NSND Trần Bảng - Cụ “Trùm chèo”

12-06-2009 14:59 | Văn hóa – Giải trí
google news

Những ai từng có cơ duyên với nghệ thuật chèo, hẳn không thể không một lần gặp “thầy Bảng”, cách gọi thân thương mà lớp hậu sinh dành cho cụ.

Những ai từng có cơ duyên với nghệ thuật chèo, hẳn không thể không một lần gặp “thầy Bảng”, cách gọi thân thương mà lớp hậu sinh dành cho cụ. Tuy đã bước vào tuổi thượng thọ nhưng cụ vẫn không chịu nghỉ bởi cụ mong muốn truyền lại những gì cụ từng tích góp, chiêm nghiệm trong hơn 50 năm hoạt động cho hậu thế, giúp họ vượt qua những vấp váp, chập chững trong những bước đi ban đầu mà cụ từng trải qua, từng mất rất nhiều thời gian mới “ngộ” được.

 NSND Trần Bảng.
Cụ cười sảng khoái khi tâm sự: “Tôi chính là thế hệ bị nhồi sọ văn hoá phương Tây, học trường Tây..., vậy mà lại trở thành người của nghệ thuật thuần chất dân tộc như chèo, điều đó như duyên nghiệp”. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống văn chương với người cha là nhà văn Trần Tiêu, bác ruột là nhà văn Khái Hưng, từ nhỏ, cụ đã có một vốn văn hóa đáng quý khi tiếp cận sớm với các tác phẩm văn chương trong và ngoài nước và có một vốn ngoại ngữ phong phú, đáng mơ ước ngay cả với giới trẻ ngày nay như khả năng đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và học thêm nhiều thứ tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức... Cụ được góp mặt trong hàng ngũ kháng chiến ngay từ buổi ban đầu. Anh thanh niên Trần Bảng hoạt động tích cực trong phong trào Việt Minh, nổi đình đám trong giới tuyên truyền xã và với vốn văn chương “gia truyền” cùng những kiến thức kịch học từ phổ thông, mê hiểu biết nên đã tự mình thu góp được nhiều kiến thức sân khấu phương Tây, ngoài sân khấu Pháp là sân khấu Đức, sân khấu tự sự phương Tây... Làng Cổ Am văn vật thành lập đội kịch tuyên truyền Sao Mai, Trần Bảng đã viết kịch ngắn, kịch dài... rồi lọt vào mắt xanh của các lãnh đạo Việt Minh cấp tỉnh, được gọi lên chiến khu Việt Bắc tham gia làm kịch chống Pháp. Khi này, đoàn kịch Trần Huyền Trân ở Việt Bắc đã tan, lãnh đạo liền đưa ông về đoàn văn công Trung ương, với rất nhiều tổ văn nghệ trong đó có tổ chèo. Đến tận giờ, giáo sư cũng khó giải thích tại sao cụ lại gắn cả đời với chèo, một hình thức sân khấu mà trước khi vào đội kịch, cụ tự cho mình chả có hiểu biết gì ngoài một đôi lần về quê xem chèo tuồng sân đình!

Những năm cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 thế kỷ trước, chèo đang mai một trước sự lấn át của phong trào Âu hóa. Ngay trong bối cảnh bề bộn gian khó, Đảng đã có Nghị quyết năm 1950 về khai thác vốn cổ, mời các nghệ nhân như cụ Cả Tam, Năm Ngũ... tham gia. Cùng trong tổ kịch, cụ đã tham gia không thiếu một buổi nào và rồi cái hay, nét đẹp của chèo qua các nghệ nhân khiến cụ đã đến với chèo hồn nhiên như chính loại hình dân dã này. Nghe tin đoàn dựng tiết mục tham gia biểu diễn chào mừng hội nghị, cụ đề xuất rồi hăng say dựng vở Chị Trầm thành công, được Bác Hồ khen: Phường chèo này diễn hay đấy. Cụ còn nhớ đến tận bây giờ từng lời khi Bác nhắc nhở: Chú có biết hát chèo không... Chú mới làm chèo phải học, học các cụ nghệ nhân... Cụ càng nghĩ càng thấy lời nhắc nhở ấy thật thần tình bởi chính các nghệ nhân chứ không phải cái biển học của những thanh niên Tây học đã gìn giữ lại những tinh túy của chèo. Một trường hợp từ ngày đó như ví dụ thú vị cho nhận định cụ nhớ đời: Tại buổi học, cụ là một trong những người giảng lý thuyết rất giỏi, nói suốt buổi, các nghệ nhân ngồi nghe chăm chú nhưng... không hiểu gì bởi họ chỉ là những nghệ nhân dân gian, khó có thể tiếp thu nhanh chóng những lý thuyết kịch học phương Tây. Khi làm vở, vì không hiểu nhiều, các nghệ nhân cứ tự diễn theo cách của mình chứ không theo hướng dẫn của các giảng viên và chính vì vậy, họ đã làm đúng như chèo truyền thống vốn có, không pha tạp. Cách làm này đã dẫn đến thành công và lại chính các giảng viên tự ngộ ra nhiều điều lý thú từ thất bại của mình nhưng là thành công trong nghề, thành công cho sự phát triển của chèo!

Bản chất ham học hỏi, lại tiếp xúc trực tiếp với các nghệ nhân lành nghề, anh thanh niên Trần Bảng đã chăm chỉ học, tự lúc nào không rõ, gắn bó với chèo sau những hoạt động ban đầu đầy tính “tự phát” ấy. Mỗi bản dựng, đạo diễn Trần Bảng đều có những thể nghiệm cho riêng mình cũng như những chiêm nghiệm đã được ghi lại kỹ lưỡng cho hậu thế trong cuốn sách với nhan đề khiêm tốn như bản tính của mình Trần Bảng- Đạo diễn chèo. Ba lần dựng Quan âm Thị Kính là 3 lần thành công và lần dựng nào cũng là những sáng tạo mới! Đi theo con đường đó, cụ hiểu, yêu chèo và gắn bó xiết bao với nó, thậm chí không thể rời xa nghệ thuật này để làm quan. Vì khi đang làm trưởng đoàn chèo, cụ được đưa lên lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn nhưng cụ ra điều kiện, khi nào ở đó ổn rồi, phải cho cụ về với nghề, với đoàn. Và thực tế diễn ra đúng như vậy, sau dăm năm ở Cục, cụ lại về với đoàn với các diễn viên, gắn bó với đơn vị cho đến tận ngày nghỉ hưu. Thậm chí khi đã nghỉ hưu rồi, các thế hệ nghệ sĩ mới vẫn rất cần đến sự tham gia đào tạo và qua những bài giảng của mình, cụ đã truyền lửa cho thế hệ sau, để giữ được cho phong cách chèo ngày hôm nay của một trong những đơn vị đầu đàn trong nền sân khấu nước nhà.

Đóng góp với nghề tổ của cụ Trần Bảng không ồn ào nhưng tất thảy những ai làm nghề đều thấy dường như ở mảng nào cũng có dấu ấn của cụ. Người làm lý luận sẽ không thể bỏ qua cuốn Khái luận về chèo, Trần Bảng- Đạo diễn chèo với những kiến thức vừa có tính phổ thông vừa có tính học thuật rất cao cho người làm nghề mà cụ đã đúc rút trong suốt hơn 50 năm làm nghề. NSND Chu Văn Thức, người cùng thời với cụ đã coi cụ như một trong những người có gắn bó chặt chẽ nhất với những bước tiến của chèo Việt Nam. Những giảng viên chèo lại rất tâm đắc với giáo trình giảng dạy cho diễn viên của cụ, những giáo trình về kỹ thuật diễn mà ta hiện đang vô cùng thiếu thốn. Các nghệ sĩ biểu diễn, các học viên đạo diễn không chỉ thấy ở cụ một người thầy nhân cách sáng rỡ mà còn là kho kiến thức không bao giờ cạn, có khả năng tìm ra lời giải cho những khúc mắc mà họ gặp phải khi hoạt động nghệ thuật trong bối cảnh xã hội hiện nay. Không phải vô cớ, cụ được các nhà hoạt động chèo gọi với cái tên trìu mến: Cụ Trùm Bảng.

Nếu ta hiểu thật rõ nghĩa của danh xưng Trùm chèo thì ta mới thấy hết những đánh giá người cùng nghề dành cho cụ. Ở tuồng có thầy tuồng thì ở chèo có trùm chèo, người đứng đầu trong chiếu chèo, một cách tôn xưng tự ngàn xưa của người làm nghề. Qua hàng loạt những vở sáng tác như Con trâu hai nhà (1956),Đường đi đôi ngả (1959),  Cô gái và anh đô vật (1996), Tình rừng (1996), Câu chuyện tình 80 (1996), Máu chúng ta đã chảy (1996), dàn dựng, đạo diễn các vở diễn mới cũng như khôi phục, bảo tồn các vở chèo cổ tiêu biểu như Quan âm Thị Kính, Kim Nham (Xúy Vân), Lưu Bình - Dương Lễ, đặc biệt là việc đào tạo các diễn viên cho sân khấu chèo cũng như kỹ thuật biểu diễn chung cho sân khấu kịch hát dân tộc, cụ là người trực tiếp giảng dạy từ khóa diễn viên chèo đầu tiên của Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cho đến tận ngày nay khi đã qua tuổi bát tuần, cụ vẫn say sưa với những bài giảng.

Tâm huyết với chèo, cụ Trần Bảng tỏ ý băn khoăn về lòng yêu nghề của các diễn viên trẻ ngày hôm nay. Họ không bỏ nhiều công sức để nghiên cứu ngành nghệ thuật mình theo đuổi, không đam mê nghề nghiệp. Nhưng khi hỏi cảm nhận của cụ về tương lai của chèo, cụ khẳng định mình luôn lạc quan bởi giờ đây, Đảng quan tâm và có những chính sách ưu đãi cho người nghệ sĩ làm chèo.

Xuân Ngọc


Ý kiến của bạn