Hà Nội

Nữ bác sĩ mang niềm vui và niềm tin cho bệnh nhân

02-04-2015 13:11 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Nói đến bác sĩ chuyên khoa 1 Đỗ Hà Thành, trưởng khoa nội bệnh viện huyện ĐạHuoai, tỉnh Lâm Đồng, ai mà không biết đến, nhất là các em nhỏ, các cụ già...

Bác sĩ năm nay khoảng chừng 50 tuổi, trông rất tươi trẻ và duyên dáng, nhưng thích nhất vẫn là ánh mắt mà bác sĩ dành cho bệnh nhân rất đỗi trìu mến. Đôi mắt ấy biết xoa dịu, vỗ về khi bệnh nhân tuyệt vọng, biết thông cảm nỗi đau khi bệnh nhân nhức nhối rên la...

Bác sĩ rất hết lòng vì bệnh nhân. Chưa bao giờ bác sĩ tỏ thái độ cáu gắt, nóng nảy khi bệnh nhân ói mửa, tiểu tiện... trên giường. Bác sĩ đến bệnh viện sớm hơn giờ làm việc, rồi khoác trên người chiếc áo blouse trắng trông như một cô tiên nhẹ nhàng đến từng giường bệnh hỏi han bệnh nhân tỉ mỉ, đo huyết áp, khám bệnh, lắng nghe ý kiến phản hồi của người bệnh. Có những em bé sốt cao, bác sĩ nhanh nhẹn đến kẹp nhiệt kế, cho uống thuốc. Có một em sốt cao lên cơn co giật, mẹ em bé hoảng hồn tay run cầm cập. Bác sĩ trán đổ mồ hôi, vội vàng kẹp nhiệt kế, cho bé uống thuốc hạ sốt và lấy khăn sạch nhúng vào nước ấm lau nhẹ nhàng lên đầu, trán, nách, bẹn... Mười phút sau, bé qua cơn co giật, bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm. Mẹ em bé rối rít cám ơn. Bác sĩ cười âu yếm nói “đó là trách nhiệm của em mà”. Bác sĩ dặn dò: “Nhớ cho bé uống thuốc đúng giờ, đúng liều quy định và ăn uống đủ dưỡng chất để bé chóng bình phục các chị nhé!”.

Có những cụ ông, cụ bà mắc những chứng bệnh nan y như: vừa đái tháo đường vừa cao huyết áp, suy thận, xơ gan, nhồi máu cơ tim... Trông nét mặt bệnh nhân nhăn nhó, lo lắng, sợ sệt..., bác sĩ vừa trấn an vừa vỗ về giúp cho nhiều người bệnh an tâm ngay từ những giây phút đầu tiên. Chị tận tình bên giường bệnh không quản ngày đêm, khi thì đặt tay lên trán bệnh nhân, khi thì đo huyết áp, sờ nắn vùng gan, thông tiểu, cho bệnh nhân uống thuốc, dặn dò bệnh nhân cần ăn những thức ăn gì và kiêng những thức ăn gì. Một cụ ông tên Nham co thắt vùng tim, mất ngủ mấy ngày liền, mặt mày hốc hác, chị đến tận nơi xoa bóp, chia sẻ nỗi đau giúp bệnh nhân vượt qua cơn bạo bệnh. Một cụ bà người dân tộc thiểu số neo đơn, trước khi cho uống thuốc, bác sĩ hỏi bà đã ăn sáng chưa? Bà lắc nhẹ đầu. Bác sĩ vội vàng đi ra lấy khẩu phần ăn sáng của mình rồi bảo bà ăn đi mà uống thuốc.

Bác sĩ Thành luôn ân cần và chu đáo với bệnh nhân

Bác sĩ Thành luôn ân cần và chu đáo với bệnh nhân

Những lúc thời tiết chuyển mùa thay đổi đột ngột, nhiều bệnh nhân không thở được, mặt mày tím tái, phải nhập viện. Hễ đêm nào đến phiên trực của mình, nghe tiếng xe ngoài cổng, bác sĩ Thành ngồi dậy, ngoái mắt nhìn ra. Lúc bệnh nhân vào đến phòng khám, chị phụ dìu bệnh nhân đến giường bệnh nằm rồi nhanh chóng cho thở oxy. Sau khi bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch, chị cho đi xét nghiệm đờm, chụp phổi, khám bệnh, kết luận bệnh rồi đến bên giường bệnh dịu dàng phân tích: “Anh bị hen phế quản mãn tính do hút thuốc nhiều trong thời gian dài, anh nên bỏ thuốc từ đây, hạn chế uống các chất kích thích: cà phê, rượu, bia; tránh ăn những thức ăn gây dị ứng: mắm tôm, mắm cà, tiết canh... Mỗi sáng nên uống một cốc nước chanh ấm pha 2 muỗng mật ong. Nhớ tắm nước nóng tương đương với nhiệt độ cơ thể, mặc đủ ấm, siêng vận động tránh nằm nhiều nhằm hạn chế đờm dãi ứ đọng và nhớ uống thuốc theo toa mà em đã kê đơn”.

Nghe lời khuyên của bác sĩ, nhiều bệnh nhân đã tự tin, bệnh có chiều hướng giảm dần, như: thầy KPỉ, thầy Nguyễn Trọng Hải, anh Mai Danh ở thôn 1 xã Madagui. Lâu lâu, bác sĩ lại gọi điện thoại hỏi thăm bệnh nhân: “Anh/chị đã đỡ chưa? Gắng kiên nhẫn, yên tâm chữa bệnh. Bỏ thuốc lá rồi có tăng được ký nào không? Chúc anh mau lành bệnh. Nhớ tái khám nghe”. Hầu hết người bệnh trong Khoa Nội của Bệnh viện huyện ĐạHuoai, tỉnh Lâm Đồng, đều đánh giá: bác sĩ Thành nhã nhặn, săn sóc bệnh nhân như cha mẹ, con, em của mình.

Gặp bác sĩ Đỗ Hà Thành, tôi hỏi: “Sao bác sĩ lại kiêm luôn công việc của y sĩ, điều dưỡng?”... Bác sĩ dịu dàng trả lời: “Chị ơi! Em chỉ biết làm việc hết sức mình”.

Đặng Thị Thanh Lệ


Ý kiến của bạn