Trong gần 3 tiếng đồng hồ với hơn 20 ca khúc, NSƯT Đức Long đã đưa khán giả rong ruổi, chìm đắm trong những miền âm nhạc của anh. Những miền âm nhạc thanh khiết, đẹp đẽ được cất lên bằng trái tim yêu âm nhạc trọn vẹn và chân thành.
Khán giả cũng bồi hồi như được thấy lại người nghệ sĩ mình yêu mến từ những ngày đầu tiên bước vào nghề đến nay. Từ thuở giọng hát anh vang xa trên cánh sóng đài phát thanh, cái thuở bật tivi lên là thấy Đức Long cùng gương mặt đặc trưng là rất ít khi… cười nhưng giọng hát thì lạ và dễ gây "nghiện".
Chân dung âm nhạc tự họa của NSƯT Đức Long
Cũng chính vì thế, mở đầu liveshow được bắt đầu bằng nhạc hiệu quen thuộc của đài tiếng nói Việt Nam, sân khấu được bài trí giống như hình ảnh của một chiếc tivi thời thập niên 1980. Trên hình ảnh đầy hồi ức đó, Đức Long cùng nhóm nhạc Pha Lê, nhóm nhạc mà anh đã có công dìu dắt, đã hát lên "Tiếng sóng biển" (Dương Thụ) ngợi ca vẻ đẹp của biển.
Biển là nơi Đức Long sinh ra và lớn lên, đã nuôi dưỡng con người, tâm hồn anh. Dòng hồi ức về một Đức Long thưở trai trẻ, chạm ngõ với âm nhạc chuyên nghiệp được tiếp nối qua ca khúc "Chiều Hạ Long" (Đức Minh), ca khúc anh đã giúp anh giành Huy chương Vàng Hội diễn Văn nghệ quần chúng Toàn quốc và sau đó được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp săn đón.
Đứng trước rất nhiều đoàn nghệ thuật chào mời, Đức Long cuối cùng đã "liều nhắm mắt đưa chân" theo nghệ thuật chuyên nghiệp và chọn đến với đoàn Nghệ thuật Phòng không không quân. Đức Long đã có 14 năm trong quân ngũ với hai lần chuyển đơn vị, đó là 14 năm đầy dấu ấn khi anh đã đi khắp nơi từ rừng xa, núi sâu, từ địa đầu đến hải đảo xa xôi để hát phục vụ những người lính, phục vụ nhân dân mọi miền Tổ quốc.
Đó cũng là lý do để phần hát về người lính không thể thiếu trong chương trình, và cũng không thể thiếu khi khắc họa chân dung âm nhạc Đức Long.
Bản thu âm nổi tiếng của Đức Long được phát sóng trên đài tiếng nói Việt Nam "Bài ca trên cánh võng" (Nguyễn Nhung) được vang lên trên sân khấu khiến khán giả đầy hoài nhớ về ngày đó. Sau đó, Đức Long thể hiện "Sông lô chiều cuối năm" (Minh Quang), "Đất nước" (nhạc Phạm Minh Tuấn, Thơ: Tạ Hữu Yên), "Ngày mai anh lên đường" (Thanh Trúc)… là những bài hát nổi tiếng về quê hương đất nước, người lính gắn với tên tuổi anh.
Nói đến đời lính, khắc hoạ chân dung âm nhạc cũng như cuộc sống của Đức Long sẽ không thể thiếu được NSND Thái Bảo - người luôn bên cạnh, đồng hành cùng anh mấy chục năm qua, người từng cùng anh "lên rừng, xuống biển" hát phục vụ ở nơi mặt trận, đến quần chúng nhân dân khắp nơi, người cùng anh quay hình bài hát đầu tiên trên truyền hình.
Ngày mai anh lên đường do NSƯT Đức Long - NSND Thái Bảo thể hiện.
"Cặp đôi" đã thể hiện bài hát "Ngày mai anh lên đường" từng gắn bó với tên tuổi cả hai người suốt những năm tháng cũ, và ôm đàn hát "Thời hoa đỏ" (Âm nhạc: Nguyễn Đình Bảng, Thơ: Thanh Tùng) - ca khúc đã góp phần làm nên tên tuổi Thái Bảo và luôn gắn với hình ảnh Thái Bảo.
Ở phần hát thính phòng chính là phần khắc hoạ chân dung "thầy giáo âm nhạc Đức Long". Qua "Trở về Suriento" (Âm nhạc: Emesto De Curtis Lời:Giambattista De Curtis), "Trường ca sông Lô" (Văn Cao)… đã cho thấy một người thầy Đức Long với giọng hát sang trọng, lộng lẫy, đẹp đẽ, chan chứa tình cảm cùng cách xử lý tác phẩm đầy tinh tế. Đặc biệt trong phần này, khách mời- nữ ca sĩ Phạm Thu Hà đã cùng anh thể hiện ca khúc "Thuyền và biển" (nhạc Hữu Xuân, thơ: Xuân Quỳnh), giống như một sự "truyền lửa" giữa hai thế hệ.
Phạm Thu Hà không phải học trò của Đức Long, nhưng là người yêu thích giọng hát anh và luôn tham khảo ý kiến anh trong nghề. Giọng hát opera sang trọng của Phạm Thu Hà cũng đã để lại nhiều ấn tượng cho khán giả qua bài "Besame mucho".
Phần hát tình ca để hoàn thiện nên một chân dung âm nhạc Đức Long với một số ca khúc quen thuộc như "Con thuyền không bến" (Nhạc Ngọc Thịnh, thơ Tạ Thanh Hùng), "Bản tình ca cho em" (Ngô Thuỵ Miên), "Khúc mùa thu" (thơ Hồng Thanh Quang, nhạc Phú Quang)…
Như đã hứa, NSƯT Đức Long đã hát một số ca khúc mới của các tác giả mới như "Mơ", "Hà Nội và em" của nhạc sĩ trẻ Vũ Quốc Nam, để khán giả thấy một nghệ sĩ luôn luôn tìm tòi những điều mới mẻ, luôn học hỏi cái mới không ngừng và không bao giờ dừng lại trên con đường âm nhạc.
Đêm nhạc của Đức Long giản dị, không sử dụng bất cứ một hiệu ứng, công nghệ hiện đại nào…mà là một sân khấu tinh khiết, có độ tĩnh nhất định và âm nhạc như một tấm thảm đẹp để Đức Long lững thững bước đi trên đó. Sự giản dị nhưng tinh tế và sang trọng của sân khấu "Đức Long hát" đã làm được điều đó, anh đã chinh phục khán giả không chỉ bằng giọng hát của chính mình mà còn bằng không gian âm nhạc "tinh khiết" mà anh tạo nên.