Sau một ngày công bố mẫu thiết kế đồng phục mới của tổ bay gồm phi công và tiếp viên, Vietnam Airlines nhận được nhiều luồng ý kiến khen - chê khác nhau, thậm chí những góp ý trở thành cuộc tranh cãi trên truyền thông.
Người khen cho rằng áo dài mới của tiếp viên thể hiện tính năng động khi chiếc quần được thu hẹp ống, tà áo được thiết kế ngắn hơn, màu sắc nhã nhặn. Còn người chê thì cho rằng màu áo nhợt nhạt, dáng áo cứng, cách tân làm mất dáng vẻ của áo dài truyền thống...
Lên tiếng về việc này, đại diện Vietnam Airlines cho biết yêu cầu đặt ra với bộ trang phục mới là phải kế thừa ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của bộ đồng phục hiện tại. Cụ thể, Kiểu dáng thiết kế phải cách điệu hiện đại, mang tính công nghiệp mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của áo dài Việt Nam. Màu sắc phải thống nhất tổng thể màu sắc trong khoang máy bay; phân biệt giữa tiếp viên trưởng và tiếp viên thường, có sự liên kết màu sắc giữa tiếp viên nam và nữ (tiếp viên nam có màu áo gile và cà vạt cùng màu với màu áo dài của tiếp viên nữ).
Về hoạ tiết, phải có sự liên kết với yếu tố nhận diện thương hiệu mới, đưa hình ảnh hoa sen cách điệu vào trong trang phục áo dài. Đặc biệt, về công năng sử dụng phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn trên máy bay (không dễ bắt lửa; chống nóng, chống tĩnh điện, chống lạnh; dễ dàng di chuyển) và tạo cảm giác thoải mái khi làm việc trong thời gian dài.
Từ yêu cầu của doanh nghiệp, Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh Minh Hạnh đã đưa ra mẫu sản phẩm này. NTK cho biết đây là chiếc áo dài dành cho một hãng hàng không quốc gia nên việc thể hiện bản sắc mang dấu ấn thời đại là điều phải thể hiện cao nhất. Dấu ấn thời đại được hiểu theo tinh thần của một sản phẩm công nghiệp và được thực hiện bằng quy trình công nghệ khoa học tiên tiến. Chiếc áo dài vẫn giữ đúng tinh thần vốn có, đó chính là sự kín đáo nền nã, nhẹ nhàng thanh lịch và vẫn rất gợi cảm.
Tuy nhiên, áo dài đồng phục hàng không vẫn là chiếc áo bảo hộ lao động dịch vụ cao cấp và phải phục vụ hiệu quả cho công việc, không phải là một chiếc áo của một ngành khác, lại càng không phải là một chiếc áo dài dự tiệc hay dạo chơi hay biểu diễn trên sân khấu.
"Khi thiết kế áo dài đồng phục cho một ngành nghề, chúng ta cần hiểu rõ bản chất và những đòi hỏi khắc nghiệt của nghề ấy. Khái niệm về Đẹp là một khái niệm mang tính cá nhân và cá nhân đó cũng thể hiện rõ nét về trình độ, gout thẩm mỹ khi nhìn nhận về một cái đẹp nào đó" - NTK Minh Hạnh nói.
NTK cũng cho biết trước đây, chính bộ đồng phục hiện tại là áo dài đỏ cũng bị chê. Nhiều ý kiến cho rằng phải là váy và veston thì mới hiện đại. Thế nhưng sau đó không lâu, những cơ quan đoàn thể khắp nơi trên toàn quốc đều sử dụng kiểu dáng này, màu đỏ này kể cả những đường viền vàng. Một bộ đồng phục mà phải sử dụng gần 15 năm là điều thật khó tưởng nếu chúng ta mong muốn thay đổi.
NTK Minh Hạnh tâm đắc cho rằng thiết kế đồng phục mới lần này đã tạo ra được chất liệu độc quyền bằng những dấu ấn riêng của Vietnam Airlines để không bị copy như với chiếc áo dài đỏ. Cụ thể, không chỉ chất liệu áo dài có dệt nổi hoa sen mà ngay cả sơ mi trắng của nam phi công và tiếp viên cũng có logo hoa sen dệt chìm. Những chi tiết cổ và tay áo được cách điệu mạnh hơn tạo đường nét của đôi cánh tự do nhấn mạnh chữ V với ý nghĩa chữ Việt. Màu sắc của hạng C ( thương gia) và Y (hạng phổ thông) dựa vào màu sắc của nội thất được định hình bằng quan điểm màu vàng của đất và màu xanh của bầu trời hy vọng.
Đặc biệt, các nhà cung cấp của Việt Nam đã hoàn toàn chủ động để có thể tự hào về bộ đồng phục "Made in Vietnam" này. Áo sơ mi được may bởi May Đức Giang, veston của May 10, áo dài cũng được may theo size trên dây chuyền công nghệ may áo dài của May Tiền Tiến, không phải may đo như trước. Những yếu tố đó đã đáp ứng được tiêu chuẩn của một bộ đồng phục cao cấp.
Cả Vietnam Airlines và NTK Minh Hạnh đều cho rằng việc góp ý của hành khách và dư luận qua báo chí là điều cần lắng nghe và chọn lọc. Hết tháng 3, thiết kế sẽ được hoàn chỉnh để dự kiến đưa vào áp dụng chính thức trong tháng 6 - thời điểm hãng chính thức khai thác loại máy bay thân rộng thế hệ mới Airbus 350 và Boeing 787-9.
Tô Hà