thị H, dược sĩ làm việc tại nhà thuốc bệnh viện là một trường hợp đã từng bị nhiễm lao khi mới sinh con được 17 tháng. Đó thực sự là quãng thời gian vô cùng khó khăn với chị, khi phải cách ly chồng con, gia đình trong một khoảng thời gian dài. “Với nam giới thì việc điều trị dễ dàng hơn vì họ độc lập, nhưng với phụ nữ thì rất khó khăn, nhất là những người có con nhỏ như tôi. Cũng may, gia đình tôi hiểu và thông cảm nên tôi cũng đỡ, chứ có người sau khi bị lao đã phải bỏ việc vì sợ”.

Vừa là bác sĩ, vừa là “chuyên gia tâm lý”

Những bệnh nhân điều trị tại đây, phần nhiều là không gia đình, lang thang, nghiện hút, nhiễm HIV chuyển từ các trại, các trung tâm về, họ không còn gì, có người còn nói đùa đầy chua xót rằng đưa họ vào đây cho… gần Văn Điển. Có bệnh nhân các bác sĩ, y tá, điều dưỡng phải mỗi người cho một tí, từ cái bát, đôi đũa, chiếc áo, chiếc chăn, cho tiền mua cơm, mua phở cho họ ăn. Thuốc men thì Nhà nước bao cấp, nhưng chế độ ăn uống cho bệnh nhân thì rất hạn chế, đến nay vẫn chỉ có 10 nghìn đồng/bệnh nhân/ngày. Vì vậy, bệnh viện phải co kéo, xin các nguồn tài trợ, các nhà hảo tâm nấu cháo từ thiện… để bệnh nhân có đủ dinh dưỡng.

Về vật chất đã khó khăn, nhưng về tinh thần họ còn phức tạp hơn, hầu hết bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện đều là những người bị AIDS giai đoạn cuối nên tâm lý bất cần, chán sống, lại bị người thân bỏ mặc nên không tuân thủ phác đồ điều trị. Do đó, cùng với việc trị bệnh bằng thuốc, các cán bộ y tế ở đây còn phải dành thời gian ổn định tâm lý, hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc bản thân và tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Có một nguyên tắc đặc biệt ở bệnh viện này là cán bộ y tế phải tuyệt đối tôn trọng, bí mật đời tư người bệnh. “Bệnh nhân đến đây thời gian đầu e ngại, họ không dám tâm sự gì, nhưng sau thời gian tiếp xúc thì họ bắt đầu tin tưởng và hầu như chia sẻ hết, chúng tôi tuyệt đối tôn trọng, tất cả những vấn đề của bệnh nhân sẽ không bao giờ có người thứ 3 biết nếu họ không muốn. Họ vào đây đã là đường cùng rồi, không còn chỗ nào đi nữa, vì vậy nếu mình làm họ mất niềm tin thì họ sẽ không biết bấu víu vào đâu” - BS Hường chia sẻ - “Với bệnh nhân nghiện thì họ đã xác định tâm lý trước, nhưng với những người vô tình phát hiện nhiễm HIV thì tâm lý họ suy sụp hoàn toàn, có người còn có ý định tự tử, vì vậy không thể bằng một vài câu nói của mình mà họ qua được giai đoạn ấy. Chúng tôi phải dành thời gian cả một quá trình để họ hiểu về bệnh, rồi tư vấn cho gia đình bệnh nhân để họ đồng cảm chia sẻ”.

Bác sĩ cũng bị… kỳ thị

Đối với cán bộ làm việc tại Bệnh viện 09, họ không có bất kỳ khoản thu nhập nào từ dịch vụ tăng thêm, chỉ vỏn vẹn có lương và trợ cấp độc hại, vì thế đời sống rất khó khăn. Có đến gần 90% cán bộ vẫn phải thuê nhà. Công việc vất vả, thu nhập thấp đã đành, nhưng các cán bộ y tế ở đây còn đối mặt với một áp lực không nhỏ chính là sự kỳ thị của cộng đồng. “Mấy năm gần đây xã hội cởi mở hơn thì chúng tôi mới dám nói là làm ở bệnh viện điều trị HIV. Khi nghe chúng tôi nói mình công tác tại Bệnh viện 09, có người hiểu, quý, trân trọng, động viên, khích lệ, nhưng cũng có những người ngại tiếp xúc” - bác sĩ Hường kể. Thậm chí trước đây, đã từng có trường hợp nữ cán bộ sắp đến ngày kết hôn, nhưng gia đình nhà chồng biết làm việc ở đây đã quyết định hủy hôn, cô gái sau đó rất sốc và phải xin nghỉ việc.

Xã hội còn những nhìn nhận chưa đúng, nhưng niềm vui của các cán bộ y tế ở đây là tình cảm của bệnh nhân dành cho họ. Ở bệnh viện này gần như không có sự biếu xén, quà cáp, nhưng tấm lòng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chính là động lực của các cán bộ y tế. Rất nhiều bệnh nhân được điều trị tốt, họ có công ăn việc làm ổn định vẫn thường xuyên gọi điện tâm sự, chia sẻ với bác sĩ, y tá. Bác sĩ Hường kể: “Có người nhà bệnh nhân khi con họ được xuất viện đã nói với chúng tôi rằng, nếu là phóng viên hay nhà văn gì đấy, thì họ sẽ viết một bài ca ngợi các bác. Đó là những động viên rất lớn với chúng tôi”.

 

 


Ý kiến của bạn