Nhưng điều đặc biệt nhất của hai nghệ sĩ tài danh đó là họ cùng một thế hệ, cùng một “lứa đào bé” với nhau, cùng ra đời vào đầu một thế kỷ đầy biến động, rồi cùng qua đời vào năm 1997 và điều đặc biệt khá trùng hợp, là cuộc sống gia đình của hai nghệ sĩ tài hoa này lại hết sức ba đào, không thật sự bằng phẳng và may mắn...
NSND Minh Lý.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, “chiếu chèo xứ Đông” đã sinh ra nhiều nghệ sĩ tài danh làm rạng rỡ cho ngành chèo Việt Nam, mà nổi bật là nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghị (1886-1954) - chủ súy của phong trào “chèo cải biên”, hay còn gọi là “chèo cải lương” nổi tiếng trên đất kinh kỳ Thăng Long. Cũng vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ, khi cô gái Nguyễn Thị Minh Lý ra đời trong một gia đình chèo nòi, thì nghệ sĩ Nguyễn Văn Thịnh - tức Trùm Thịnh (sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND) và nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Mơ với cái tên Đào Mơ tài sắc vẹn toàn; cũng không nghĩ là họ sẽ có một cô con gái yêu, mà sau này sẽ trở thành một nghệ sĩ chèo nổi danh nối nghiệp cha mẹ - một trong số vài ba nghệ nhân bậc thầy còn lại của nghệ thuật chèo đương đại Việt Nam. Đó là NSND Nguyễn Thị Minh Lý (tức Minh Lý) - Nhà hát Chèo Việt Nam...
Sinh năm 1907 tại tỉnh Hải Dương, Minh Lý đã bộc lộ tài năng chèo từ rất sớm. Năm 17 tuổi, bà đã nổi tiếng với một loạt vai trong các vở Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Kim Nham, Lọ nước thần... Trước năm 1945, hãng Lécos phát hành đĩa ghi giọng hát bà khắp Đông Dương và Pháp. Sau năm 1954, bà đã đào tạo ra nhiều thế hệ diễn viên chèo tài năng cho sân khấu chèo Việt Nam.
Những ngày tháng lang thang cùng các gánh hát với cha mẹ, với hai cánh màn sân khấu, với những lời ca, giọng hát, tiếng đàn, tiếng trống và phách nhịp... trong tâm hồn thơ ngây của cô bé Minh Lý đã âm vang những làn điệu chèo sâu thẳm thiết tha, mê đắm của những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Lên 5 tuổi, tài nghệ của cô “đào bé” Minh Lý đã bộc lộ và phát triển mạnh mẽ, và với trên “chiếu chèo” với bao nhiêu nghệ sĩ tài danh lúc đó, bé Lý đã chiếm được cảm tình và lòng yêu quý của mọi người. Một con đường nghệ thuật đầy hấp dẫn, quyến rũ, nhưng cũng đầy nước mắt, cả những thử thách chông gai của hầu hết các nghệ sĩ, các gánh hát lang thang lúc đó, đang mở ra trước mắt Minh Lý. Tuy nhiên, vào những năm hai mươi đầu thế kỷ, các ban kịch nói tài tử đã chịu ảnh hưởng từ Pháp sang, các gánh hát chèo mất dần hoạt động ở các làng quê do những biến động lớn của xã hội, nên đang bị “cải lương hóa” để tự tìm ra những con đường tồn tại và phát triển nghệ thuật cũng như những kế sách để sinh nhai. Càng lớn lên, giọng hát vàng của Minh Lý càng nổi bật, với khả năng sắm đủ các loại vai nữ trên sân khấu chèo. Tiếng hát vàng ấy đã bay ra cả hải ngoại bằng các đĩa hát của hãng Lécos của người Pháp và trong đoàn Ca sĩ Bắc Kỳ vào biểu diễn tại triều đình Huế, một lần nữa, giọng hát vàng Minh Lý lại làm rung động bao nhiêu trái tim mê chèo của cố đô Huế mộng mơ...
NSND Minh Lý luôn giản dị, khiêm nhường, lặng lẽ bên trong cánh gà, hướng dẫn, chỉ bảo, dạy dỗ với tình thương của người thầy, người mẹ, người bà, mà không cầu danh cầu lợi… Tất cả chỉ vì lớp nghệ sĩ trẻ, con cháu của những chiếu chèo đã nổi tiếng hàng nghìn năm nay của dân tộc.
Nhưng rồi Cách mạng tháng Tám 1945 đã mở ra một trang sử mới cho cả dân tộc Việt Nam. Cũng như hầu hết các nghệ sĩ lang thang, các gánh hát tuồng, chèo, cải lương, các ban kịch tài tử... đều hòa chung vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Từ sau hòa bình lập lại 1954, Đoàn Văn công Trung ương ra đời và góp mặt trong “chiếu chèo” Trung ương, lúc đó là nghệ nhân chèo trùm Thịnh cùng con gái - nghệ sĩ Minh Lý nổi danh và nhiều nghệ sĩ chèo tên tuổi khác của “xứ Đông, xứ Đoài”. Con đường nghệ thuật mới, một cuộc sống mới trên đất nước Việt Nam độc lập, tự do đã thực sự mở ra những trang nghệ thuật chân chính và đầy mới mẻ. Từ một nghệ sĩ lang thang, Minh Lý trở thành một nghệ sĩ đích thực của Nhà hát Chèo Việt Nam...
Vừa vào độ tuổi bốn mươi đầy kinh nghiệm, từng trải và vững vàng về nghề nghiệp, nghệ sĩ Minh Lý đã tham gia tích cực vào tất cả mọi công việc thuộc về nghệ thuật với tấm lòng “sinh nghề, tử nghệ” đầy tâm huyết và cả một tình yêu sân khấu đầy mê say, cuốn hút. Vẫn là giọng hát vàng ngày xưa nổi tiếng, nhưng hôm nay người nghệ sĩ tài hoa ấy vừa tham gia chỉnh biên, lồng điệu với kỹ thuật điêu luyện, vừa trực tiếp dạy dỗ, truyền nghề cho các thế hệ học trò của mình ở hầu hết các đoàn chèo địa phương, Trường Nghệ thuật Sân khấu, rồi Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Lớp NSND, NSƯT, cũng như những thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay qua 5-7 lứa học trò của nghệ sĩ Minh Lý, đã trưởng thành, đã thành danh, đã nổi tiếng, nhưng người thầy của họ - giọng hát vàng, NSND Minh Lý vẫn giản dị, khiêm nhường, lặng lẽ bên trong cánh gà, hướng dẫn, chỉ bảo, dạy dỗ với tình thương của người thầy, người mẹ, người bà, mà không cầu danh cầu lợi... Tất cả chỉ vì lớp nghệ sĩ trẻ, con cháu của những chiếu chèo đã nổi tiếng hàng nghìn năm nay của dân tộc, mà người nghệ sĩ ấy đã gắn bó cả đời mình vào hai cánh gà dân dã của chiếu chèo Việt Nam.
Vào những ngày cuối đời, nghệ sĩ Minh Lý được Bộ Văn hóa, Thông tin cấp một căn hộ mới tại khu tập thể nghệ sĩ phố Giang Văn Minh, Hà Nội. Âu cũng “lộc nước” cuối cùng đến với tuổi già và cuộc đời một nghệ sĩ... Nhưng những chuyện cũ, chuyện mới, tri âm, tri kỷ với bạn hữu tuổi già và các thế hệ học trò chưa được bao nhiêu thì NSND Nguyễn Thị Minh Lý đã qua đời vào ngày 15/6/1997, thanh thản trút hơi thở cuối cùng, nhẹ nhõm, an nhiên... bởi bà đã làm tròn bổn phận, làm tròn đạo lý với đời, với nghiệp tổ, với nghề. Cùng với lòng tiếc thương và tình cảm của giới nghệ sĩ sân khấu, tiếng hát chèo dân tộc Việt Nam suốt nghìn năm qua, đã đưa hương hồn bà yên giấc ngàn thu...
Cho đến ngày hôm nay, đã bước vào mùa thu năm thứ 18 của thế kỷ XXI, cũng vừa tròn 21 năm ngày NSND Minh Lý đi xa mãi mãi. Mỗi lần đi qua Rạp hát Kim Mã, chỉ cách căn hộ tập thể của NSND Nguyễn Thị Minh Lý một đoạn đường khoảng vài trăm mét - tôi lại chợt nhớ đến giọng hát vàng của bà và ngậm ngùi chợt nghĩ, bao giờ cho đến “ngày xưa” ấy, ánh đèn sân khấu rạng rỡ, hai cánh màn đỏ thắm, những lời ca tiếng hát bay lên, các nhân vật xuất hiện giữa cuộc đời tốt đẹp... Và hoa, và những nụ cười hòa cùng nước mắt hân hoan của đông đảo công chúng, sẻ chia niềm vui sáng tạo với những nghệ sĩ của sân khấu chèo dân gian Việt Nam... cứ sáng bừng lên, sáng bừng lên mãi...