Hà Nội

Nữ bác sĩ ở Hải Phòng bị đánh gãy răng

13-06-2018 06:11 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, các vụ hành hung cán bộ y tế gia tăng với tính chất ngày càng nguy hiểm. Ngoài những vụ hành hung thân thể, thực tế nhiều thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi đe dọa về mặt tinh thần như bị lăng mạ, dọa dẫm.

Những vụ việc này đã khiến dư luận bất bình, đòi hỏi phải có giải pháp xử lý triệt để nhằm chấm dứt hành vi côn đồ này.

Bác sĩ bị đánh gãy răng vì… nhắc để xe vào nơi quy định

Thông tin từ huyện An Dương (TP. Hải Phòng) cho biết, công an huyện này đang tập trung xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc bà Nguyễn Thị L. - bác sĩ tại Khoa Truyền nhiễm của BVĐK An Dương bị một người đàn ông hành hung ngay tại bệnh viện. Theo thông tin ban đầu, vào 8 giờ ngày 10/6, khi đang ở trước cửa phòng dưới tầng 1 của bệnh viện, BS. Nguyễn Thị L. thấy một người đàn ông đi ôtô đỗ xe gây cản trở lối đi trước cửa Khoa Truyền nhiễm. Bác sĩ L. có nhắc nhở người đàn ông này để xe vào nơi quy định. Ngay sau đó, hai bên lời qua tiếng lại, người đàn ông nêu trên đã lao vào hành hung nữ bác sĩ, gây thương tích. Kết quả thăm khám và chụp Xquang cho thấy, BS. L. bị phù nề phần mặt bên phải, gãy chân răng số 7.

Các vụ hành hung cán bộ y tế gia tăng nhanh với tính chất ngày càng nguy hiểm (ảnh minh họa).

Các vụ hành hung cán bộ y tế gia tăng nhanh với tính chất ngày càng nguy hiểm (ảnh minh họa).

Ngay sau đó, Ban Giám đốc BVĐK An Dương đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra. Quá trình điều tra, Công an huyện An Dương xác định đối tượng hành hung BS. Nguyễn Thị L. là ông Nguyễn Văn Hưng, SN 1976, trú tại tổ 3, thị trấn An Dương, huyện An Dương. Cơ quan CSĐT - Công an huyện An Dương đã triệu tập ông Nguyễn Văn Hưng để làm rõ hành vi hành hung nữ bác sĩ.

Trước đó, vào chiều ngày 23/4, trong quá trình các y, bác sĩ BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tiến hành làm thủ tục và thăm khám ban đầu cho thai phụ tên T., một người đàn ông đã cầm dao bước tới, to tiếng, đập bàn gây sức ép, yêu cầu phải xử lý nhanh cho bệnh nhân. Trước sự việc này, các nhân viên y tế Khoa Cấp cứu - Chống độc đã gọi điện báo bảo vệ bệnh viện và công an. Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ của bệnh viện và Công an TP. Hà Tĩnh đã có mặt tại hiện trường kịp thời can ngăn, đồng thời thông báo với lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh Hà Tĩnh đến phối hợp, khống chế người đàn ông, tước hung khí đưa về trụ sở để phối hợp điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Phòng, chống bạo hành nhân viên y tế: Rất cần có luật

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới các vụ bạo hành, tại tọa đàm “Bạo hành trong bệnh viện, vấn nạn và giải pháp” do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương nhận định: “Dưới góc độ chuyên môn nghề nghiệp, chúng ta nhận thấy vấn đề không dừng lại ở lối hành xử không chuẩn mực và những nguyên nhân do rượu, bia, ảnh hưởng của các chất kích thích ở một số người bệnh, người nhà người bệnh mà ngay chính phương pháp làm việc, giao tiếp với bệnh nhân của một số y, bác sĩ còn chưa hợp lý. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác mà việc tăng cường các biện pháp pháp lý không thể giải quyết triệt để vấn đề”.

Từ những nguyên nhân đó, các chuyên gia cho rằng mỗi cơ sở y tế để phòng chống bạo hành thì phải xây dựng môi trường y tế thật sự chuyên nghiệp, đặc biệt quy trình làm việc phải thực sự tốt. Cần có hệ thống cảnh báo phòng chống bạo hành, có đội ngũ bảo vệ có kỹ năng, kiến thức phòng chống bạo hành, liên kết với đơn vị công an khu vực ngay khi có bạo hành xảy ra. Đồng thời, cá nhân mỗi nhân viên y tế phải tự có ý thức phòng chống bạo hành, nghĩa là phải luôn luôn nhìn nhận ngoài công việc chuyên môn thì phải hiểu rằng những cái gì đang có nguy cơ đe dọa đối với mình. Khi hiểu được điều đó thì đấy là cách bảo vệ tốt nhất bởi môi trường xung quanh bảo vệ chúng ta không quan trọng bằng tự một nhân viên y tế phải có ý thức phòng chống để không xảy ra bạo hành.

Mặt khác, trước sự gia tăng của vấn nạn bạo hành trong bệnh viện, ngày 19/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung Khoản D Điều 134 trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về tình tiết tăng nặng khi phạm tội cố ý gây thương tích đối với người “chữa bệnh cho mình”. Theo đó, tăng mức phạt đối đa lên tới 3 năm tù.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc và nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh chưa thực sự đầy đủ. Ở các nước phát triển, bên cạnh việc bảo vệ nhân viên y tế bằng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, các hành vi xâm phạm nhân viên y tế cho dù chỉ là lời nói đều bị trừng phạt rất nặng.

Thiết nghĩ đã đến lúc pháp luật phải xây dựng ít nhất một điều luật đó là tội chống cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, đưa vào thành tội của Bộ luật Hình sự nhằm hạn chế tối đa các tình trạng bạo hành nhân viên y tế, đảm bảo cho môi trường y tế được làm việc an toàn.


Nguyễn Hoa
Ý kiến của bạn