Cùng tìm về những mảng ký ức nhuốm màu thời gian nhưng nồng đậm hương vị của cảm xúc, đó là âm hưởng chủ đạo của Quán thanh xuân - Những mùa xuân đẹp nhất - trong tối mùng 5 Tết Tân Sửu.
Các nghệ sĩ khách mời và hai MC Diễm Quỳnh, Anh Tuấn
Cảm xúc này được đến từ những câu chuyện của các khách mời là PTV, NSƯT Kim Tiến, NSND Thu Hiền, NSƯT Mỹ Uyên, Minh Vượng, NSND Minh Hòa , Ca sỹ Mỹ Linh, NSƯT Chí Trung, nhà báo Ngô Bá Lục ...
Việc trực Tết rất quan trọng. 30 năm làm việc ở VTV, tôi chưa bao giờ được ăn trọn vẹn 2 ngày Tết đầu tiên cùng với gia đình. Ví dụ năm này trực 30 Tết thì năm sau trực mùng 1.
Chuyện bếp núc, PTV kỳ cựu của VTV một thời thừa nhận "cũng kém lắm, có lẽ do công việc bận quá đi làm cả ngày nên mẹ cũng chiều, cái gì mẹ cũng nấu cho hết". NSƯT Kim Tiến cho biết thêm, "nấu cơm hàng ngày thì tôi còn làm được chứ chuyện nấu cỗ thì tôi... xin giơ tay hàng. Thời tôi làm truyền hình, bố mẹ rất thương, ngày giỗ hay Tết nhất cũng chẳng thể góp mặt. Tết đến lúc pháo nổ giao thừa chỉ muốn khóc vì lúc ấy vắng. Đấy là kỷ niệm tôi không bao giờ quên khi còn trẻ".
MC Diễm Quỳnh và NSƯT Minh Vượng, NSND Minh Hòa
Theo chia sẻ của NSND Minh Hòa, thời trẻ, Minh Vượng và Minh Hòa đi diễn từ 29 Tết ở Đà Nẵng, mà lại diễn hài. Hàng quán ngày Tết nghỉ hết, từ 29 đến mùng 4 Tết, hai chị em không có gì ăn cả mà lúc nào cũng chỉ bún cá. "Tiếp đó là đi diễn ở Buôn Mê Thuột ở vùng đồng bào dân tộc, họ không hiểu tiếng phổ thông, hai chị em diễn hài kịch tính khoảng 10 phút mà cảm giác như 10 tiếng vì ở dưới sân khấu cứ im ắng" - NSND Minh Hòa vui vẻ cho biết thêm.
NSƯT Minh Vượng tiếp lời,: "Tôi với Minh Hòa hay đi diễn tết, đi đến đâu cũng thèm hương vị ngày tết quê hương. Đi diễn ở nước ngoài, hai chúng tôi cứ nhìn nhau vì chẳng có gì ăn. Tuy nhiên, về chuyện nấu nướng, NSƯT Minh Vượng rất "tinh" vì theo chị "tôi không bao giờ nếm mà chỉ dùng đến tay, mũi và mắt. Ngửi mùi thức ăn là biết gia giảm thế nào".
Tại chương trình, NSND Thu Hiền cho biết, 10 tuổi bà vào Đoàn ca kịch Quân khu 5, được vào chiến trường năm 1967 khi 15 tuổi
NSND Thu Hiền quê cha Phú Thọ, sinh ở Thái Bình, lớn lên ở Hà Nội nhưng sống chủ yếu ở miền Trung trong những năm tháng chiến tranh, có thể nói khoai lúa của miền Trung nuôi mình, cho nên cứ hay nặng lòng với miền Trung. "Tôi nhớ lần chiến thắng ở Quảng Trị, đứng ở bên bờ sông Thạch Hãn hát sang bên kia thành cổ. Khi đó tôi hát bằng cái loa bóp, có khi bóp loa thì lại quên hát. Khi ấy có chính trị viên đứng đằng sau cứ cầm cái que ... vụt ra hiệu, thế là tôi lại bóp nhưng cũng không hát được. Bài hát gCâu hò bên bờ Hiền Lương chỉ là câu hát thầm cho nhau nghe thôi, nhưng trong hầm, địa đạo thì đều hát cho nhau nghe nhất là ở Vĩnh Linh, Vĩnh Mốc. Tết thì tôi thường ở trong Quảng Trị chứ ít khi được ra Bắc, được ngâm thơ ngay sau khi lời Bác chúc Tết" - NSND Thu Hiền tâm sự.
Ca sĩ Mỹ Linh
Tại chương trình, ca sĩ Mỹ Linh cũng tiết lộ, lần đầu tiên đến với âm nhạc là tham gia cuộc thi giọng hát hay PTTH. Theo đó, NSND Quý Dương (Bố NSƯT Chí Trung) là Ban giám khảo, Mỹ Linh hát bài Thầy cô và mái trường. Khi biểu diễn xong, nghệ sĩ Quý Dương gọi Mỹ Linh ra và bảo: Bác rất ít khi khóc, hôm nay cháu hát làm bác xúc động và rơi nước mắt đấy. Cháu nên đi theo nghề, đến 88 Hàng Buồm bác dạy hát ở đấy. Bác khẳng định là cháu nên theo nghề, vì nếu không thì đất nước sẽ mất một giọng hát rất hay đấy. Bài hát đầu tiên NSND Quý Dương dạy cho Mỹ Linh và các bạn là bài Ru con Nam Bộ.
NSƯT Mỹ Uyên (áo đỏ) tại Hội quán thanh xuân
Trong ký ức của NSƯT Mỹ Uyên, ngày xưa khi ở với bà ngoại, người dân miền Nam thường nấu bánh Ít, bánh Ú ngày Tết. Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua bộn bề công việc nên NSƯT Mỹ Uyên không có thời gian để làm những loại bánh này mà chủ yếu đi mua. "Nhưng nếu có thời gian, để gói những loại bánh này thì tôi vẫn làm được bởi những điều đó gắn với tuổi thơ của mình. Bà ngoại cũng dạy tôi nấu thịt kho tàu thế nào, như lấy cái dây chuối cột miếng thịt ba rọi lại. Khi hầm nước dừa thì còn nguyên miếng thịt, múc ra tô rồi cho hai trái trứng luộc vào để cúng tổ tiên".
Từ những năm 1990, Mỹ Uyên đã từ Tây Ninh lên TP.HCM tham dự một cuộc thi thời trang, rồi bắt đầu từ những vai kịch nhỏ Trong nhà ngoài phố cho tới giờ là "bà bầu" của sân khấu 5B, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM. NSƯT Mỹ Uyên cho biết, vai diễn đầu tiên ở Sân khấu 5B là năm 1997, được nhận một vai nặng ký sau khi mới ra trường, giới chuyên môn khen. Đó là một bước đệm tiếp tục để chị đi đến con đường sân khấu kịch hôm nay. Thời thanh xuân đam mê của Mỹ Uyên rất lớn cho nên không phân vai thì chị nhận thế vai, từ đó Mỹ Uyên trưởng thành dần. Mỗi vai diễn với chị là một bài học.
Cùng với những chia sẻ của các khách mời ở Quán thanh xuân Tết Tân Sửu còn có nhiều ca khúc đặc sắc vang lên, khơi gợi những cảm xúc với khán giả trong dịp đầu xuân năm mới. Đó là Ly rượu mừng (sáng tác: Phạm Đình Chương – Biểu diễn: Đông Hùng - Bảo Trâm); Câu hò bên bờ Hiền Lương (Sáng tác : Hoàng Hiệp – Biểu diễn : NSND Thu Hiền); Chảy đi sông ơi (Sáng tác : Phó Đức Phương – Biểu diễn: Tùng Dương); Những cô gái trên dòng sông quan họ (Sáng tác: Phó Đức Phương- Biểu diễn: Thu Hiền, Tùng Dương, Mỹ Linh, Ngô Bá Lục); Thì thầm mùa xuân (Sáng tác: Ngọc Châu – Biểu diễn: Mỹ Linh); Mơ hoa (Sáng tác: Hoàng Giác – Biểu diễn: Hồ Trung Dũng)...