NSƯT Quang Thắng từng bị dọa cắt mũi vì lỡ lời nói xấu Chợ Sắt

18-07-2021 12:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi sểnh lời “Chợ Sắt bán linh tinh toàn hàng lởm”. Thế là khi đó, nhiều người dân ở Chợ Sắt mới bảo tôi nếu về đấy thì “sẽ cắt mũi mày”.

NSƯT Quang Thắng chia sẻ trong chương trình Quán thanh xuân tháng 7, chủ đề Thành phố những cánh buồm.

Chương trình được phát sóng vào 20h40 ngày 18/7/2021 trên kênh VTV1, với sự tham gia của các nghệ sĩ được sinh ra từ  “thành phố hoa phượng đỏ”, gồm nhạc sĩ Thụy Kha, nhạc sĩ Duy Thái, họa sĩ Đặng Tiến, NSƯT Quang Thắng, ca sĩ Phạm Thu Hà... Và một người tuy không phải gốc Hải Phòng nhưng công việc và đam mê gắn liền với thành phố này là kiến trúc sư Nguyễn Tuân. Tại chương trình lần này, các nghệ sĩ đem đến cho khán giả những câu chuyện về người và đất Hải Phòng, nhớ về một thành phố mà mỗi kỷ niệm như một cánh buồm xanh trong thành phố.

MC Diễm Quỳnh cùng các khách mời của Quán thanh xuân tháng 7

NSƯT Quang Thắng chia sẻ, đã có người nghiên cứu luận văn về người Hải Phòng. Kỷ niệm về Hải Phòng nhiều, nhưng nam nghệ sĩ nhớ nhất với Cầu Sắt.


“Có lần quay về chương trình Gặp nhau cuối năm, đạo diễn Đỗ Thanh Hải bảo tôi là hãy hát một bài về Hải Phòng, thế là tôi sểnh lời “Chợ Sắt bán linh tinh toàn hàng lởm”. Sau đó, nhiều người dân ở Chợ Sắt mới bảo tôi nếu về đấy thì “bọn tao sẽ cắt mũi mày”. Tôi xin lỗi thì người ta cũng không cho. Hai, ba năm sau làm lại một chương trình khác, thế là tôi hát “Chợ Sắt bán linh tinh toàn hàng đẹp” nhưng người ta vẫn không tha thứ” - NSƯT Quang Thắng hài hước chia sẻ.

Nam nghệ sĩ cho biết thêm, Hải Phòng có nhiều đường cong, khi sang Pháp anh cũng thấy nhiều con đường như thế. Còn sông Tam Bạc cũng là nơi hẹn hò của bao đôi trai gái.

Nhạc sĩ Thụy Kha, quê ở Vĩnh Bảo, vùng đất của Trạng Trình. Cách đây 1 thế kỷ, Hải Phòng là nơi giao thương duy nhất của Việt Nam. Có lẽ Hải Phòng là nơi đầu tiên tiếp xúc với âm nhạc thế giới thông qua những đoàn thủy thủ. Vì thế cho nên, Hải Phòng dường như là ngọn nguồn của âm nhạc của Việt Nam.

Người tạo nên không khí âm nhạc của Hải Phòng là Lê Thương. Ông là thầy giáo, thấy các học sinh của mình rất yêu âm nhạc nên thành lập nhóm người yêu nhạc. Người giúp ông lãnh đạo nhóm nhạc này là nhạc sĩ Hoàng Quý – anh trai của nhạc sĩ Tô Vũ. Nhạc sĩ Tô Vũ cũng là tác giả của ca khúc nổi tiếng Anh đến bên em một chiều mưa.

Hải Phòng là nơi của những người thơ vĩ đại, có Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, sau đến Đào Trọng Khánh… Người khởi phát nên tiểu thuyết Việt Nam chính là Hoàng Ngọc Phách với tác phẩm Tố tâm. Học trò của ông là Thế Lữ, Lan Sơn, Lê Đại Thanh…, kịch có Vi Huyền Đắc, Nguyễn Huy Tưởng, văn xuôi có Nguyên Hồng. Trên cái nền như thế, âm nhạc xuất hiện với những Hoàng Quý, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Đoàn Chuẩn. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là người tiếp thu được nhạc Blue từ các thủy thủ nước ngoài. Chính vì thế, nhạc của Đoàn Chuẩn lướt trên những cung, quãng rất dài.

Theo nhạc sĩ Thụy Kha, kịch nói ở Hải Phòng cũng phát triển sớm, đó là vở Kim tiền của soạn giả Vi Huyền Đắc. Sau đó có Nguyễn Huy Tưởng với tác phẩm kịch nổi tiếng Vũ Như Tô. "Bởi vậy cạnh âm nhạc, Hải Phòng còn phát triển cả về sân khấu kịch không chỉ thời tiền chiến, nở rộ nhất thời chống Mỹ" - nhạc sĩ Thụy Kha chia sẻ thêm.


Họa sĩ Đặng Tiến, tác giả của những bức tranh bến Tam Bạc, Sông Cấm thì cho biết, nhắc đến Hải Phòng thì người ta hay nhớ đến các bến cảng. Hải Phòng trong ký ức từ bé của Đặng Tiến có hình ảnh lam lũ của người lao động. “Tôi nghĩ mảnh đất này có rất nhiều chất liệu để các văn nghệ sĩ đưa vào tác phẩm của mình”.


KTS Nguyễn Tuân lại bàn về những công trình kiến trúc, con người Hải Phòng từ những gì mà anh thấy, nghiên cứu. Trong một thế kỷ, người ngụ cư về Hải Phòng rất lớn. Điều đó đem đến sự đa dạng tính cách kết hợp với sự cởi mở của những cảng biển, tạo nên tính cách rất đặc trưng của người Hải Phòng. Người Hải Phòng làm kinh tế rất giỏi, cùng đó là sự bao dung, quyết đoán.

KTS Nguyễn Tuân cho biết thêm, Nhà hát Lớn Hải Phòng được người Pháp xây như là một hòn ngọc nằm giữa thành phố, đến nay đã được chính quyền địa phương xếp hạng di tích lịch sử. Điều đó cho thấy sự trân trọng, nâng niu những giá trị di sản ở mảnh đất này.

Nhạc sĩ Duy Thái trước kia vốn là diễn viên kịch, lại cho rằng, Hải Phòng phố thì cong, con người thì thẳng. Tính cách con người Hải Phòng rất thẳng thắn, mộc mạc. Nhà anh ngay sông Tam Bạc, ngày xưa sầm uất lắm, sau này mai một. Gần đây có phục hồi lại nhưng không còn như trước cảnh thuyền tàu qua lại nữa. “Tôi yêu dòng sông, mảnh đất ấy và tôi sẽ sống mãi với nó” – anh nói.

Nghệ sĩ Quang Thắng : Tôi quen nhạc sĩ Duy Thái từ ngày chập chững về đoàn kịch Hải Phòng, có bài hát nào mới sáng tác thì anh đều lôi tôi ra hát cho nghe như Lời của gió, Tìm tên em trên bờ cát, Con chim trong lồng… Nhạc sĩ này rất giỏi về chuyện tình yêu, họ đưa những chuyện tình vào âm nhạc nên…tán gái rất dễ. Quang Thắng giữ nguyên chất hài khi đến với Quán thanh xuân, khiến không khí trường quay càng thêm rộn ràng. 


Xuất hiện trong chương trình, ca sĩ Phạm Thu Hà tự nhận ở trên sân khấu vì nhiều lý do không thể gần khán giả. Nhưng ở ngoài chị rất thân thiện, hòa đồng và vui tính. Con gái Hải Phòng yêu hết mình, không nghĩ cho bản thân một chút nào hết.

Thời đi học cũng mặc áo dài trắng mỗi đầu tuần, hái phượng trộm, rồi buộc áo đá cầu cùng các bạn. Sau 22 năm không còn ở Hải Phòng thì cô vẫn giữ cốt cách của con người Hải Phòng, đó là sự chân thành, thẳng thắn và rất nhiều khí chất ngông (cười).  Trong chương trình, cô hát ca khúc Bến cảng quê hương tôi, một sáng tác của nhạc sĩ Hồ Bắc.

Ngoài ra, chương trình còn có các tiết mục nghệ thuật đặc sắc khác.

Chuyển bến (Sáng tác: Đoàn Chuẩn - Từ Linh) do NSUT Đức Long thể hiện

Em đến thăm anh một chiều mưa (Sáng tác: Tô Vũ) qua tiếng hát NSƯT Mai Hoa

Thành phố hoa phượng đỏ (Sáng tác: Lương Vĩnh - Thơ: Hải Như) qua giọng hát Trọng Tấn 

Tìm tên anh trên bờ cát (Sáng tác:  Duy Thái), Biểu diễn : Thuỳ Dung


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn