NSƯT Như Bình người suốt đời đi tìm vẻ đẹp

15-07-2018 10:07 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Buổi diễn ra mắt Huyền thoại thác Yang Bay kết thúc trong tiếng vỗ tay khen ngợi của khán giả, nhà biên đạo múa Như Bình đã ôm lấy các diễn viên, nghẹn ngào: “Chúng ta vừa cùng làm rất tốt một việc tưởng không thể làm được. Tôi tự hào vì kịch múa này từ nay trở thành một phần của Du lịch Yang Bay - Khatoco Khánh Hòa”...

Rồi Như Bình bật khóc. Đó là tiếng khóc và những giọt nước mắt hạnh phúc của sự thành công trong vở diễn mà người biên đạo có được, dù ông đang ở tuổi thất thập... Huyền thoại thác Yang Bay là một câu chuyện cổ của dân tộc RakLay cực Nam Trung Bộ, từng được in sách nhưng ngành du lịch Khánh Hòa muốn huyền thoại này được kể lại bằng hình thể, liền viết công văn ra Hà Nội mời đích danh NSƯT - nhà biên đạo múa Như Bình vào làm việc và dàn dựng. Cái khó với Như Bình là trong tay anh chỉ có kịch bản nhưng không có diễn viên chuyên nghiệp. Anh chỉ có quyền chọn lựa từ CBCNV Du lịch Yang Bay và thời gian tập luyện chỉ có hai tháng..., nhưng lửa nhiệt tình đã được truyền từ nhà biên đạo tới những diễn viên không chuyên nên vở kịch múa đã thành công vang dội ngoài sự mong đợi của ngành du lịch.

Nghệ sĩ Như Bình đọc tham luận trong Hội thảo về múa balet.

Nghệ sĩ Như Bình đọc tham luận trong Hội thảo về múa balet.

Với Như Bình, có nhiều kỷ niệm tương tự. Ấy là hồi tháng 3/2000, nhân tổ chức Festival Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn ra Hà Nội yêu cầu giúp đỡ và rồi nghệ sĩ Như Bình lại phải tạm gác công việc của ông - Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam sang một bên để vào Huế gấp với tư cách chuyên gia nghệ thuật múa rồng, giúp tỉnh bạn thành lập 5 đội múa rồng và dàn dựng chương trình, góp phần thành công cho lễ khai mạc và bế mạc Festival Huế lần thứ nhất. Rồi Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ IV - 1980; rồi Tổng đạo diễn Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ nhất năm 1983,... Nếu liệt kê thì có cả một danh sách kéo dài những sự kiện như thế. Chẳng thế mà, khắp trong Nam ngoài Bắc, các ngành, các đoàn thể cứ ở đâu có tổ chức đại hội hay lễ khánh thành... người ta lại mời đích danh Như Bình giúp đỡ, không phải chỉ vì ông có tài tổ chức đạo diễn mà còn vì ở ông không hề có sự đố kỵ, ông luôn làm việc bằng tấm lòng đầy nhiệt huyết, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vì mục đích nghệ thuật cao cả. Nghệ sĩ múa Như Bình nổi lên như là một chuyên gia đạo diễn. Ông có bản thành tích từng tổ chức đạo diễn 25 lễ hội và sự kiện lớn nhỏ trên phạm vi toàn quốc. Tên tuổi đạo diễn Như Bình bay xa, vượt biên giới hàng vạn dặm. Ban tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương của cộng đồng người Việt tại CHLB Đức năm 2017 đã mời đích danh vợ chồng nghệ sĩ Như Bình - Phương Châm sang để đạo diễn chương trình, được bà con Việt kiều và Đại sứ quán nhiệt liệt ngợi khen.

Trong cặp hồ sơ lưu trữ làm kỷ niệm con đường hoạt động nghệ thuật của Như Bình, từng bản nhận xét của các cơ quan đoàn thể được xếp theo thứ tự thời gian, gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại, có chữ ký và lời đánh giá công lao của nghệ sĩ Như Bình, của các vị có tên tuổi: TS. Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, thay mặt Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ nhất - 1983; Phạm Quang Minh - Phó ban Tuyên huấn Trung ương Đoàn; Chung Á - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; Phan Phúc - Trưởng đoàn ca nhạc Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam - 1980; Đỗ Minh Tiến - Trưởng đoàn ca múa Tổng cục Chính trị QĐND; Mai Văn Muôn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT...

Có người trong giới nghệ thuật nói vui, nếu viết kịch bản quay bộ phim chân dung NSƯT Như Bình thì không thể bỏ qua một hình ảnh thời thơ ấu của anh. Ấy là năm 1953, khi cậu bé Như Bình mới tốt nghiệp cấp II phổ thông, tuổi vừa 14, được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Từ biệt quê hương Trấn Yên - Yên Bái, trèo đèo lội suối hàng trăm cây số để đến nơi tập trung với duy nhất nắm cơm độn sắn làm lương thực ăn đường. Rồi lại chuyện năm 1971, Như Bình làm đơn tình nguyện đi chiến trường miền Nam gửi Ban Thống nhất Trung ương. Trong khi chờ đợi lệnh gọi lên đường, thì đùng một cái năm 1972, anh lại được Nhà nước chọn cử đi học ở Liên Xô và anh tốt nghiệp tại Học viện Nghệ thuật sân khấu Masxcova, mang tên Lunasacski. Hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua, bây giờ Như Bình đã là một thạc sĩ nghệ thuật. Anh là một trong những thành viên góp sức xây dựng cơ sở vật chất cho Văn phòng Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, là một trong sáu người tham gia Ban trù bị thành lập Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tháng 2/1992 và hiện Như Bình đang là Phó Chủ tịch Hội. Để đến được đỉnh vinh quang của nghề nghiệp, Như Bình đã phải kinh qua giai đoạn đầu đời đầy thử thách. Ấy là những năm đầu, mang tiếng là được đích danh nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tuyển lựa vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, nhưng suốt một thời gian dài, cậu bé Như Bình chỉ được phân công làm những việc ở hậu trường như kéo màn, dọn ghế, khiêng trống, chiêng phục vụ các chiến dịch; mang vác nồi niêu xoong chảo cho đoàn; dựng rạp làm sân khấu; đào hầm cho bà con tản cư... Vào đợt biểu diễn, may mắn thì được đứng nhắc vở... Gần chục người được tuyển thời kỳ ấy - 1953, thấy không được tập văn nghệ, chỉ làm việc linh tinh thì chán nản bỏ về. Cuối cùng chỉ còn lại bốn người (sau này, hiểu ra mới biết đó chính là thử thách xem có nhiệt tình theo cách mạng thật hay không,  làm việc gì, muốn đến đích là phải theo đuổi đến cùng...). Bốn người trụ lại ngày ấy, về sau được đào tạo ở trong và ngoài nước và đều thành đạt. Ngoài Nguyễn Như Bình, Phạm Kỳ Lân, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hùng phụ trách đội múa của nhà hát, Dương Viết Bát - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch. Năm 1993, cả bốn người đều được Nhà nước phong NSƯT.

Nghệ sĩ Như Bình hướng dẫn cho học sinh Học viện Nghệ thuật múa Balet ở Matxcơva.

Nghệ sĩ Như Bình hướng dẫn cho học sinh Học viện Nghệ thuật múa Balet ở Matxcơva.

Có thể nói, Như Bình không phụ con mắt chọn lựa tinh đời của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Chỉ qua buổi tập văn nghệ và trong hàng 6 ,7 trăm học sinh cấp II ngày ấy, Như Bình trong top mấy người được lựa chọn. Và rồi, bằng sự đam mê học hỏi những người đi trước truyền dạy, anh khẳng định mình qua vai diễn ở các tiết mục múa Đôi bờ, Một ông hai bà, Thầy thầy tớ tớ, Theo cờ giải phóng của Đoàn Ca múa Trung ương. Múa đôi nam nữ Đốt pháo - (của Liên Xô) với Chu Thúy Quỳnh 1955. Múa đôi nam Trống Ba Na với Anh Nghiêm 1958. Như Bình nổi lên như một diễn viên chính ngay từ cuối thập niên 50 và bộc lộ khả năng sáng tác nên anh được chọn đi học tại Liên Xô là thế. Không uổng công 5 năm miệt mài trên giảng đường và sàn tập. Ngay khi còn đang học anh đã sáng tác điệu múa Mùa xuân bên bờ suối được dàn dựng và biểu diễn ở Liên Xô. Tốt nghiệp. trở về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, thêm nhiệm vụ là người sáng tác. Có thể thấy ở giai đoạn thập niên 80, Như Bình thành công qua những tác phẩm Đường ra tiền tuyến và đặc biệt thành công ở đại quần vũ Kỵ mã lên đường tại sân vận động Hàng Đẫy với hình ảnh Phù Đổng Thiên Vương ra roi quất ngựa sắt xông lên đánh giặc Ân, được Đài Truyền hình Hà Nội giới thiệu qua màn ảnh nhỏ. Những điệu múa do anh sáng tác như Vaxilo, Nhịp điệu tuổi trẻ được lớp thanh niên yêu thích. Ban Giám khảo cuộc Liên hoan các điệu nhảy Việt Nam chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã đánh giá Nhịp điệu Tây Bắc của NSƯT - Biên đạo - Vũ sư Như Bình là điệu nhảy được quần chúng ưa thích nhất. Tại Liên hoan các điệu nhảy Việt Nam và quốc tế, bên cạnh các giải thưởng dành cho thành tích biểu diễn, lần đầu tiên Ban tổ chức đã lập một giải đặc biệt dành cho tác giả của “Điệu nhảy Việt Nam được quần chúng yêu thích nhất”. Biên đạo Như Bình chính là tác giả duy nhất được nhận giải thưởng này với Nhịp điệu Tây Bắc. Hồi ấy, đầu thế kỷ này, qua hai cuộc liên hoan, có đến 51 trên 59 đơn vị, cá nhân sử dụng nó trong phần thi của mình, bạn trẻ ở các trường phổ thông rất thích. Họ nói rằng nhờ đó mà họ bộc lộ được tính cách của mình. Mỗi huy chương, giải thưởng có ý nghĩa riêng nhưng quả thật đây là phần thưởng vô giá đem lại cho anh niềm tự hào khi mà sáng tác của mình đạt con số kỷ lục đơn vị sử dụng, một mơ ước của người sáng tác.

Nghệ sĩ Như Bình còn là cây bút viết chân dung các nghệ sĩ múa có tên tuổi để giới thiệu trên báo với người đọc, đặc biệt là những người yêu thích nghệ thuật múa.

GS.TS.NSND. Lê Ngọc Canh - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam từng nói về nhà biên đạo, diễn viên múa Như Bình: Nghệ sĩ Như Bình thực sự là một nghệ sĩ đầy tâm huyết với nghề, với công tác hội. Như Bình là một nghệ sĩ nói, làm, viết, xả thân vì nghề, vì công việc!


Nguyễn Ngọc Phan
Ý kiến của bạn