Chương trình Quán thanh xuân mùa thứ 3 khép lại bằng sự hoài niệm về mùa đông với những khách mời đặc biệt: Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; NSƯT Chiều Xuân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng, nhạc sĩ Trương Quý Hải, nhà báo Ngô Bá Lục và nhà văn Đỗ Bích Thuý.
Những hoài niệm mùa đông của các khách mời trong chương trình đem đến nhiều câu chuyện xúc động với khán giả, không gợi lên cái lạnh của mùa mà ngược lại, đó là sự ấm áp và những nhiều giá trị thương yêu.
Quán thanh xuân tháng 12 được phát sóng lúc 21h10 ngày 4/12/2021 trên kênh VTV1. Chương trình có các tiết mục ca nhạc đặc sắc: Nỗi nhớ mùa đông (thơ: Thảo Phương; nhạc: Phú Quang), Phố mùa đông ( Bảo Chấn), Nơi ấy (Hà Okio), Những mùa đông yêu dấu (Đỗ Bảo), Khoảnh khắc (Trương Quý Hải), Mùa đông sẽ qua (Huy Tuấn) do ca sĩ Mỹ Linh, Dương Trần Nghĩa, Phạm Anh Duy, Tấn Minh, Thùy Dung, Bảo Trâm thể hiện.
Trân trọng hơi ấm mùa đông
Theo NSƯT Chiều Xuân, ngày xưa cuộc sống vốn nghèo, có mơ cũng khó đụng đến liễn mỡ của mẹ. Nhưng mấy đứa bạn tinh nghịch, không biết bằng cách nào đã chui xuống bếp ăn trộm một tí mỡ của mẹ, một tí đường của bà rồi đốt cái bếp củi lên, đổ ít bột mì vào bánh. Sau đó mỗi đứa chia nhau một ít bánh này và "Cảm giác cái bánh ấy nó theo mình suốt cuộc đời, miếng bánh ngon nhất trong đời mình".
Trước đây là diễn viên sân khấu, Chiều Xuân cũng như mọi người phải biểu diễn suốt 4 mùa. Mùa đông lạnh chân tay run lập cập, gió thổi tung mọi thứ. Ra sân khấu hai chân va vào nhau nhưng khi diễn thì quên hết mọi thứ, khi vào cánh gà cái rét ngấm vào người, được đồng nghiệp khoác cho chiếc áo ấm, cốc nước ấm là quên đi tất cả.
"Ký ức về mùa đông là cái lạnh cắt da cắt thịt. Tôi còn nhớ cái áo bông trần bằng vải hoa mà mẹ đã mua trong ngày tết, mặc từ khi dài đến đầu gối đến ngắn cũn cỡn qua eo.
Nghĩ về mùa đông, nghĩ về những điều ấm áp là nghĩ về mẹ, nhớ về những tấm áo ấm. Mùi vải, quần áo để trong những vali cũ kỹ, đến mùa đông cơn gió heo may bắt đầu se lạnh thì đem ra mặc. Mình chờ đợi hơi ấm đó và cảm giác ấy nhớ đến tận bây giờ", NSƯT Chiều Xuân chia sẻ.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn lại chia sẻ, mùa đông là mùa ông thích nhất. 5 tuổi, bố mẹ đã đi công tác nước ngoài, tổng thời gian khoảng 18 năm. Vì thế, ngày nhỏ ông chủ yếu sống với bà nội. Những thứ như ngô rang, lạc rang, bánh trôi tàu… bà thường dành hết cho đứa cháu nhỏ. Thượng tướng Võ Văn Tuấn nhấn mạnh, bà nội là người mẹ thứ hai, những tố chất tốt sau này ông có được cũng nhờ bà nội.
Xuất hiện trong chương trình, nhà báo Ngô Bá Lục nhớ nhất lần cùng bố đi tát nước ở một cánh đồng xa nhất của làng. Hôm đó trời rất lạnh, mọi người đi làm về hết, trăng đã bắt đầu lên. Ở quê, mùa đông có trăng thường sương xuống nhanh. Bố bảo con trai về trước vì làm nhiều và cũng đã mệt rồi. "Tôi thu dọn đồ đạc để chuẩn bị về thì thấy bố vẫn tát nước. Tôi thấy vậy xúc động vô cùng. Chỉ vì thế mà tôi bắt đầu biết yêu thương bố mẹ nhiều hơn, lúc nào bố mẹ cũng hy sinh tất cả cho con cái", Ngô Bá Lục cho biết.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng thuộc thế hệ "xếp bút nghiên ra mặt trận", cho biết nhập ngũ cuối mùa đông năm 1971, vừa bước sang tuổi 18. Lúc lên đường nghĩ đơn giản, chỉ ít đồ mang theo. Mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng đã dúi thêm vào túi một cái áo len cộc tay, một chiếc khăn quàng cổ. Nhạc sĩ cho biết: "Tôi nhớ mãi hình ảnh và lời mẹ dặn: Con ạ, mùa đông rét lắm. Con nhớ mặc thêm áo ấm, quàng thêm khăn không thì ốm. Tôi cũng nhớ những lần gác đêm, nhất là khi mưa phùn gió bấc thì rét kinh khủng, thời gian khi ấy trôi đi rất chậm".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng nhớ nhất mùa đông năm 1972, khi chúng ta làm nên "Điện Biên Phủ trên không". Lúc nhận được tin này, ông sung sướng đến mức nước mắt trào ra, miệng cứng lại vì nghĩ sẽ không còn gian khổ trên chiến trường nữa. Đó là mùa đông ông không thể quên. Vị nhạc sĩ tâm tình, chúng ta cảm nhận được giá lạnh của mùa đông những ngày xưa ác liệt để thấy trân trọng và yêu quý cuộc sống hôm nay hơn.
Mùa đông là mùa để chúng ta nén lại những cảm xúc đặc biệt
Kể về kỷ niệm mùa đông, nhà văn Đỗ Bích Thủy, người dân tộc Kinh, quê gốc ở Nam Định nhưng được sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Chị cho biết thích viết về mùa đông và những mối tình liên quan đến mùa đông, đặc biệt những mối tình trên núi cao vì nó rất… rét. Mùa đông càng rét thì càng làm con người xích lại gần nhau.
Tác giả của những tác phẩm ăn khách Sau những mùa trăng, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Lặng yên dưới vực sâu… kể ngày xưa đi học xa, nhà cách trường 10 cây số nhưng đạp xe tới trường bao giờ cũng sớm nhất, có khi bác bảo vệ chưa mở cổng. Tới trường thì lông mày, lông mi trắng toát, sương mù làm ướt hết quần áo do mùa đông vùng cao Hà Giang rất lạnh.
Ở một thung lũng tại Hà Giang, Đỗ Bích Thúy cho biết mùa đông nhiệt độ chỉ 4 – 5 độ C. Nhà vách đất lại là nơi chỗ hút gió nhất trong làng, mùa đông gió lùa vào nhà qua khe tường, hơi lạnh như những vết chém của dao.
Nữ nhà văn chia sẻ: "Bố tôi có cách chống rét rất đặc biệt, đó là nướng gạch trên lửa rất lâu, sau đó gói vào các lớp bao tải, quần áo cũ. Trước khi các con lên giường, bố nhét những bao tải có viên gạch nướng vào trong chăn. Nhờ đó, tôi và các anh được giữ ấm từ lúc đi ngủ đến tận sáng. Tôi nghĩ, nếu không có những cục gạch nướng của bố thì không thể qua được mùa đông thuở bé".
Đỗ Bích Thủy nhớ khi xưa nắng lên mẹ thường tranh thủ đem hết chăn, quần áo ra phơi. Chị còn nhớ nguyên mùi nắng ngấm vào chăn bông rất thơm và cực kỳ ấm áp. Hay có lần ở Đồn biên phòng tại Hà Giang, thức dậy lấy cái gáo múc nước đánh răng rửa mặt thì nước đã đóng băng do trời lạnh quá. Các chú bộ đội phải đập tan băng, đun sôi thì mới có nước để dùng.
Đố với nhạc sĩ Trương Quý Hải, mùa đông gợi cho ông về những món ăn ngon khiến cho thị giác, khứu giác rất nhạy bén. Đặc biệt là thính giác qua những tiếng rao đêm. Thưở niên thiếu, nhạc sĩ Trương Quý Hải nhớ tiếng rao "Ai lạc rang, ngô rang, hạt dẻ" của những người bán hàng rong. "Mùa đông cũng là mùa đặc biệt để chúng ta nén lại những cảm xúc đặc biệt, những hoài bão, ước mơ để chuẩn bị cho hành trang mùa xuân tới", nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ.
"Mùa đông tự nhiên mình thấy biết thương bố mẹ mình hơn. Tôi cảm ơn mùa đông đã cho mình cái se sắt lạnh, sau này lớn lên biết yêu thương, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn vất vả như mình đã từng trải qua", nhà báo Ngô Bá Lục trải lòng.