Hà Nội

Nữ bác sĩ luôn làm theo… mệnh lệnh trái tim

19-03-2015 10:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cô đã trở thành Thầy thuốc nhân dân được bệnh nhân và đồng nghiệp vô cùng yêu quý. Bác sĩ quân y ấy là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên của thời kỳ đổi mới.

Từ một thiếu nữ bình thường sống trong vùng kềm kẹp của địch, ít được học hành, nhờ thoát ly theo Cách mạng, cô đã trở thành Thầy thuốc nhân dân được bệnh nhân và đồng nghiệp vô cùng yêu quý. Bác sĩ quân y ấy là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Và cô luôn tâm niệm: nếu không có Đảng lãnh đạo, quân đội rèn luyện và đào tạo thì bản thân không thể có được những niềm hạnh phúc vô bờ!

Bước lên từ chiến hào

Sinh ra tại Châu Thành, Bình Dương, 10 tuổi ba đi tập kết, cô bé ấy đã phải gạt nước mắt bỏ học về phụ mẹ nuôi gia đình 7 người lúc anh cả 12 tuổi và em út mới được 3 ngày. 18 tuổi vào bộ đội làm chị nuôi. Rồi sau đó tiếp tục học và trở thành bác sĩ - người má hiền của những thương bệnh binh và bao bệnh nhân khác nữa.

Kể chuyện ngày xưa, Đại tá, bác sĩ Lê Kim Hà ngẫm nghĩ: lắm lúc không hiểu sao lúc đó lại làm được những điều phi thường như thế!

Nụ cười hiền và bàn tay ấm áp, BS. Lê Kim Hà từ thời trẻ và bây giờ luôn là người mẹ hiền của bệnh nhân!

Nụ cười hiền và bàn tay ấm áp, BS. Lê Kim Hà từ thời trẻ và bây giờ luôn là người mẹ hiền của bệnh nhân!

Sống nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, 18 tuổi còn sợ đủ thứ, từ cọp đến ma, nhưng 3 giờ sáng, chị đã một mình dò dẫm trong cánh rừng đại ngàn để xuống suối lấy nước về nấu cơm cho 100 người ở tỉnh đội Phước Thành. 8 tháng quân ngũ đầu tiên trôi qua, năm 1963, sau 6 tháng học y tá cấp tốc, chị về phục vụ trung đội trinh sát đặc công tỉnh đội. Dẫu run bắn người nhưng vẫn lăn xả vào cứu thương giữa bom đạn rầm trời. Năm 1965, chị học một năm y sĩ tổng quát ở dân y Miền rồi 6 tháng học gây mê hồi sức để từ đó công tác luôn tại phòng mổ Bệnh viện K71, tuyến điều trị cuối cùng của Miền tại rừng Dương Minh Châu. Ba năm 1968 - 1970 sự ác liệt của chiến trường được phản ánh đầy đủ nơi bệnh viện tiền phương lớn nhất này.

Cấp cứu thương binh phải làm dưới hầm sâu: nước ngập, muỗi mòng và rắn rết… Có lần địch bao vây bệnh viện 60 ngày đêm liên tục, phải mở “con đường máu” để bảo vệ hàng ngàn thương binh, nhân viên, bà mẹ và trẻ em. Có trận B52 ném bom vào khu vực của bệnh viện 24 đợt, mỗi đợt chỉ cách nhau năm phút. Sức ép của bom vào thành hầm đến ngạt thở. Khi ngoi lên chỉ thấy khu rừng sáng lòa, chẳng còn bóng dáng của rừng cây, lán trại. Chị Kim Hà và đồng nghiệp đã bao lần phải cõng thương binh chạy khỏi khu bị oanh kích, bom nổ nằm chụp lên, khói chưa tan đã cõng chạy tiếp…Vượt qua hiểm nguy, quyết giành sự sống cho đồng đội. Năm 1969, chị lấy chồng - BS. Phùng Ngọc Ẩn cùng đơn vị. Năm 1970, đứa con đầu lòng của chị ra đời trong một căn hầm ngập nước. Năm 1971, chị được cử đi học, khóa cuối cùng đào tạo bác sĩ chuyên tu của Miền…

Mẹ hiền của những người bệnh

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kết thúc, BS. Lê Kim Hà về làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Quân Y 175 (nay là Bệnh viện Quân Y 175). Chiến tranh biên giới lại nổ ra, một lần nữa chị lại đối mặt với vô vàn những khó khăn và phải chứng kiến những đớn đau, mất mát đến tận tâm can. BS. Hà và đồng đội một ngày làm việc từ 14 - 16 giờ, trực không có ngày nghỉ bù, bình quân một bác sĩ phụ trách từ 20 - 30 thương binh nặng. Đặc biệt là những lúc cao điểm thì số lượng thương binh được chuyển về rất lớn, mỗi một chuyến xe ô tô chở thương binh về cấp cứu từ 70 - 80 người, có khi lên tới 150 - 200 người.

Đại tá, bác sĩ Lê Kim Hà

Đại tá, bác sĩ Lê Kim Hà

Gần 100 đêm cuối năm 1977 hầu như không có đêm nào là không có cấp cứu mổ xẻ. Mỗi ngày đêm, 1 kíp mổ phải hoạt động bình quân 6 - 8 giờ, thậm chí 12 giờ một ngày. BV thường triển khai ít nhất là 4 bàn mổ, nhiều nhất là 7 - 8 bàn mổ, có bàn mổ phải sử dụng 3 kíp mổ phục vụ cho 1 thương binh theo từng chuyên khoa chấn thương bụng, ngực, sọ não… Nhiều ca chi đã nhiễm trùng đến hoại tử, cắt bỏ đi là khỏe nhất, BS. Hà không đành, lọ mọ thay băng nhỏ nước muối, kì công cắt đi phần đã thối, hy vọng giữ lại những đôi chân, những bàn tay… Khó khăn gian khổ đến mấy, người thầy thuốc mang áo lính vẫn chịu được, nhưng khi bất lực nhìn đồng chí đồng đội của mình hy sinh chỉ vì thiếu thuốc và thiếu phương tiện y tế để chữa trị thì trái tim bác sĩ như bị bóp nghẹt…

Cho tới giờ, chị vẫn nhới như in chàng thương binh 18 tuổi, quê ở Quảng Bình, bị bom cụt cả hai chân, hai tay, thêm vết thương ở bụng. Thường gọi chị là “mẹ Hà”. Chị kể: “Một hôm em nói: “con thèm rau muống luộc, vắt tí chanh”. Nghe vậy, mình thương ứa nước mắt. Ra chợ, mua rau về nhặt lấy đọt luộc, đút cho cậu ăn ngon lành. Chăm được nửa tháng, đêm trước lúc chết cậu cứ kêu: “Mẹ Hà ơi! Mẹ Hà ơi!...”.

3 giờ sáng thức dậy lo cho bệnh nhân, đến 7g, chị quày quả về nhà, đặt con gái mới sinh ba tháng vào tấm vải dù, một tay đỡ con, một tay cầm lái xe đạp đem con đi gửi nhà trẻ, rồi trở lại BV.Bộn bề công việc, nhưng mỗi tuần chị đều dành ba buổi đi học lại văn hóa từ lớp 6. Suốt 5 năm liền, chị đi xe đạp, vừa nuôi hai con nhỏ, vừa đi học. Rồi chị vừa học ngoại ngữ, vừa học chuyên môn... Ba năm liền cũng với chiếc xe đạp, chị đến giảng đường Đại học Y Dược, BV. Chợ Rẫy để thực hành trên 200 bệnh nhân với đề tài “Gây tê ngoài màng cứng bằng Lidocain kết hợp với Fentanyl”. Đó là luận án tốt nghiệp chuyên khoa cấp 2 năm 1989, được hội đồng giám khảo đánh giá tốt.

Năm 1992, tại khoa Thần kinh, Viện Quân Y 175, anh lính trẻ 19 tuổi Khương Sĩ Khang quê Thái Bình sau một tuần bị sốt thì liệt tứ chi rồi ngừng thở. PTS. Nguyễn Hữu Công, chủ nhiệm khoa, chẩn đoán anh bị hội chứng Guillain Barré và chuyển sang khoa HSCC. Đây là bệnh hiếm gặp, chưa rõ nguyên nhân, trên thế giới có những phương pháp điều trị nhưng đòi hỏi trang bị kỹ thuật và chi phí cao.

Chị quyết tâm cứu chữa: thay vì truyền corticoid liều cao vào tĩnh mạch, chị dùng thao tác gây tê ngoài màng cứng để đưa thuốc trực tiếp đến các rễ thần kinh bị viêm. Sau bốn tuần bệnh nhân đã bước xuống giường vịn đi...Thành công đầu tiên này đã củng cố niềm tin giúp BS. Lê Kim Hà cứu sống hàng chục bệnh nhân khác nữa. Và Đại tá, bác sĩ Lê Kim Hà đã được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam với sáng kiến điều trị hội chứng Guillain Barré bằng corticoid tiêm vào khoang ngoài màng cứng. Chị và PTS. Nguyễn Hữu Công, trước đó, đã được mời sang Nhật báo cáo tại Hội nghị quốc tế về các bệnh thần kinh cơ năm 1994...

BS. Lê Kim Hà tham gia cách mạng năm 1962, năm 1994 được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, năm 1995 được phong Thầy thuốc ưu tú, năm 2003 là Thầy thuốc nhân dân. Chị đã có 13 công trình nghiên cứu khoa học. Khi còn là Chủ nhiệm khoa HSCC, BS. Lê Kim Hà thường nói với anh chị em trong khoa rằng người bệnh đi cấp cứu tốn kém mọi bề, đừng hành người ta. Muốn làm giàu thì đừng làm nghề thầy thuốc, mà đã là thầy thuốc thì phải lấy chuyên môn làm đầu và đạo đức làm trọng. Đừng làm việc vì bất cứ tấm huân huy chương nào mà hãy làm việc theo mệnh lệnh trái tim…

70 tuổi, bác sĩ anh hùng ấy vẫn miệt mài với công việc cứu người và vẫn cứ làm việc theo… mệnh lệnh trái tim!

ANH HÙNG

 


Ý kiến của bạn