Sinh năm 1929, là người Hà Nội gốc nhưng Trần Hạnh lại quen thuộc với khán giả trên truyền hình qua các vai diễn "quê quê" hiền lành, chân chất, khắc khổ. Mồ côi cha từ tuổi ấu thơ, Trần Hạnh tự lập rất sớm. Ông vừa làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền, vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội).
Nghệ sĩ Trần Hạnh (bên phải) thời trẻ
Trần Hạnh lập gia đình khi 23 tuổi, vợ ông là hàng xóm cùng ngõ Phát Lộc (Hàng Bạc, Hà Nội). Dù đã vợ con nhưng không sao bỏ được những buổi “chơi” kịch cùng với ban kịch Thanh niên Hà Nội. Khi mọi người vào học khóa đầu tiên đào tạo diễn viên chính quy của trường Sân khấu thì ông đành phải rẽ ngang về Đoàn kịch Hà Nội bởi lý do duy nhất là phụ cấp ở đó cao hơn 10 đồng. Những năm 1970, 1980, ông có nhiều vai diễn thành công trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, điển hình là vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ “Lam Sơn tụ nghĩa”. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm một vai chính trong các vở “Tiền tuyến gọi”, “Âm mưu và tình yêu”... Ông đã từng 3 lần đoạt Huy chương vàng trong các vở kịch Lam Sơn nghĩa tụ, Tiền tuyến gọi, Hamlet. Nghệ sĩ Trần Hạnh về hưu, rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989.
NSND Trần Hạnh trong một số phim truyền hình ông đã tham gia
Trong lĩnh vực điện ảnh, Trần Hạnh cũng để lại nhiều dấu ấn và tham gia trong không ít tác phẩm được khán giả yêu thích. Ông từng vào vai chính trong phim Chiếc bình tiền kiếp, Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi, Truyện cổ tích tuổi 17, Người cầu may, Vệt nắng cuối trời, Cuốn sổ ghi đời, Nước mắt đàn bà, Ngõ lỗ thủng, Cha cõng con...Trong đó, ông đoạt giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 với vai diễn trong phim Nước mắt đàn bà. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục “Giải thưởng Cống hiến” cho vai diễn của ông trong phim Ngõ lỗ thủng.
Trần Hạnh được đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019
Mặc dù có những thành công, thăng hoa với sân khấu và điện ảnh, tuy nhiên đời tư nghệ sĩ Trần Hạnh có những nốt trầm buồn. Nhiều năm liền ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau khi bị tai biến mạch máu não. Trần Hạnh sống cảnh đi đâu làm gì thì đúng giờ cơm phải trở về nhà để lo cho gia đình và ông chưa bao giờ than nghèo kể khổ với bất kể ai.
Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984. Đến năm 2019, Trần Hạnh được Nhà nước đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân vì những đóng góp to lớn cho nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam.