NSƯT Anh Tú: Trầm lặng và bùng nổ

05-12-2015 14:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi được xem nhiều vai diễn của Anh Tú trong hơn 20 năm qua. Anh còn dựng không ít vở diễn sau khi tốt nghiệp khóa Ðạo diễn sân khấu tại Trường đại học Sân khấu và Ðiện ảnh. Những nhân vật của anh bao giờ cũng ẩn giấu của một thân phận có nhiều trăn trở với cuộc sống. Hình tượng của anh ám ảnh người xem với lòng trắc ẩn cùng một vẻ đẹp thần diệu của hồn phách con người.

Từ một “hoàng tử” của sân khấu...

Anh Tú cùng trang lứa một thời với các nghệ sĩ như Chí Trung, Lê Khanh, Lan Hương, Minh Hằng... ở Nhà hát Tuổi trẻ Trung ương. Lứa nghệ sĩ này đã làm nên một thời kỳ huy hoàng sân khấu kịch nói ở Hà Nội. Trong đó, nghệ sĩ Anh Tú nổi lên ở những vai diễn chính với sắc thái sâu lắng giàu chất trữ tình. Anh thường thoát xác cùng với đời sống tâm hồn của nhân vật, chân thực và nồng nhiệt. Không ồn ào, không khoa trương bằng cách điệu của hành động mà thường tiết chế và truyền cảm với những chi tiết vừa đủ để hòa cùng ngữ điệu của tâm hồn nhân vật. Đó là ngôn ngữ sân khấu của Anh Tú, đúng như thú chơi đá cảnh của anh, với nguyên tắc tự tại mà toát lên sắc đẹp thiên thần. Hãy dựng nhân vật đúng với bản chất của nó, tựa như hòn đá phải chọn lựa có hình dáng đẹp, màu sắc hài hòa, vân đá mạch lạc vậy. Người đời nói: “Nhất ngọc, nhì tranh, tam sành, tứ tượng” để xếp loại cho những người sành thưởng ngoạn và chơi bảo vật. Anh Tú đã chọn “nhất ngọc” tức chơi đá. Đúng như các cụ thường dạy: “Có chí chơi đá. Có dạ chơi cây”, Anh Tú đã có cuộc dấn thân vào đá.

Anh Tú với thú vui sưu tầm đá.

Cuộc chơi đó đã thể hiện màu sắc trầm tĩnh, xù xì khi Anh Tú lên màu các nhân vật trên sân khấu. Anh có sức thu hút người xem ở vẻ đẹp ánh sáng của những hòn đá thạch anh màu ngọc bích. Đó là Vũ Như Tô (trong vở cùng tên); đó còn là các vai diễn của anh trong: Macbeth, Bến bờ xa lắc; hay Mùa hạ cay đắng; hoặc Tiếng chuông; còn nữa, đó là Một mối tình hay Rừng trúc, Cuộc đời tôi... Nghĩa là toàn nhân vật sống động, độc đáo như mỗi tác phẩm đá đẹp, bất ngờ, mà anh sưu tầm được suốt 20 năm qua. Nếu có dịp được xem phòng trưng bày đá cảnh của anh càng thấy rõ kỳ công của anh khi tìm thú chơi nghệ thuật này.

Vậy hãy khảo sát vai Vũ Như Tô của anh thấy rõ đẹp như thế nào. Đồng nghiệp đánh giá, vai diễn Vũ Như Tô của Anh Tú gây ấn tượng mạnh mẽ sâu sắc với thân phận đầy bi kịch, trong một hoàn cảnh chan chứa nỗi đau. Dường như nghệ thuật diễn xuất tâm trạng bi phẫn của Anh Tú đã làm nên một bản diễn mẫu mực của đạo diễn NSND Phạm Thị Thành vào năm 1995. Ba mươi năm trình diễn trên sân khấu, Anh Tú đã đoạt tới gần chục HCV (5) và HCB, trong các mùa Hội diễn Sân khấu toàn quốc. Đó là sự khẳng định của Anh Tú trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ và đã được phong danh hiệu NSƯT năm 2001. Anh còn được bầu làm Trưởng đoàn kịch 1 của nhà hát và bắt đầu tập dượt vai trò đạo diễn, tạo phong cách nghệ thuật diễn xuất riêng, cho lớp diễn viễn trẻ sau này.

Anh Tú tốt nghiệp Khoa Đạo diễn (2003) với vở kịch thơ nổi tiếng của cố thi sĩ Hoàng Cầm - Kiều Loan - là một bản diễn đúng chất của Anh Tú, đẹp và đượm buồn như một tảng ngọc quý mang nhiều ý niệm sâu sa cho cuộc sống. Và ở đó Kiều Loan có dạng thứ trang nhã, sắc màu kết tụ tâm hồn thi sĩ Hoàng Cầm dưới bàn tay dàn dựng tinh tế của đạo diễn trẻ Anh Tú. Chính từ nguyên tắc này mà Anh Tú đã phát huy dàn dựng một loạt vở mới cho nhà hát như chùm kịch thiếu nhi về đề tài Tôn Ngộ Không, Thạch Sanh. Rồi nữa còn là những thử thách với thời gian qua các vở mới: Cô gái đội mũ nồi xám (Lưu Quang Vũ); Nhà có 5 anh em trai (Thụ Phong TQ); hay đó còn là Mùa yêu đương và Mùa hạ cay đắng của Nguyễn Quang Lập... Kể cả có thời anh còn đi làm đạo diễn cho đoàn Rối Thăng Long với vở Sang sông và đoạt giải Đạo diễn năm 2008.

Sau đó, Anh Tú còn là một trong những đạo diễn đầu tiên ở phía Bắc dựng vở kịch về đề tài đồng tính, vở Cầu vồng lục sắc, năm 2012. Đây là câu chuyện bi kịch của một đồng tính nam. Đạo diễn Anh Tú muốn qua vở kịch đưa ra một lời cảnh báo cho những quan niệm sai lầm về những người đồng tính và đưa ra một cách nhìn nhân ái và chia sẻ của cộng đồng xã hội với những cuộc sống gặp trắc trở về thân phận. Và cũng là một bước tiến về nghệ thuật trước khi Anh Tú được chuyển sang làm Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam (2013).

...Trở thành “vua” sàn diễn

Nói ví von là vậy, bởi từ khi chuyển sang làm Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Anh Tú chỉ hành nghề đạo diễn. Anh như một nhạc trưởng chỉ huy  dàn hợp xướng của mình, với que đũa là tư duy và kỹ năng dựng hình tượng cho diễn viên. Khi mới sang đây, anh tâm sự phải gặp mọi khó khăn bày ra trước mắt. Rạp diễn chính thức không có, thường phải đi thuê mỗi khi có hợp đồng. Nguồn kinh phí bao cấp để dựng vở hay nuôi diễn viên đều như các nhà hát khác chứ không hơn gì, cho dù đây là một đơn vị vẫn được tiếng là “anh cả đỏ” trong làng sân khấu Việt Nam. Nhưng đúng như một người chịu chơi trong thời cuộc, Anh Tú không hề đắn đo mà chỉ nghĩ đến việc dựng vở và kiếm cơm cho anh em chính bằng nghề nghiệp và tài năng của mình. Anh lần mò tìm con đường để bứt phá tựa như cuộc săn tìm những hòn đá đẹp, cho dù đó là ngọc, mã não hay thạch anh. Trên bàn làm việc của anh là những hình tượng của đá rất lạ cùng với những bức hình chụp lại những vở mà anh đã dàn dựng từ khi sang Nhà hát Kịch Việt Nam.

Khi gặp nhau anh khoái chí chỉ cho tôi xem bộ đá “Thất tinh trận cầu”. Anh nói đó là bộ đá quý gồm 1 viên chủ hình tròn và 6 viên nhỏ bao quanh, nó có sức kích hoạt năng lượng sáng tạo của chủ nhân trong công việc. Cũng như đá thạch anh luôn luôn phóng ra những ion để cân bằng âm dương cho cơ thể làm tăng sức khỏe và năng lực tư duy. Nghệ sĩ Anh Tú say sưa nói, rồi bất ngờ chỉ lên tường khoe đó là những vở mà anh đã dàn dựng thành công trong vòng ba năm qua. Tôi không nghĩ rằng những thành tựu đó có sự đóng góp của những hòn đá quý, nhưng công năng được tích tụ về phong thủy trong tư chất nghệ sĩ của Anh Tú đã tràn ngập và truyền tải làm rạo rực nhựa sống cho sân khấu kịch mà anh đã dồn hết tâm sức trong thời gian qua. Nào là Lâu đài trên cát, Chuyện chàng dũng sĩ, hay Trong mưa dông thấy nắng, Cạm bẫy, hoặc như 3 trong 1, Tai biến, Chấm hỏi chấm than... và mới đây nhất anh dàn dựng vở kịch cổ điển Hăm Lét của Sechxpia diễn ra vào tháng 11/2015.

Nghệ sĩ Anh Tú trong vở Macbeth (trái) và vở Rừng trúc (phải).

Khi được hỏi về định hướng cho tiêu chí nghệ thuật của Nhà hát, Anh Tú khẳng định ngay đó là chính kịch và những đề tài tâm lý xã hội. Đây là những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống hiện đại, với mọi câu chuyện hấp dẫn về đạo đức, gia đình và những tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, nhà hát còn dựng lại các vở kinh điển. Anh Tú muốn Nhà hát Kịch Việt Nam đi đầu lĩnh vực này, đặc biệt là những kiệt tác mà Hăm Lét là sự mở màn cho một mùa sân khấu mới. “Tồn tại hay không tồn tại?” đó là câu hỏi từ câu chuyện Hăm Lét, nhưng cũng là sự trăn trở của một bước khám phá thị trường sân khấu và định hướng cho một nền nghệ thuật có sức sống lâu bền. Anh Tú vừa nói chuyện vừa xoay quả cầu với những vân đá tựa như “mắt mèo, mắt hổ” trên tay. Đúng là một trận đồ mà anh đã tìm ra một hướng đi trong một thị trường sân khấu còn đầy cam go phải vượt qua. Anh mừng vui khoe, không khí làm việc của các nghệ sĩ náo nức lắm, vở mới ra mắt liên tục hợp đồng diễn khá dày đặc. Mặc cho nhà hát không có rạp diễn lớn như các đơn vị khác, nhưng kế hoạch biểu diễn, đi các địa phương khá nhiều, nên đã đem lại hiệu ứng rộng khắp về nghệ thuật sân khấu hiện nay. Đồng thời, đời sống tinh thần và vật chất của các nghệ sĩ cũng được nâng cao rõ rệt. Anh em nỗ lực làm việc ngày đêm với không khí khác lạ, đúng là với nghĩa của câu nói gần đây, các nghệ sĩ truyền cho nhau: “Sáng kịch - Chiều kịch - Tối kịch - Đêm kịch”. Đạo diễn Anh Tú cười rất tươi vì sự phấn chấn của anh em nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Tiếp tục những cuộc kiếm tìm

Hăm Lét là một sự khai phá cho một con đường mà các nghệ sĩ cùng đoàn kết trong cuộc kiếm tìm. Rồi đây còn những cuộc thử nghiệm mới. Thử thách và nỗ lực vượt qua mọi thử thách để tồn tại và phát triển. Nghệ sĩ Anh Tú tự sự với những nét suy tư trên vầng trán. Nhìn gương mặt anh vẫn thế, một góc cạnh của ông hoàng, một góc cạnh ghồ ghề của một kẻ đi lần mò qua con sông ngọn núi để đem về những viên ngọc quý. Anh tâm sự, đá vốn vô ngôn, nhưng ẩn chứa sức sống diệu kỳ, tựa như quả núi hùng vĩ, kiên định, thể hiện cái linh khí của  trời đất, cái lãng mạn hào phóng của hóa công. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện nét trầm tĩnh, cương ngạnh và một vẻ đẹp kỳ dị. Ngẫm một lúc anh khẳng định, đó cũng là mục đích của sự săn lùng của nghệ thuật, với một đời sống, với lòng trắc ẩn của con người trên sân khấu. Nói rồi anh xoay tít hòn đá trên tay và mỉm cười.


Bài và ảnh: Duy Anh
Ý kiến của bạn