NSƯT Văn Vượng: Tiếng đàn vượt lên số phận

08-12-2016 18:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi biết NSƯT Văn Vượng từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy làm bộ phim nổi tiếng Hà Nội trong mắt ai.

Tôi biết NSƯT Văn Vượng từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi  đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy làm bộ phim nổi tiếng Hà Nội trong mắt ai. Anh Thủy đã tinh tế, rất nhân văn, chọn chân dung nhạc sĩ ghi- ta khiếm thị Văn Vượng cùng tiếng đàn của anh thánh thót bản nhạc quen thuộc Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, mở đầu và kết thúc cho bộ phim đã làm lay động đến hàng triệu trái tim người xem.

Văn Vượng, quê gốc Hải Dương, sinh năm 1942 - tuổi Ngọ, trong một gia đình chẳng ai dính dáng đến nghệ thuật. Bước sang tuổi 26, anh mới đặt chân lên Hà Nội, nhưng ngay từ phút giây ban đầu, anh đã bị “tiếng sét ái tình”, làm cho anh “cảm Hà Nội”. Mặc dầu Hà Nội lúc đó vào năm 1968, đang chìm ngập trong khói lửa bom đạn chiến tranh. Chàng trai trẻ, “khi hai mắt không nhìn được, tôi nhìn bằng tai, bằng cảm xúc và trái tim” đã nhìn thấy và nghĩ rằng Hà Nội có chiến tranh, dù An Dương, Gia Lâm, Đức Giang, Phố Huế... đổ nát, thì sau những trận bom vẫn là bình yên và đáng yêu. “Tiếng hát át tiếng bom” là vì thế. Hà Nội đã cho Văn Vượng đất dụng võ. Anh cần phải “sống mãi với Thủ đô” để tri ân mảnh đất này.NSƯT Văn Vượng và cố nhạc sĩ Văn Cao.

NSƯT Văn Vượng và cố nhạc sĩ Văn Cao.

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội nhận xét: “Nghệ sĩ Văn Vượng là một trong những cây ghi-ta số một của Hà Nội. Mặc dù số phận không may mắn, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, lòng yêu người, yêu đời sâu đậm, ông đã thành danh với tư cách một nhạc sĩ dân gian gắn bó với Hà Nội từ hơn 40 năm nay”. Văn Vượng có công chuyển soạn hàng trăm ca khúc, nhạc phẩm ở nhiều thể loại thành tác phẩm dành cho ghi-ta, trình diễn rất thành công. Văn Vượng đã có hơn 8.000 buổi biểu diễn phục vụ công chúng Thủ đô, thu 7 đĩa CD các tác phẩm chọn lọc.

Một tiếng đàn khát vọng, là hợp tuyển của Văn Vượng giới thiệu nhiều ca khúc trữ tình cách mạng “đi cùng năm tháng” của nhiều tác giả, do chính Văn Vượng chuyển thể và thể hiện trên cây đàn ghi-ta: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du); Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân); Mùa xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng)... Tiếng đàn mê hoặc của Văn Vượng khiến người nghe rưng rưng nhớ về “Thời hoa đỏ” máu lửa hào hùng chưa xa. Và cảm nhận sâu sắc tâm hồn người nhạc sĩ với nỗi khát khao lớn vượt qua số phận. “Người ta chỉ sống có một lần, phải sống làm sao cho khỏi xót xa ân hận bởi năm tháng đã sống hoài, sống phí...”. Văn Vượng bảo, anh rất thích câu nói này của của Pavel Corsaghin - nhân vật chính trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn hỏng cả đôi mắt mà anh mến mộ như một thần tượng - N.A.Ostrovsky, cuốn tiểu thuyết “gối đầu giường” của thế hệ ông.

Trả nghĩa với Hà Nội, lần đầu tiên anh tổ chức đêm ghi-ta riêng lấy chủ đề Mùa thu Hà Nội với nhiều tác phẩm nổi tiếng của tác giả trong và ngoài nước: Ru con (Braman); Sóng sông Đanube (Ivanovic); Sibone (nhạc Cuba); Sernade (SuBe); Mưa trong lòng tôi (Pháp); Suối mơ - Đàn chim Việt - Trường ca sông Lô (Văn Cao); Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)... NSƯT Văn Vượng cho biết, tổ chức đêm nhạc nhằm hai mục đích “quyên tiền giúp đỡ người kém may mắn hơn mình, có thêm kinh phí đi nước ngoài chữa mắt”. Văn Vượng đã bước sang “tuổi xưa nay hiếm”, ông chỉ còn  một nguyện vọng được một lần nhìn thấy đất nước quê hương mà ông yêu đến cháy lòng. Ông tâm sự: “Kể cả ngày mai tôi ra đi, thì hôm nay vẫn muốn cứu lấy đôi mắt để được nhìn thấy Tổ quốc một lần trước khi nhắm mắt”. Đồng hành với đêm diễn còn có giọng ca của NSND Thanh Hoa, Huy Khôi, Bảo Thắng. Ba ca sĩ này thể hiện lần đầu tiên bốn ca khúc do chính Văn Vượng sáng tác: Hà Nội trong mắt ai; Tình yêu Hà Nội; Tạm biệt Đồ Sơn; Hãy quên đi đừng khóc nữa.NSƯT Văn Vượng

Như người ta thường nói “đằng sau thành công của người đàn ông, bao giờ cũng có bóng dáng một người phụ nữ”. Đối với người nghệ sĩ như Văn Vượng lại càng đúng. Nhớ ngày Văn Vượng còn ở 51 phố Hàng Giấy, tôi ở 53 Hàng Ngang, sáng nào, dù đẹp trời hay xấu trời, người phố cổ Hàng Ngang chúng tôi cũng bắt gặp Văn Vượng đeo cây đàn ghi-ta sau lưng, tay phải tin cẩn đặt lên bờ vai một phụ nữ trẻ, xinh đẹp, người bạn đời của anh, kém anh dễ thường đến 20 tuổi. Chị như đôi mắt của anh, chỗ dựa vững chãi cả về tinh thần lẫn vật chất, dắt anh đi mọi nẻo đường đời chông gai nhưng cũng ngập đầy hạnh phúc. Để “đến với một tình yêu”, rồi tiến tới hôn nhân, họ đã phải đối điện với mọi định kiến khắc nghiệt, vượt qua cả rào cản của chính mình. Cô sinh viên y khoa 23 tuổi Bùi Thị Minh Nguyệt đầu tiên đến thụ giáo thầy Văn Vượng với tư cách  là cô học trò.  Tiếng đàn của ngọt ngào của thầy đã làm cho trái tim cô xao xuyến, cô yêu thầy lúc nào cũng không biết. Một lần Văn Vượng bất ngờ nghe cô thổ lộ: “Trong nhà đã có người đánh đàn hay như anh, thì cần gì người biết đàn nữa”. Nhưng khi Văn Vượng ngỏ lời, lại nhận ở cô sự im lặng. Văn Vượng bỗng thấy cả thế giới là một bóng tối, một hành tinh im lặng không có ánh sáng. Văn Vượng đâu có biết, trong thời gian im lặng đó người con gái kiên trinh kiên quyết chống lại định kiến của gia đình, người thân. Cô thuyết phục cha mẹ để đi theo tiếng gọi của tình yêu... Cuối cùng thì tình yêu của họ cũng đi đến hồi kết có hậu. Một đám cưới đông vui theo đời sống mới được tổ chức, hai năm sau đơm hoa kết trái, cháu Vũ Hữu Linh ra đời, cha mẹ cho học pianô từ nhỏ, hiện chơi rất “lên tay”. Cả ba con người ấy sống hạnh phúc dưới một mái nhà theo triết lý “Ba người vì một người và ngược lại”.


Lê Sỹ Tứ
Ý kiến của bạn