Nữ bác sĩ luôn đồng hành với trẻ có “H”

16-09-2016 13:13 | Y tế
google news

SKĐS - Ngoài sân Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Tháp, một bé trai chừng 5 tuổi đôi mắt tròn đen láy chăm chú nhìn tôi, chốc chốc lại nhoẻn miệng cười…

Ngoài sân Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Tháp, một bé trai chừng 5 tuổi đôi mắt tròn đen láy chăm chú nhìn tôi, chốc chốc lại nhoẻn miệng cười… Chẳng thể tin được cơ thể nhỏ bé ấy đang phải chống chọi lại căn bệnh HIV/AIDS. “Trước nó èo uột lắm, cứ như con mèo ướt, ngồi không nổi, đầu thì bự, hai con mắt lồi ra, chân tay khẳng khiu, ngồi im re, không tiếp xúc với người  lạ… Bây giờ cô xem…”. Bác sĩ Trần Thị Ny - Trưởng phòng khám ngoại trú nhi của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Tháp chia sẻ với chúng tôi chuyện về những đứa trẻ nhiễm HIV nơi đây.

Trẻ khổ vì HIV, khó khăn trong điều trị

“Trẻ em nhiễm HIV ở đây khổ lắm”, BS. Trần Thị Ny bắt đầu câu chuyện như thế. Trẻ khổ vì nghèo, cha mẹ đa số không có công việc ổn định. Nhiều cha mẹ còn bỏ con lại đi làm ăn xa xứ hoặc đã mất vì HIV/AIDS. Trẻ sống với ông bà hoặc người giám hộ, nhưng cơ bản là vẫn nghèo. Vì thế mà trẻ phải chịu thiệt thòi. Có nhiều trẻ nhỏ phải theo cha mẹ đi bán vé số, phụ ông bà, cô bác bán hàng, hái xoài, cam, hái ớt… để có thêm thu nhập cho gia đình.

Sự kỳ thị ở đây vẫn đang là rào cản để trẻ có thể được tiếp cận với cộng đồng, nhất là khi trẻ đến tuổi đi học. BS. Ny nhớ lại một trường hợp ở huyện Lai Vung. Nhà trường không đồng ý cho trẻ nhiễm HIV nhập học vì các phụ huynh khác lo sợ lây sang con họ. Các phụ huynh đã nộp đơn lên nhà trường trong đó đưa đề nghị nếu cho trẻ nhiễm HIV học, họ sẽ xin chuyển trường hoặc cho con họ nghỉ học. Trước áp lực đó, có trường hợp trẻ phải ngồi riêng bàn phía cuối lớp hoặc trẻ phải chuyển trường… Thậm chí, có trẻ đã bỏ học.

Bác sĩ Ny tư vấn cho bệnh nhân HIV.

BS. Ny cho biết, phòng khám ngoại trú nhi của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Tháp hoạt động từ năm 2007, hiện đang quản lý và điều trị cho 100 trẻ trên địa bàn tỉnh. Trẻ nhỏ nhất dưới 1 tuổi, lớn nhất là 16 tuổi. Phòng khám nhi hoạt động toàn thời gian. Trẻ tới bất kỳ giờ nào cũng được phát thuốc, thậm chí cả ngoài giờ. Phòng khám hiện có 4 người: 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 người cấp thuốc và 1 nữ hộ sinh quản lý trẻ đẻ ra từ mẹ nhiễm HIV (mới có 1 bác sĩ Khoa điều trị qua hỗ trợ).

Điều trị cho trẻ phức tạp hơn điều trị cho người lớn. Bệnh nhi uống thuốc theo cân nặng. Vì vậy, phải theo sát trẻ và phải điều chỉnh liều liên tục. Bệnh nhân là trẻ em nên việc điều trị phải nhờ người hỗ trợ chăm sóc, người bảo hộ. Nhưng có nhiều cha mẹ lại đi làm ăn xa, hoặc bỏ con lại, hoặc mất, hoặc người giám hộ không biết chữ nên không đọc được để nhắc nhở trẻ uống thuốc đúng giờ. Rồi có lúc người giám hộ quên cả việc nhắc uống thuốc, đi nhận thuốc. Vì thế, việc trẻ uống thuốc đều đặn cũng gặp khó khăn. Để giải quyết tình trạng ấy, BS. Ny cùng với đồng nghiệp của mình đã hỗ trợ bằng cách điện thoại trực tiếp cho bệnh nhân, hoặc nhờ trạm y tế đến tận nơi. Vì thế mà đến bây giờ, tất cả số trẻ trong địa bàn đều tuân thủ điều trị và đạt hiệu quả cao.

BS. Ny nhớ lần tìm đến nhà sản phụ Nguyễn Thị Bé Th. mới sinh ở Bệnh viện Sa Đéc có nhiễm HIV để tư vấn. Đó là 1 căn nhà nằm giữa cánh đồng lúa, lối đi vào chỉ là 1 bờ đê nhỏ. Căn nhà tuềnh toàng, rộng chừng 10m2 với vài thứ đồ dùng cũ kỹ. Người vợ ôm con nằm trên chiếc giường nhỏ kê giữa nhà, người chồng ngồi ở cửa ra vào… Chị rất bất ngờ khi cả hai vợ chồng phản ứng rất dữ dội trước lời khuyên: đưa con đi xét nghiệm HIV. Cả hai vợ chồng sản phụ Th. đều khăng khăng mình không bị HIV. Sau một hồi, BS. Ny quyết định cấp thêm 1 tháng sữa cho bé và khuyên: “Chị đừng cho bé bú sữa mẹ. Chị suy nghĩ lại, khi nào muốn lên thử thì cho trạm y tế và chúng tôi biết...”. Lúc này, hai vợ chồng mới chịu nguôi. “Trên đường về, lội giữa cánh đồng mà trong lòng vẫn lo lắng, sợ ông chồng nổi nóng đuổi theo thì không biết chạy đâu giữa cánh đồng. Cắn rứt lắm, vì mình đã không làm cho người ta hiểu, chấp nhận sự thật và chấp nhận điều trị”, BS. Ny bùi ngùi.

Niềm vui nhân lên khi trẻ khoẻ mạnh từng ngày

Trần Thị Ny tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2006. Ngay sau khi ra trường, chị vào làm tại Bệnh viện đa khoa Thanh Bình, Đồng Tháp. Đến năm 2009, chị xin chuyển về Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Tháp và là bác sĩ điều trị Phòng khám ngoại trú nhi đến nay. Có mấy ai làm bác sĩ mà lại xin được chuyển công tác về điều trị cho người nhiễm HIV như chị! Với chị, thấy bọn trẻ khôn lớn, khoẻ mạnh lên từng ngày là niềm hạnh phúc lớn.

“...Tôi không bao giờ quên thằng bé ở Hồng Ngự đó”, chị nhớ lại lần đầu tiên khám cho bé Phan Văn Đ. Đ. bị nhiễm HIV mà mẹ không biết. Khi thấy con bị viêm phổi uống thuốc mãi không khỏi mới đưa con đến bệnh viện và cho thử tại Phòng khám ngoại trú nhi của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Tháp. Kết quả là cháu đã bị nhiễm HIV. Ngay lập tức, bé Đ. được điều trị.

Khi đến phòng khám, Đ. mới hơn 2 tuổi. Nhìn Đ. èo ọt lắm, ngồi không  nổi, đầu thì bự, hai con mắt  lồi ra, chân tay khẳng khiu. Bé ngồi im, không tiếp xúc với người lạ… Nhưng sau khi điều trị, Đ. thay đổi từng ngày. Đ. ăn uống tốt, tăng cân, chạy nhảy, nô đùa, trò chuyện cùng các bác sĩ ở phòng khám. BS. Ny tâm sự: “Mỗi lần điều trị thấy trẻ khỏe lên, mình thấy sung sướng vô cùng. Đến bây giờ, sau 3 năm điều trị, chiều cao, cân nặng của Đ. giống như trẻ khoẻ mạnh. Bây giờ cứ mỗi lần vô trung tâm là chào hỏi, dỡ tung đồ chơi ra chơi…, phá đồ dữ lắm mấy cô…”.

Nhìn theo bé Đ. chạy chơi với bạn, BS. Ny thì thầm: “Thấy chưa, thấy chưa, con mèo ướt bây giờ trở thành hoàng tử đẹp trai rồi...”.

Ôm Đ. trong lòng, chị Bé T., mẹ của Đ. rơm rớm nước mắt: “Cô Ny như người thân trong nhà, như người mẹ thứ hai của bé vậy. Không có cô Ny, em cũng định buông xuôi, ôm con đi rồi. Nhưng cô Ny an ủi cho em thêm niềm tin, động lực nên e mới sống tới bây giờ…”.

Phải tạo niềm tin cho trẻ

“Yêu trẻ, trẻ đến nhà”, các bác sĩ ở đây cũng vậy. Với bọn trẻ, các anh chị cũng dành cho chúng đầy ắp tình yêu thương. “Mình phải tạo niềm tin cho trẻ, phải xem tâm lý của trẻ”, BS. Ny chia sẻ. “Với mỗi trẻ, chị và các anh chị ở phòng khám lại phải có cách tiếp cận riêng. Tùy trẻ lớn hay trẻ nhỏ mà có cách nói chuyện khác nhau. Mình tạo niềm tin cho trẻ thì trẻ sẽ uống thuốc. Nếu trẻ không uống thuốc cũng phải tìm hiểu vì sao trẻ lại uống trễ chứ đừng có la mắng, trẻ có thể bỏ thuốc luôn không uống nữa, nhất là đứa trẻ khoảng 15-16 tuổi. Lúc này trẻ đã có nhận thức rồi. Nhiều trẻ có tư tưởng tiêu cực nghĩ: Bệnh này rồi cũng chết thôi, bệnh không phải do mình mà do cha mẹ lây truyền cho mình… Lúc đó, trẻ dễ bỏ uống thuốc khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn”.

Có nhiều trẻ ham chơi, đua đòi, không chịu trò chuyện, thậm chí bỏ uống thuốc…, chị lại tìm cách tư vấn cho trẻ hiểu được và trẻ đã đồng ý điều trị trở lại. Với bọn trẻ, BS. Ny như người nhà vậy. Chúng luôn được ôm hôn, cưng nựng, trò chuyện, chia sẻ… vì thế mà chúng cũng trải lòng với chị nhiều hơn. Chị bảo khi tiếp xúc với trẻ thì phải nói từ xa đến gần, nếu trẻ đồng ý thì mới nói cho trẻ còn nếu không thì lại chuyển sang chuyện khác để trẻ hiểu thêm.

Cứ thế, chẳng những sức khoẻ thể chất của bọn trẻ ở đây được nâng cao mà tinh thần cũng được cải thiện  hơn và rồi sự tự kỳ thị bản thân cũng không còn nữa qua những cuộc trò chuyện của BS. Ny.

Ngoài kia, tiếng bé Đ. lanh lảnh vọng lại: “Thôi… không vô đâu, vô chích tay lấy máu đau lắm”. Hóa ra Đ. chạy ra ngoài trốn, không chịu lấy máu. Tiếng mẹ bé Đ., tiếng BS. Ny cưng nựng… Chỉ một loáng sau, bé Đ. đã tươi rói cầm một món đồ chơi rời khỏi Phòng Xét nghiệm. Ngày mai và nhiều ngày sau nữa, bé Đ. cùng với nhiều bé khác ở Phòng khám nhi này vẫn phải đối mặt với căn bệnh ác nghiệt đeo đẳng đến cuối đời. Song, có được sự sẻ chia, đồng cảm của BS. Ny và những người cùng chí hướng như chị, nỗi đau ấy dường như vơi đi ít nhiều.


Bài và ảnh: Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn