NSƯT Tiến Hợi và dấu ấn hai vai diễn về Bác Hồ

10-02-2022 14:38 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - NSƯT Tiến Hợi, người đóng vai Bác Hồ nhiều nhất, thành công nhất trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh đã mãi mãi ra đi vào sáng sớm 10/2/2022.

NSƯT Tiến Hợi, người hơn 40 lần đóng vai Bác Hồ qua đờiNSƯT Tiến Hợi, người hơn 40 lần đóng vai Bác Hồ qua đời

SKĐS- NSƯT Tiến Hợi, người đã có thâm niên 34 năm đóng vai Bác Hồ, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 63 lúc 4h sáng nay, 10/2/2022.

NSƯT Tiến Hợi đã qua đời, hưởng thọ 63 tuổi sau thời gian chống chọi với bạo bệnh. Dù đã ở cõi khác nhưng các vai diễn về Người do NSƯT Tiến Hợi thể hiện sẽ còn được nhớ mãi.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, NSƯT Tiến Hợi là một trong những diễn viên hiếm hoi thể hiện tốt nhất hình tượng Bác Hồ. Ông có ngoại hình giống, hai là giọng nói cũng giống hệt, ba là ông tham gia rất nhiều vai diễn về Bác Hồ từ điện ảnh, truyền hình, sân khấu, sự kiện. Cũng theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, kế hoạch cùng NSƯT Tiến Hợi tham gia chương trình ngày 7/5/2022 Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người con của làng do ông làm đạo diễn đã không trở thành hiện thực.
NSƯT Tiến Hợi và dấu ấn hai vai diễn về Bác - Ảnh 2.

NSƯT Tiến Hợi vừa qua đời sáng 10/2/2022, hưởng thọ 63 tuổi.

Từ vai diễn Bác Hồ đầu tiên trên sân khấu kịch của NSƯT Tiến Hợi...

Sinh thời, NSƯT Tiến Hợi từng chia sẻ về việc đóng vai Bác Hồ, lần thử sức đầu tiên vào vai vị cha già dân tộc là vở kịch Đêm trắng của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 (Tác giả Lưu Quang Hà; Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang).

NSƯT Tiến Hợi cho biết, thời điểm đó ông mới 28 tuổi, trong khi việc lựa chọn diễn viên để thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch Đêm trắng là vấn đề rất lớn và khó. Đoàn đã có ý định mời một số diễn viên có thâm niên đã từng đóng vai Bác trong nhiều vở diễn khác để thể hiện trong vở kịch này.

NSƯT Tiến Hợi và dấu ấn hai vai diễn về Bác - Ảnh 4.

Hình ảnh NSƯT Tiến Hợi trong vở diễn dân ca kịch "Dâng Người câu hát quê hương".

Thời điểm diễn vở Đêm trắng, đặc thù của đoàn là đi diễn ở các nơi vùng núi phía Bắc, phục vụ các chiến sĩ rất vất vả, nếu thuê thì cũng rất khó khăn. Đạo diễn đã chọn ra hai người trong đoàn để thử hóa trang, trong đó có Tiến Hợi. Khi chụp ảnh gửi về đoàn, được mọi người đánh giá cao, từ khuôn mặt, ánh mắt, phom dáng giống y hệt Bác, nên Tiến Hợi đã được chọn.

NSƯT Tiến Hợi từng cho biết, hình tượng về Bác trong Đêm trắng là một vai khó bởi phải thể hiện với nhiều trạng thái. Đây là vở kịch đầu tiên đề cập đề tài chống tiêu cực, biển thủ công quỹ của nhà nước. Nhân vật xuất hiện rất nhiều từ đầu đến cuối, có những phân đoạn gai góc, Bác Hồ thể hiện những lời nói mạnh, thể hiện sự bực tức mãnh liệt khiến Tiến Hợi lúc đó rất lo lắng.

"Để thể hiện vấn đề này, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, hỏi đạo diễn, tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, gặp bác Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ kể về Bác… Sau những lần gặp gỡ, trao đổi, tôi đã áp dụng đưa lên sân khấu sao cho nhuần nhuyễn, ngọt ngào để khán giả cảm nhận được đó chính là Hồ Chủ tịch", NSƯT Tiến Hợi từng chia sẻ.

NSƯT Tiến Hợi và dấu ấn hai vai diễn về Bác - Ảnh 5.

NSƯT Tiến Hợi nhận hoa chúc mừng của khán giả trong một lần thể hiện lại vai diễn Bác Hồ của vở Đêm trắng.

Quan điểm của tôi, muốn thể hiện tốt vai diễn về Bác Hồ, ngoài việc hóa trang thành công thì phải có dáng dấp toát lên thần thái của Bác. Thứ hai, giọng nói phải giống Bác để khán giả xem mới cảm thấy đấy là Bác Hồ. Quá trình tập vở diễn Đêm trắng, sáng tôi lên sàn tập với anh em, chiều tôi xem phim tư liệu, tối nghe băng. Cứ liên tục như vậy khoảng hai tháng rưỡi, tôi không bao giờ rời khỏi hình ảnh của Bác, cũng như giọng nói của Bác vẫn luôn văng vẳng trong tôi", NSƯT Tiến Hợi từng chia sẻ.

Sau thành công ở vở Đêm trắng, NSƯT Tiến Hợi tiếp tục được lựa chọn và thể hiện xuất sắc vai Bác Hồ trong vở Xin lĩnh án tử hình. Vai diễn lãnh tụ Hồ Chí Minh trong vở diễn này giúp NSƯT Tiến Hợi được trao Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc.

Đến dấu ấn NSƯT Tiến Hợi trong Hà Nội mùa đông năm 1946

Đặc biệt, NSƯT Nguyễn Tiến Hợi đã được tin tưởng lựa chọn đóng vai Hồ Chủ tịch trong phim Hà Nội mùa đông năm 1946 do NSND Đặng Nhật Minh làm đạo diễn.

NSƯT Tiến Hợi và dấu ấn hai vai diễn về Bác - Ảnh 6.

NSƯT Nguyễn Tiến Hợi trong vai Hồ Chủ tịch phim Hà Nội mùa đông năm 1946.

Theo chia sẻ của NSND Đặng Nhật Minh, lúc đầu diễn viên đóng vai Bác Hồ trong phim này là một người khác vốn có vầng trán cao, phong thái đĩnh đạc. Hóa trang thì thấy giống Bác. Nhưng đến ngày bắt đầu quay thì đêm trước anh này đi cắt tóc. "Nhìn cái đầu cắt cao vống lên hai bên thái dương và sau gáy, tôi không còn nhận ra nhân vật của mình nữa. Hóa trang Phan Đình Sáu lôi ra một bộ tóc giả đã được chuẩn bị sẵn, trùm lên. Tôi thất vọng đến tột độ và quyết định thay người khác", NSND Đặng Nhật Minh nhớ lại.

Sau đó, đạo diễn phim Hà Nội mùa đông năm 1946 nghĩ đến Tiến Hợi. Có người cho biết Tiến Hợi đang theo Đoàn kịch Hà Nội vào TP.HCM biểu diễn. Đạo diễn Đặng Nhật Minh yêu cầu chủ nhiệm liên lạc thử. May sao đúng lúc Tiến Hợi đã ra Hà Nội. Vị đạo diễn đưa Tiến Hợi về nhà lấy băng dính màu da người cắt cắt, dán dán, từ từ mở rộng trán của nam diễn viên ra xem có giống không. "Tôi vui mừng nhận ra rằng nếu cạo bớt tóc phía trước, vén trán của Hợi lên thì rất giống".

NSND Đặng Nhật Minh hồi tưởng: "Tôi gọi hóa trang đến yêu cầu gọt tóc đúng chỗ tôi đã dán băng dính. Hôm quay cảnh đầu tiên có Tiến Hợi trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tôi hô tắt máy, bỗng có tiếng vỗ tay rào rào. Tôi quay lại, thấy tất cả anh em trong đoàn phim ai nấy đều hân hoan. Thì ra cả đoàn phim đều hồi hộp theo dõi việc chọn người đóng vai Bác Hồ. Đó là những tràng vỗ tay đầu tiên dành cho bộ phim. Nó làm tôi thấy vững tâm. Đúng là số trời đã định: vai Hồ Chủ tịch phải do Tiến Hợi đảm nhiệm. Không thể có ai khác".

NSƯT Tiến Hợi và dấu ấn hai vai diễn về Bác - Ảnh 7.

NSƯT Tiến Hợi trong vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.

Theo chia sẻ của NSƯT Tiến Hợi, để thể hiện vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian năm 1946 không dễ gì. Vào vai diễn này, NSƯT Tiến Hợi đã phải nghiên cứu các chặng đường hoạt động của Bác, những giai đoạn lịch sử từ năm 1945-1948, giai đoạn Bác hoạt động Cách mạng trên chiến khu Việt Bắc.

Cốt lõi là NSƯT Tiến Hợi tìm lối diễn để thể hiện được thần thái của Bác. Toát lên thần thái với một vai lãnh tụ thì còn khó gấp bội với các vai diễn khác. Với sự nỗ lực và nhập vai, NSƯT Tiến Hợi đã lột tả được sự kiên định, sáng suốt và đầy quyết đoán của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong phim Hà Nội mùa đông năm 1946.

"Nhờ sự đóng góp của Tiến Hợi, bộ phim được đánh giá cao. Có lẽ, một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của Hà Nội mùa đông năm 1946 là đóng góp của Tiến Hợi. Anh diễn chân thật và quan trọng là giống nhất trong cả ngoại hình lẫn tiếng nói", NSND Đặng Nhật Minh đánh giá.

Sự tham gia diễn xuất của NSƯT Tiến Hợi vai Hồ Chủ tịch đã góp phần đem đến thành công cho Hà Nội mùa đông năm 1946 với Giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam XII. Bộ phim thuộc số rất ít phim chiến tranh Cách mạng đạt doanh thu đáng kể cả trong và ngoài Việt Nam. Tính đến thời năm 2020, đây vẫn là phim truyện duy nhất khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh được chiếu ngoài lãnh thổ Việt Nam ngay từ lúc ra mắt (1997).

Con gái viết sách về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân Con gái viết sách về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân

SKĐS - Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau, cuốn sách được con gái ông- Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh chấp bút và biên soạn, vừa ra mắt dịp đầu xuân Nhâm Dần.

Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn