Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Hương “Bà đỡ” của những số phận

23-12-2014 21:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, sợ không đủ thời gian để hoàn thành những dự định đã ấp ủ, chị đang chạy đua với thời gian để níu kéo hạnh phúc...

Mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, sợ không đủ thời gian để hoàn thành những dự định đã ấp ủ, chị đang chạy đua với thời gian để níu kéo hạnh phúc - nhưng không chỉ cho mình, mà là cho những số phận bất hạnh. Người phụ nữ ấy chính là BSCKI. Nguyễn Thị Hương, Trưởng trạm Y tế phường Hòa Bình (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Chạy đua với thời gian

Chị là một phụ nữ đẹp - đẹp một cách nền nã, dịu dàng với gương mặt thanh tú và dáng người khá chuẩn. Kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc... chị gần như được ưu đãi khi có tất cả những gì mà một đời người mong ước.

Bác sĩ Hương tiêm chủng cho trẻ trên địa bàn phường Hòa Bình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức có đến 20 người con - mà chị là người con thứ 12 - cuộc sống gian truân đã cho chị nhiều nghị lực. Từ một điều dưỡng, chị theo học dần lên để rồi trở thành một bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên sản - phụ khoa. Nỗ lực của bản thân cùng với sự đồng lòng, yêu thương hết mực của người chồng nhân hậu, chị vun vén cho tương lai và hạnh phúc của gia đình. Hai con chị học hành chăm chỉ và thành đạt. Con trai nối nghiệp y của mẹ, hiện là thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa răng-hàm-mặt tốt nghiệp ở Mỹ, hiện đang công tác tại Trung tâm Răng-hàm-mặt của tỉnh Đồng Nai. Con gái chị cũng lấy được học bổng THCS đi học tại Singapore, hiện đang học THPT bằng học bổng của một trường THPT tại Mỹ.

Cuộc sống của chị, gia đình chị những tưởng sẽ chỉ toàn niềm vui, hạnh phúc và tiếng cười... Song, cuộc đời cũng thật trớ trêu, giữa lúc được tận hưởng hạnh phúc sau nhiều năm vun đắp, cũng là lúc chị đang mất thật nhiều. Là một bác sĩ sản khoa, nhưng chị lại vướng vào căn bệnh ung thư buồng trứng quái ác. Dù đã được phát hiện và điều trị tích cực, cắt bỏ cả hai phần phụ, nhưng mầm mống ung thư vẫn âm thầm tiến triển. Biết thời gian của mình không còn nhiều, chị đã lên kế hoạch cho những năm tháng còn lại của cuộc đời để chạy đua với sự hạn hữu của cuộc đời...

Tôi đến phòng khám của chị vào một chiều tối tháng 10. Phòng khám sản khoa ngoài giờ của chị lúc nào cũng đông. Nhiều phụ nữ chọn đến phòng khám bác sĩ Hương không chỉ do bác sĩ mát tay, mà nơi đây còn là địa chỉ của tình thương. Chị Lữ Thị Thu - một bệnh nhân thường xuyên đến phòng khám của bác sĩ Hương tâm sự: “Tôi bị bệnh phụ khoa nên thường ghé nhà bác sĩ Hương. Biết tôi nghèo, lại bệnh tật nên bác sĩ thường không lấy tiền khám, nhiều khi còn cho cả thuốc. Cô ấy đúng là một bác sĩ có tấm lòng nhân hậu”.

Khám bệnh cho người này, dặn dò bệnh nhân kia, tiễn người bệnh nọ khỏi phòng mạch, chị quay vào chuẩn bị vài thứ để vào Trung tâm Điều trị ung thư và y học hạt nhân của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thăm những người bệnh ung thư, nhất là những người bị ung thư phụ khoa. Lấy câu chuyện từ bản thân mình, chị “truyền lửa” hy vọng cho những bệnh nhân đang đau khổ khi phải mang căn bệnh nan y - để họ lấy lại tinh thần lạc quan, kinh nghiệm “sống chung” với ung thư - mà 8 năm qua chị đã và đang đối mặt.

Đi cùng với bác sĩ Hương là chị Mai Thị Hằng - một bệnh nhân bị ung thư tử cung cùng ở Biên Hòa mà hai người có dịp làm quen khi cùng điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh. Chị Hằng tâm sự: “Nếu không gặp bác sĩ Hương, có lẽ tôi không còn sống đến nay. 3 năm trước, khi phát hiện bị ung thư tử cung giai đoạn 3, bác sĩ nói chỉ sống được không quá 2 năm, tôi buồn lắm. Khi gặp bác sĩ Hương - người đồng cảnh ngộ, chúng tôi nhanh chóng là bạn của nhau. Đúng là một con người lạc quan, vẫn làm việc, vẫn vui vẻ, yêu đời... chị đã cho tôi nguồn cảm hứng để sống. Chị dạy tôi cách chăm sóc và làm đẹp bản thân, tập yoga, thực hiện chế độ ăn để duy trì sức khỏe, nhất là sự lạc quan, vui vẻ đón nhận quy luật của trời đất là mọi tạo vật được sinh ra thì cũng phải có ngày mất đi. Nhờ chị, tôi đã lấy lại tinh thần, sống yêu đời hơn, bệnh tật hình như cũng  lùi lại”.

Cô học trò hiếu đễ

Biết chuyện chị đưa cô giáo cũ bị liệt về chăm sóc, nhiều người nói chị là người bao đồng khi đi nuôi... người dưng. Nhưng chị lại cho rằng, đấy là cơ duyên mà trời đất cho hai người gặp nhau.

5 năm qua, cứ hết việc ở cơ quan, chị lại tất tả về nhà - nơi ấy, trong căn nhà ấm áp, chị có một gia đình hạnh phúc với chồng, con và hai người mẹ. Nhìn cách chị chăm sóc hai bà cụ quá tuổi thất thập với từng cử chỉ dịu dàng, chu đáo, không ít người nói: “Hai bà mẹ thật hạnh phúc vì có đứa con gái, con dâu hiếu thảo quá chừng!” nhưng ít ai biết, một trong hai người mẹ ấy, chính là cô giáo cũ của bác sĩ Hương.

Cô giáo cũ ấy là bà Phạm Bạch Quấc - người đã từng dạy chị nghề điều dưỡng cách đây hơn 30 năm. Bà vừa ra đi hôm giữa tháng 10 ở tuổi 80 ngay trên đôi tay dịu dàng của chị, trong ngôi nhà ấm áp của chị. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, cô Ba Quấc không chỉ là người thầy, mà còn như một người mẹ của chị. Đền đáp công ơn người thầy, chị đã tổ chức đám tang cho cô giáo đầy đủ lễ nghi, chu đáo như một người con thảo hiếu ứng xử với với cha mẹ mình. Thắp thêm nén nhang trên bàn thờ cô Ba, bác sĩ Hương kể cho chúng tôi nghe về mối duyên thầy - trò có lẽ chỉ một không hai trên đời.

Cách đây hơn 30 năm, cô Ba Quấc (quê ở Tây Ninh) - vốn là một cán bộ giảng dạy ở Trường trung cấp y tế Đồng Nai (nay là Trường Cao đẳng y tế Đồng Nai). Cô đã dạy bác sĩ Hương môn học về nghề điều dưỡng. Không lập gia đình riêng, nên cô Ba sống trong khu tập thể của trường. Khi trường giải tỏa khu ký túc xá cũ để xây trường mới, cô được vợ chồng bác sĩ Cảnh - cũng là một giáo viên trong trường đón về nuôi. Khi vợ bác sĩ Cảnh bị bệnh nặng, không thể chăm sóc cô giáo thì bà Ba Quấc được đưa về Viện dưỡng lão Suối Mơ tại TP. Hồ Chí Minh. 6 năm sau, viện dưỡng lão này giải thể cũng là lúc cô Quấc bước vào tuổi 75, lại bị liệt và không biết về đâu. Dù đang chăm sóc người mẹ già lẫn cẫn cũng ngần ấy tuổi, nhưng nghĩ đến cô giáo cũ không nơi nương tựa, chị lại thấy nao lòng. Bàn với chồng và được anh ủng hộ, chị đã đón cô giáo cũ của mình về nuôi dưỡng.

Chăm sóc một người già vốn đã vất vả, nhưng chăm người bán thân bất toại với tất cả sinh hoạt cá nhân đều... tại chỗ, quả là không đơn giản. Nếu không có tấm lòng, người ta sẽ chẳng muốn làm - dù đó là người thân của mình. Đang mang bệnh trong người, sức vóc thì gầy nhỏ nhưng ý chí của nữ bác sĩ Nguyễn Thị Hương thì thật mạnh mẽ. Nhờ biết tổ chức khoa học mọi việc, từ việc cơ quan đến việc nhà, lại còn phòng khám sản - phụ tại nhà, đỡ đẻ khi có người cần, lại còn chăm sóc cô giáo bị liệt và một người mẹ già... chị đi lại thoăn thoắt như con thoi.

Bằng chuyên môn của một thầy thuốc, thêm vào cái tâm của một con người, chị đã chăm sóc cho cô giáo cũ của mình thật chu đáo. Chỉ một năm sau được vật lý trị liệu, dinh dưỡng, chăm sóc tốt, cô Ba Quấc đã có thể đi lại, trò chuyện vui vẻ. Sau Tết nguyên đán 2014, chị đã tổ chức Lễ mừng thọ cho hai người mẹ. Để cô giáo được vui, chị đã mời nhiều lớp học trò của cô Ba về dự lễ cho quây quần, xôm tựu. Tối hôm ấy, khi cho bà đi ngủ, cô Ba nắm chặt tay chị thì thầm: “Má không nghĩ cuối đời mình lại được sống trong không khí gia đình, có con, có cháu, được tổ chức mừng tiệc chúc thọ. Cuộc đời má bao năm sống quạnh hiu, cô độc, nhưng bây giờ, má đã có đứa con gái hiếu thảo này, má cảm ơn con gái thật nhiều”. Chị ôm lấy cô giáo cũ, nắm chặt bàn tay nhăn nheo của bà truyền hơi ấm tình thân.

Sinh lão bệnh tử - đã phàm là con người, hầu như ai cũng trải qua. Sau 5 năm sống trong tình thân với cô học trò cũ, bà Quấc đã ra đi nhẹ nhàng. Bác sĩ Hương đã tổ chức đám tang cho cô giáo cũ thật chu đáo như một người con trả nghĩa cha mẹ mình. Chị cũng đội vành khăn tang như một người con. Sợ cô giáo cũ đi một mình buồn, chị đã thông báo nhiều thế hệ học trò của cô Ba về thắp nhang và đưa tiễn. Mồ yên mả đẹp, chắc bà Ba Quấc  đang ngậm cười nơi chín suối. Bác sĩ Hương cho biết: “Cô Ba đi đã 3 thất rồi, hôm này thất thứ 7, mình sẽ mời những người quen, học trò của cô Ba đến dự bữa cơm cúng để cô sớm siêu thoát. Thực ra, mình muốn làm đầy đủ lễ cho cô Ba vui”. Chị kể thêm: “Những ngày chăm cô Ba bị liệt, thấy mình vất vả, ông xã  gợi ý nên mướn người giúp việc về vừa chăm bà cụ, vừa phụ việc nhà để mình đỡ vất vả. Nhưng mình nói với anh ấy, mẹ mình cũng như cô Ba cần là tình thương của con cái,  chứ  phó cho ô-shin thì còn gì để nói. Vốn là nhà giáo có cái tâm nhân ái, thấy vợ tha thiết quá nên đi làm về, anh ấy phụ một số việc nhà để mình có thêm thời gian chăm sóc các cụ”.

Hằng ngày, bác sĩ Hương cùng những người thân nấu bữa ăn chiều rồi đem đến cho bệnh nhân bị bệnh ung thư của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

“Bà  đỡ” của những số phận

Nói về bác sĩ Hương, bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Giám đốc Trung tâm bảo trợ - huấn nghệ cô nhi Biên Hòa cho biết: “Bác sĩ Hương là một thầy thuốc có đủ cả tâm, tài và đức. Nhiều phụ nữ mang thai và sinh con trong hoàn cảnh đặc biệt ở  Nhà tạm lánh của Trung tâm này đều do một tay bác sĩ Hương lo. Cứ có chị em nào bị động thai, chuẩn bị sinh đẻ, gọi điện là chị đến liền. Câu đầu tiên của bác sĩ Hương là: “Đặt cho Hương ấm nước sôi” và chỉ 10 phút sau chị có mặt. Biết bao đứa trẻ đã ra đời trên đôi tay của bác sĩ Hương, biết bao bà mẹ lỡ lầm đã rũ bỏ được mặc cảm, đã giữ được tình mẹ con nhờ những lời khuyên của chị. Có duyên ăn nói, cử chỉ thân mật, gần gũi nên mấy chị em ở nhà tạm lánh này rất mến chị. Mấy cô gái trẻ lỡ lầm đã thức tỉnh, làm lại cuộc đời”.

Không chỉ giúp đỡ những phụ nữ ở nhà tạm lánh “mẹ tròn, con vuông”, phòng khám của chị cũng là địa chỉ mà không ít cô gái trẻ bồng bột, yêu đương quá trớn đến nhờ chị xử lý cái kết quả không mong muốn. Chị tâm sự: “Khi tiếp xúc với những ca như thế, mình rất đau lòng vì không muốn những sinh linh bé nhỏ, vô tội bị tước bỏ quyền được sống, thậm chí có cả gái mại dâm  có thai đến nói với mình: “Đời em bỏ rồi, con em rồi cũng mắc bệnh, chị đừng cho nó ra đời thì tốt hơn!”.

Một mặt động viên tinh thần của những bà mẹ gặp cảnh trái ngang, khuyên họ nên giữ lại đứa con, với người mẹ có HIV thì chị hướng dẫn đến bệnh viện để được dự phòng lây truyền HIV mẹ con. Có người nghe ra và đứa bé đã được ra đời. Và chính chị là người “cưu mang” đến hơn một chục trường hợp như thế tại khu nhà ở trang trại của mình. Sắp xếp chỗ ở, lo cái ăn và hỗ trợ lúc những phụ nữ này sinh đẻ, thậm chí nuôi cho

đến khi cả mẹ và con cứng cáp mới thôi. Chính nhờ thế, mà nhiều chị em đã gắn bó với đứa con bé bỏng của mình, không “vứt” con vào các cơ sở nuôi trẻ mồ côi - điều đó cũng đồng nghĩa với việc đem lại hạnh phúc cho những đứa trẻ khi được có mẹ trong đời.

Chị Nguyễn Thị Nhân, một phụ nữ đã 2 lần đến nhờ bác sĩ Hương giúp bỏ thai chỉ vì cái thai là... con gái, sợ chồng đánh, chị đã không dám về nhà khi còn giữ thai trong bụng. Xót xa cho những sinh linh bé bỏng không được chào đời, bác sĩ Hương đã khuyên chị Nhân nên sinh con và đã giúp đến phút cuối. Đem hai đứa trẻ về làm con của những cặp vợ chồng vô sinh, nhưng chị Hương vẫn âm thầm theo dõi cuộc sống của các cháu và mong một ngày nào đó, nếu chị còn sống khi chúng đến tuổi trưởng thành, chị sẽ cho hai đứa nhận lại nhau. Chị Hương nói: “Với những trẻ được cho làm con nuôi, không biết gốc gác của mình thì khi nhận được ruột thịt sẽ là điều vô cùng hạnh phúc”. Và chị cứ hy vọng cho người và cho cả mình...

Khi nói về những việc làm của vợ, anh Hưng, chồng chị nói vui: “Tôi “bó tay.com” với cô ấy. Tôi cũng không hiểu nổi với sức vóc ấy, vợ tôi có thể làm được bao nhiêu việc mà trước đây tôi có... nằm mơ cũng không thấy. Nhưng cô ấy đã quyết, tôi cũng không muốn cản và có lẽ... cản cũng không được. Chỉ biết cô ấy vui khi làm những việc đó là tôi cũng vui lây”.

Trò chuyện với chúng tôi, chị thổ lộ: “Mình giấu chồng nhiều chuyện lắm!” rồi kể cho tôi nghe về câu chuyện cách đây 2 năm, một cô bé bán mì gõ 16 tuổi đến gặp chị với bào thai 6 tháng nhưng không biết ai là “tác giả”. Cô bé nhờ chị phá giùm để tiếp tục bán mì gõ, nếu không sẽ bị bà chủ đuổi việc. Không nỡ và không thể xử lý được hậu quả cho cô bé, chị đã đưa cô bé về trang trại của mình và nuôi cho ăn ở đến ngày sinh nở. Một bé trai khôi ngô ra đời nhưng cũng không gắn kết được tình thương của người mẹ trẻ con. Sợ cô bé mì gõ đi và sẽ tiếp tục phạm sai lầm, chị đã khuyên cô bé tiếp tục chăm sóc đứa con nhỏ và đưa về nhà mình phụ việc phòng khám, quầy thuốc tây của gia đình. Nhưng rồi tình yêu thương của vị nữ bác sĩ này cũng không làm cho cô bé xúc động. Khi đứa con được 7 tháng tuổi, người mẹ trẻ con cũng đỏ da thắm thịt thì cô bé mì gõ cũng bỏ con, bỏ ân nhân... đi bụi. Vừa chăm mẹ già, vừa chăm cô giáo bị liệt, lại nuôi đứa trẻ 7 tháng tuổi... chị Hương tưởng như mình không đủ sức lực để tiếp tục lo chuyện... bao đồng. 5 tháng sau, chị nhận được cú điện thoại của cô bé mì gõ, khóc và xin chị cứu.

Chị kể: “Đến  quán cà phê con bé hẹn, mình không cầm được nước mắt khi thấy “mì gõ” người gầy xơ xác, nhưng cái bụng lại trướng lên như người có thai. Mình vội vã chở thẳng “mì gõ” đi bệnh viện và được chẩn đoán viêm thận. Sau mấy tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, “mì gõ” đã hồi phục sức khỏe. Những ngày đó, mình vô cùng vất vả khi làm xong mọi việc, 21 giờ khuya một mình lái ôtô lên Bệnh viện Chợ Rẫy thăm “mì gõ”. Khi về đến nhà là 2 giờ sáng. Có bữa nửa đêm, ông xã dậy không thấy vợ đâu, gọi điện mình phải nói dối có một ca đẻ rơi, phải đến giúp, ông xã mình cũng tưởng thật. Vì thế, cũng may trời thương, nên mình không gặp điều gì nguy hiểm, kể cả bệnh tật cũng lùi xa để dành thời gian và sức lực cho mình làm những việc đáng làm hơn!”. Giờ đây, “mì gõ” đã trưởng thành hơn. Cô và đứa con đã thuê nhà ở riêng và có việc làm ổn định. Lâu lâu ghé nhà má Hương, “mì gõ” lại nhắc con: “Chào bà ngoại đi con, không nhờ bà ngoại thì má con mình đâu có ngày hôm nay”.

Hiện nay, chị đang “sở hữu” một gia đình hạnh phúc với người chồng làm nghề giáo, hai người con - một con trai là bác sĩ răng-hàm-mặt đã tốt nghiệp ở Mỹ, đã về nước và đang cùng mẹ đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân; một con gái vừa tốt nghiệp trung học phổ thông cũng ở Mỹ và một cơ sở kinh tế gia đình ổn định. Nhưng với chị, điều đó giữ cho chị điểm tựa để sống, nhưng còn những người, những việc mà chị đang làm giữ cho chị vui mà sống. Song, dù chị thật lạc quan, nhưng tôi vẫn nghĩ cuộc sống này không công bằng khi một người sống vì người khác mà phải mang căn bệnh hiểm nghèo. Đem điều này nói với chị, chị lại nói: “Không đâu em, cuộc sống này công bằng đấy chứ. Chị thấy mình được nhận nhiều lắm, thì chị cũng phải mất chút gì đó chứ. Nếu không, sẽ là không công bằng với mọi người”.

Để chiến đấu với bệnh tật, hiện bác sĩ Hương tập thiền, yoga, ăn chay và đặc biệt luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ. Vì thế, dù đã mang bệnh bước qua năm thứ 9, nhưng chị vẫn khỏe mạnh, làm việc nhiều và làm việc hiệu quả. Trò chuyện với chị, nghe chị quan niệm về cuộc đời, về con người và thân phận với triết lý nhà Phật “sắc sắc không không”. Đó là “thầm lặng, cái có của mình chưa đủ để khoe khoang, sống bình dị và lấy cái có của mình như không để sống”. Sống theo triết lý ấy, cùng với một trái ấm nóng tình người, bác sĩ Nguyễn Thị Hương vẫn đang âm thầm góp “lửa” cho đời.

Bài, ảnh: Nguyễn Phương Liễu

 

 


Ý kiến của bạn