NSND Trọng Khôi một tài năng, một nhân cách...

05-08-2019 07:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trọng Khôi là Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho đến năm 1999;

anh được bầu là Tổng Thư ký, rồi Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Đại hội V (1999 - 2004), và Đại hội VI (2004 - 2009). Trong 2 nhiệm kỳ này, ngoài những đóng góp to lớn về nghệ thuật cho nền sân khấu cách mạng đương đại, thì hoạt động nổi bật nhất, để lại nhiều ấn tượng nhất của NSND Trọng Khôi chính là giao lưu và hội nhập quốc tế với các nền sân khấu tiên tiến trên thế giới...

NSND Trọng Khôi.

NSND Trọng Khôi.

Trọng Khôi (tên thật là Nguyễn Trọng Khôi), sinh ngày 16/2/1943. Quê gốc Hải Dương, nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội (ngõ Yên Thế, phố Nguyễn Thái Học), Trọng Khôi đã đam mê sân khấu từ bé. Đang ở độ tuổi thiếu niên, anh sinh hoạt Đội Kịch thanh niên cùng các nghệ sĩ trẻ Vũ Hà, Nguyễn Ánh, Doãn Hoàng Giang và một số thanh niên yêu sân khấu. Nhưng con đường đưa Trọng Khôi trở thành nghệ sĩ bắt đầu từ ngày còn học tiểu học, khi thầy giáo của anh rất thích dàn dựng những vở diễn để minh họa cho bài giảng, nên mới 7 tuổi, Trọng Khôi đã được chọn đóng nhiều vai. Năm 1959, tròn 16 tuổi, đang học phổ thông, Trọng Khôi thi đỗ và theo học Khóa I - Trường Sân khấu Việt Nam (1959-1964). Từ đó, ước mơ trở thành một nghệ sĩ sân khấu của Trọng Khôi đã thành hiện thực... với sự hướng dẫn, dạy dỗ những người thầy nổi tiếng như GS.TS.NSND Đình Quang, NSND Dương Ngọc Đức và đặc biệt là sự truyền nghề của đạo diễn, NSND Thế Lữ và con trai ông, NSND Nguyễn Đình Nghi.

Sau khi tốt nghiệp, Trọng Khôi về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương (Nhà hát Kịch VN ngày nay), đúng vào thời kỳ giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, 1965. Năm 1971, Trọng Khôi được đảm nhận một vai diễn chính trong vở Đôi mắt của Vũ Dũng Minh, đạo diễn Dương Ngọc Đức. Đó là thương binh Việt - một vai diễn nổi tiếng - đã trở thành tấm giấy thông hành đưa Trọng Khôi đi vào nghiệp sân khấu.

NSND Trọng Khôi trong vai anh hàng thịt mang hồn phách Trương Ba.

NSND Trọng Khôi trong vai anh hàng thịt mang hồn phách Trương Ba.

Nhớ lại những năm 70 của thế kỷ XX đó, sau những đêm biểu diễn, Trọng Khôi đã đi bốc vác nứa, vác luồng ở bến Phà Đen từ ca nô lên bờ, để có thêm thu nhập mua sách và đỡ đần kinh tế gia đình. Khi Trọng Khôi khoe với anh em bốc vác ở bến phà, mình là diễn viên, mọi người không tin, vì trông hình thể anh không có gì đẹp, hấp dẫn. Thế rồi đúng buổi tối công diễn Đôi mắt, Trọng Khôi xin thêm được mấy chục giấy mời để mời anh em bốc vác đi xem tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau đêm diễn, những dân phu ấy hết sức cảm động, chúc mừng Trọng Khôi - lúc đó, mọi người mới tin Trọng Khôi là diễn viên tài năng của Đoàn Kịch TW - nhưng điều họ suy nghĩ, băn khoăn, là tại sao người nghệ sĩ trẻ đó, lại phải lăn lộn ở bến Phà Đen cả ngày đêm, mưa nắng, để kiếm thêm đồng tiền, bát gạo nhọc nhằn như thế... Cho mãi đến nhiều năm sau, Trọng Khôi vẫn nói rằng, anh không bao giờ quên được khoảng thời gian này để tự rèn luyện mình, tự tay kiếm đồng tiền bát gạo hữu ích và nhất là hiểu thêm được cuộc sống gian khổ của người dân lao động...

Cũng những ngày đó, Trọng Khôi được phân một căn buồng nhỏ, khoảng 9 mét vuông tập thể sau Nhà hát Lớn. Thế là cả nhóm nghệ sĩ trẻ chúng tôi, hầu hết chưa có vợ con thường xuyên tụ tập ở đó. Ngọc Thụ, Thanh Tân, Chu Hoạch, Lương Vĩnh, Diệu Tô Minh, anh Văn Xương họa sĩ Đoàn Xiếc TW, Tường Vân từ Hải Phòng về, rồi thi thoảng, nhà thơ Phùng Quán, Tạ Vũ, Trúc Cương... cũng đến tụ tập... với những bữa ăn nghèo nghèo là mỳ sợi nấu với rau muống, dăm ba củ lạc rang, lạc luộc, nhưng rượu quê (cuốc lủi) thì rất sẵn... Ai có gì thì mang đến, vài ba đồng, chai rượu, cân mỳ... nhưng khổ chủ vẫn là Trọng Khôi. Một buổi tối đầu năm 1972 - những ngày chiến tranh ác liệt - mấy anh em lại tụ tập nghe đề cương kịch bản Lửa phi trường của Ngọc Thụ (sau này đã được hàng chục đoàn Cải lương trong cả nước dàn dựng). Tranh luận, cãi vã, góp ý đến gần sáng, mỗi người làm một bát mỳ sợi chan xáo chó (ngày đó đầu chó luộc mua ở chợ Bắc Qua rất rẻ)... Rồi do đam mê văn chương nghệ thuật, tuần nào chúng tôi cũng tụ tập như thế trong cái thiếu, cái nghèo chung của đất nước. Và cái tên nhóm “chân đất” (nghệ sĩ nghèo, chỉ “đá bóng” bằng chân đất ở bãi Long Biên, chứ không đá chân giày ở sân Hàng Đẫy)... đã được chúng tôi đặt ra cho vui như thế. Nhưng nào có ai ngờ, cái tên gọi ấy đã làm khổ chúng tôi một thời gian dài đến hàng chục năm sau mới được giải tỏa... (Một lũ trẻ bơ vơ không nhà cửa/Sống bằng thơ đau và rượu cay - thơ Phùng Quán. Tôi hốc hác vì miếng ăn, miếng uống - thơ Trúc Cương. Nhịn đói, thức đêm và đi bộ lang thang - thơ Lê Huy Quang)...

Và trong tạo hình nhân vật Nghị Hách.

Và trong tạo hình nhân vật Nghị Hách.

Ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Đoàn Kịch TW được mệnh danh với cái tên “Anh Cả đỏ”, với một dàn sao các nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có Trọng Khôi; đã biểu diễn hết sức thành công trên các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng chính là giai đoạn hoàng kim nhất của sân khấu Việt Nam, trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX. Năm 1990 và 1995, nghệ sĩ Trọng Khôi đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Anh đã đi biểu diễn giao lưu quốc tế ở các nước Philippines, Nga, Mỹ và được trao tặng Bằng khen “Nghệ sĩ xuất sắc nhất Liên hoan Sân khấu Quốc tế Mátxcơva năm 1990”. Một số vai diễn tiêu biểu có thể nói là để đời của Trọng Khôi như Đialốp (Khúc thứ ba bi tráng); Tướng Đờ Cát (Bài ca Điện Biên); Đimitrốp (Đỏ và Nâu); Tổng thống Dương Văn Minh (Nữ ký giả); Vua Bảo Đại (Lịch sử và nhân chứng); Vua Lia trong vở kịch cùng tên; Trần Thủ Độ trong Trần Thủ Độ; Êrôtxtrát (Vụ án Êrôtxtrát); Trương Ba (Hồn Trương Ba, da hàng thịt)... cùng nhiều phim truyện nhựa, truyền hình như Nghị Hách (Giông tố); Ba Đức (Đứng trước biển); Trung tá Thi (Huyền thoại người mẹ)...NSND Trọng Khôi đã cống hiến cho sân khấu kịch nói Việt Nam đương đại - một loại hình sân khấu từ phương Tây du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX - nhưng qua tài năng của anh, lại mang bản sắc sân khấu Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, phong phú, đa dạng và độc đáo - góp phần vào sự phát triển Kịch nói Việt Nam hiện đại của nửa sau thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI. Chính đó là một trong những điều kiện rất quan trọng, để vào năm 2004, Hiệp hội Sân khấu quốc tế (ITI) đã kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức, đồng thời thành lập Trung tâm Hiệp hội Sân khấu quốc tế Việt Nam (viết tắt là Trung tâm ITI Việt Nam) do Trọng Khôi là Giám đốc đầu tiên. Huân chương Độc lập hạng Ba, nhiều Giải thưởng, Huy chương Vàng tại các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Liên hoan Sân khấu thế giới, Trọng Khôi là một trong những gương mặt nổi tiếng của Sân khấu đương đại Việt Nam.

Tuổi Quý Mùi 1943, đi vào cõi vĩnh hằng năm Nhâm Thìn 2012 - đến nay tròn 7 năm - NSND Trọng Khôi đã thanh thản chia tay “Thánh đường” biểu diễn, chia tay các đồng nghiệp, chia tay những cánh gà sân khấu và 2 tấm màn nhung đỏ thắm; mà ở đó, đã thấm đẫm bao nhiêu nước mắt nụ cười; bao nhiêu niềm vui nỗi buồn và nhân cách một nghệ sĩ lớn: suốt cả một đời dâng hiến cho sự nghiệp Nghệ thuật Sân khấu dân tộc Việt Nam. Nhưng với riêng tôi, mãi mãi vẫn còn nguyên đó một Trọng Khôi bình dị, thủy chung, nghĩa tình và luôn biết sống vì người khác... Bởi, nghĩ cho cùng, tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ tình bạn đẹp đẽ từ thuở hàn vi có no và đói, có vui và buồn, có cả vinh và nhục... là còn lại mãi trong tình cảm của con người!


NSND. Lê Huy Quang
Ý kiến của bạn