GS. Judith Ladinsky.
Thời kỳ đó, người phương Tây có mặt ở Việt Nam là chuyện hiếm, ngoài các nước Liên xô, Đông Âu, phần lớn họ đến từ Thụy Điển, Phần Lan hay Thụy Sĩ, là các nước không can dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam... Một người Hoa Kỳ xuất hiện ở Việt Nam không lâu sau khi chiến tranh kết thúc, đi lại như con thoi và đến khắp mọi miền của đất nước lại càng hiếm hơn và hẳn phải là câu chuyện lạ kỳ. Bà đến Việt Nam tất bật: rời sân bay là vội vã đến ngay các bệnh viện, cơ sở y tế để cung cấp các thiết bị y tế mà họ đang rất cần, tổ chức các cuộc trao đổi chuyên môn; rồi thoăn thoắt đi gặp quan chức các cơ quan hữu quan để tháo gỡ những khó khăn, trở ngại; rồi lại vội vã trở về Hoa Kỳ để vận động, quyên góp thêm tiền bạc, thiết bị y tế dành cho Việt Nam. Dần dà, bà tổ chức các đoàn bác sĩ Hoa Kỳ thuộc nhiều chuyên khoa đi Việt Nam và tổ chức các đoàn bác sĩ, nhân viên y tế Việt Nam đi Hoa Kỳ thực tập. Cả hai phía đều chưa hiểu đúng về bà, đó là điều không tránh khỏi vào thời khắc hai bên vẫn còn coi nhau là kẻ thù. Bà biết rất rõ điều đó, song không quản ngại khó khăn, kể cả “mang tiếng” xấu, tiếp tục thầm lặng làm công việc đầy ý nghĩa lớn lao của mình.
Ngày đầu, nhiều người Việt Nam không thuộc tên bà, các bác sĩ, nhân viên y tế, cho đến các cán bộ Nhà nước đều gọi bà là “bà Mỹ”. Những bệnh nhân may mắn được tái sinh nhờ sự trợ giúp của bà thì trìu mến gọi bà là “mẹ Mỹ”. Bà rất vui và quên đi mọi ưu phiền. Có lần bà hài hước kể bằng tiếng Việt không dấu: Đơn giản người ta gọi tôi là “bà Béo”. Bà là GS. Judith Ladinsky thuộc Đại học Wisconsin - Madison, nguyên Giám đốc Tiểu ban Khoa học y tế của Ủy ban Hợp tác khoa học với Việt Nam. Bà là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, là một trong những người Hoa Kỳ được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam.
Noi gương bà và tiếp bước những nỗ lực của bà, vào cuối những năm 1980, khi Chính phủ hai nước chính thức thỏa thuận đáp ứng các vấn đề nhân đạo của nhau, nhiều tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đã tích cực triển khai hợp tác y tế với Việt Nam. Có thể kể đến Friendship Bridge của các bác sĩ Hoa Kỳ vốn là cựu binh cuộc chiến tranh ở Việt Nam, hay Operation Smile, Save Children cùng rất nhiều tổ chức và cá nhân khác.
Câu chuyện cảm động về bà Ladinsky đã nói lên nhiều điều. Thứ nhất, quan hệ giữa hai nước chúng ta đã có một quá khứ đắng cay và đầy khó khăn trở lực, song điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận làm con tin hay tù nhân của quá khứ. Với trí tuệ thông thái và trái tim nhân hậu, bà Ladinsky đã can đảm vượt qua những mặc cảm của quá khứ, tìm ra một con đường góp phần đưa hai dân tộc xích lại gần nhau từ hợp tác y tế - dù con đường đó lúc đầu rất nhiều chông gai.
Như vậy, chính hợp tác y tế đã đi tiên phong, đặt những nhịp cầu đầu tiên cho quan hệ hữu nghị, hợp tác thời kỳ mới giữa hai dân tộc chúng ta. Thứ hai, hợp tác y tế không chỉ chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trong hoàn cảnh đặc thù của lịch sử quan hệ hai nước, nó còn có ý nghĩa chính trị, góp phần hàn gắn những vết thương trong lòng hai dân tộc, xóa đi nghi kỵ và xây dựng lòng tin, điều kiện không thể thiếu cho mối quan hệ lâu dài, ổn định và cùng có lợi cho tương lai. Thứ ba, với những ý nghĩa lớn lao đó, hợp tác y tế tiếp tục tạo động lực cho hợp tác chung giữa hai nước trong nhiều thập kỷ tới.