NSND Hoàng Cúc và mùa thứ năm của khát vọng yêu thương

10-05-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nếu cần nhắc đến người phụ nữ nào trong xã hội Việt Nam đương đại vừa đồng cảm tâm hồn vừa khiến tôi khâm phục về nghị lực sống...

Nếu cần nhắc đến người phụ nữ nào trong xã hội Việt Nam đương đại vừa đồng cảm tâm hồn vừa khiến tôi khâm phục về nghị lực sống, tôi sẽ không phải nghĩ khi lập tức gọi tên cô: NSND Hoàng Cúc. Xuân sắc cô đã dâng hiến cho nghệ thuật và cuộc đời cô cũng là một nghệ thuật sống đẹp không dễ thấy thông thường.

NSND Hoàng Cúc.

Phải vì định mệnh không mà ngay từ vai diễn chính đầu tiên đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu Kịch toàn quốc ở TP. Hồ Chí Minh năm 1985, vở Tôi và chúng ta (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: Hoàng Quân Tạo), Hoàng Cúc được giao và đã thể hiện tốt vai cô công nhân Thanh dũng cảm đấu tranh bảo vệ đồng nghiệp và cái đẹp của nhà máy. Vở diễn tập hợp toàn diễn viên có nghề và Hoàng Cúc nổi lên từ đấy như ngôi sao sân khấu với ánh sáng khác biệt. Kịch Hà Nội thập niên 70, 80, 90 thế kỷ XX đóng góp lớn vào sự hoàng kim của sân khấu Thủ đô và cả nước. Nhiều người “ăn” sân khấu, có năng lực; nhưng sở hữu nhan sắc và lối diễn ấn tượng thành dấu ấn đặc điểm, chỉ có thể điểm tên. Hoàng Cúc có những vai diễn sáng giá cả kịch nói và điện ảnh, chị đã thực sự toả sáng trên sân khấu và màn bạc bằng dấu ấn riêng có, đã du diễn ở châu Âu và dự Liên hoan phim Quốc tế tại Pháp.

Cuối năm 1984, Hoàng Cúc đóng phim Người tôi yêu tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội, không có ai trông con (Mầm - Lê Hoàng Linh), phải bế theo, các cô y tá bế hộ thì 30 năm sau, Mầm cùng vợ chăm sóc mẹ trong BV và chính các con là động lực để mẹ Cúc cố gắng. Cao 1m65, đôi mắt hút hồn, đài từ lạ và lối diễn rất sâu bởi Hoàng Cúc là diễn viên hiếm có năng lực văn học lớn. Hoàng Cúc đọc, phân tích tác phẩm văn học ngang và có khi hơn nhà văn, nhà phê bình chuyên nghiệp. Tôi khẳng định điều này sau 19 năm cầm bút vì biết một số nhà văn ít chịu đọc, lười đến rạp và nhà hát, hay khen chê bằng cảm tính và lười biếng tư duy sáng tác của chính mình lẫn khi tiếp cận tác phẩm nghệ thuật khác. Từ Quý phi đài các trong phim Kiếp phù du (ĐD, NSND Hải Ninh) đến vai Hoàng hậu trong vở Hamlet, Hoàng Cúc thành Tám Bính chuyên móc túi trên tàu hoả từ Hà Nội ra Hải Phòng trong phim Bỉ vỏ. Khả năng hoá thân đa dạng ấy chứa chất tài năng, vốn sống, lòng yêu nghề của một diễn viên thực tài. Nghệ thuật vốn khắc nghiệt sàng lọc, đào thải, công nhận và ghi nhớ. Ăn xổi, ăn may nhanh chóng bị lãng quên; sự nể phục của khán giả và đồng nghiệp không dành cho lao động nguỵ danh và lười biếng. Thâm niên nghề không phải giá trị và yếu tố quyết định độ bền mà là độ trường sức của nghệ sĩ giữ mình không xô bồ, dễ dãi khi nhận vai và lối sống. Hoàng Cúc đã lao động với trọn vẹn đắm say. Sự học của chị không chỉ dừng ở chuyên môn đào tạo ở Trường Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc - TP. Thái Nguyên mà là liên tục cập nhật các đồng nghiệp bậc thầy sáng giá trong và ngoài nước suốt 30 năm làm nghề cho đến bây giờ, khi về hưu đã được gần 3 năm. Trong vai trò Phó Giám đốc nghệ thuật Nhà hát Kịch Hà Nội 10 năm, chị nhường vai, nhường sân khấu cho lứa sau. Chị tích luỹ kiến thức, kiến văn dồi dào để có dịp là truyền cho các đồng nghiệp trẻ, cho con trai, con dâu và mong đủ sức khoẻ để dạy dỗ cháu nội đến lúc trưởng thành.

Quy luật một năm 4 mùa, Hoàng Cúc lại có mùa thứ năm. Đấy là mùa để cố gắng và hy vọng, là mùa xuân của năm tiếp theo, luôn hướng về phía trước với những dự định muốn làm, chưa làm được. Chương trình nghệ thuật Bay cùng ViLi tối 1/12/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hoàng Cúc đã tái xuất sân khấu theo lời mời của tôi. Cô đã nhận lời, bỏ mấy tuần tập luyện ròng rã. Tuỳ bút Cánh đồng cứu rỗi của tôi được làm hay hơn, sang thêm chính nhờ Hoàng Cúc. Cô khiến cả khán phòng choáng ngợp sững sờ. Ai đó nói cô đã diễn điên say như thể đấy là lần lên sân khấu cuối cùng vì mang trọng bệnh. Hoàng Cúc không nói đâu là lần cuối cùng, cũng chẳng chào giã biệt, chia tay, bởi cô không coi nỗi sợ hãi, cái chết là sự ngăn cản diễn xuất - nghiệp đời của cô. Cô đâu sợ khán giả lãng quên. Đối với cô: nhớ khán giả không phải là xuất hiện khắp nơi. Trong khói trắng bồng bềnh, Hoàng Cúc ngồi xếp bằng bục kê giữa sân khấu như thiền mà chính cô là ngọn lửa khao khát, đớn đau, nuối tiếc trước những cánh đồng đã mất, đồng lúa, đồng hoa. Tôi viết tuỳ bút ấy để khóc cho làng hoa Nhật Tân bị xoá sổ và hàng trăm cánh đồng, hồ và những hàng cây bị giết. Còn Hoàng Cúc diễn hay vì còn tải cả nỗi nhớ của mình về cánh đồng tuổi thơ.

NSND Hoàng Cúc và con cháu chúc Tết Giáo sư Vũ Khiêu, mùng 2 Tết Ất Mùi.

Là con út của gia đình sĩ phu trên phố Vọng Cung, Quang Trung, TP. Hưng Yên, chị chào đời vào mùa hè và rất thích ra cánh đồng sau mùa lúa chín. Từ thơ ấu đến giờ, lúc nào chị cũng thích ra cánh đồng bình yên nghe tiếng cu gáy, tu hú gọi bầy. Thương nhớ đồng quê và những cánh đồng đã mất, chị nuôi chim cu gáy nhiều năm nay, dù cứ 1-2 tuần về nơi “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Ngôi nhà 5 tầng mặt ngõ - 53 phố Linh Lang là tư gia của Hoàng Cúc mà mọi người chung quanh đều biết. Chẳng do ngõ chợ đông đúc mỗi sáng quen với hình ảnh chị mua hoa, là nghệ sĩ nổi tiếng mà không kiêu, cởi mở, bình dị với mọi người.

Sau Tết 2011, lo đám cưới cho con trai, đến hè, Hoàng Cúc mới biết mình bị ung thư vú giai đoạn 2. Là một trong những diễn viên tiêu biểu của Nhà hát Kịch Hà Nội, chị không có mặt trong ngày Hội 55 năm thành lập hôm 25/8/2014 vì sang Quảng Châu theo lịch điều trị nâng cao sức đề kháng. Chị một mình đối mặt thực tế ác nghiệt khi có bệnh nhân cùng phòng hôm nay nói chuyện, ngày mai đã không gặp. Phải kiêng sữa, đường, thịt bò, đồ rán, xào; lúc thèm quá, chị lại rủ cả nhà và bạn bè đi nhà hàng Nhật Bản. Uống nhiều loại thuốc, tảo mỗi ngày, Hoàng Cúc không sống bằng tâm thế từng ngày dù lịch biểu theo y lệnh. Chị điều tiết tâm lý bằng yêu thương. “Tôi không tham vọng quyết liệt trở lại đóng phim, đóng kịch vì tham hào quang gì nữa hay muốn kéo dài tuổi thọ nghề khi sắc vóc, sức khoẻ không còn phong độ, rút lui đúng lúc là sự tự trọng, giữ hình ảnh đẹp trong lòng khán giả. Làm tròn vai trong nghiệp và giờ với thời gian còn lại của cuộc đời, tôi muốn dành cho người ruột thịt, cho những ấp ủ chưa làm được và tâm huyết dạy dỗ cháu nội. Sống trong lòng công chúng mà không có hơi ấm gia đình thì vô nghĩa. Tôi nhiều bạn tốt, dù tôi ít xuất hiện ở những nơi chốn ồn ào, họ vẫn luôn không quên và hằng đến với tôi. Sống trong khán giả chỉ một thời. Sống trong lòng người ruột thịt sẽ còn mãi”. Trừ thứ Bảy và Chủ nhật, sáng nào NSND Hoàng Cúc cũng tập với thầy Yoga 1 tiếng, buổi đêm chị ngồi thiền, dành thời gian đọc sách. Nhà ở vị trí đẹp không chỉ cái đẹp định giá bằng giá đất mà giá trị không gian. NSND Hoàng Cúc đã dày công nuôi dưỡng tuổi thơ cho cháu gái đầu lòng Lê Thiên Phi Yến gần 3 tuổi nhạy bén quan sát, lòng nhân hậu, quý thiên nhiên và động vật. Các balcon đều đầy cây và hoa; phòng bà nội có bể cá, bà lại cho cháu xem thế giới động vật qua tivi, mạng, ra công viên Thủ Lệ. Chị chịu khó cập nhật công nghệ, Iphone, Ipad đời mới, song lại rất coi trọng giá trị truyền thống, Tết Nguyên đán, Trung thu, Tết Đoan ngọ đều cúng đầy đủ theo tập tục ngày xưa và chỉ bảo cho con dâu với tình yêu thương như con đẻ.

Mấy tháng mùa đông và dịp Tết vừa qua, Hoàng Cúc phải mang cánh tay phải sưng to. Vào mùng 8 Tết (26/2), chị đã phải phẫu thuật. Chị quyết định mổ ngay ở BV 103. Tay phải quấn băng 6 tháng gây khó khăn khi tắm gội, không thể đi bơi và tập Yoga mỗi ngày khiến chị bứt rứt.

Am hiểu tâm linh, không mê tín dị đoan, Hoàng Cúc tin vào nhân quả, sống tử tế chính là bí quyết của thanh thản. Chị thường xuyên dành thời gian cập nhật các buổi ra mắt phim và kịch mới, đến để xem và ủng hộ đồng nghiệp, lái xe đưa bạn bè đi lễ, làm từ thiện. Hoàng Cúc luôn tìm và muốn duy trì, nhân lên những điều tốt đẹp, sự lãng mạn và chất thơ trong đời sống. Chính tôi và nhiều người trẻ khoẻ không hiếm lần xin lời khuyên và “dựa” vào bản lĩnh sống của Hoàng Cúc trước những biến cố, chấn động.

Hoàng Cúc luôn có những cuốn sổ: sổ ghi các vai diễn sân khấu và điện ảnh, sổ ghi những chi tiết, danh ngôn hay. Sự tích luỹ vốn sống này cùng sự am hiểu, đa dạng khiến ai nói chuyện với chị cũng thấy thú vị, thấy tâm hồn mình đầy lên. Chị có những đúc kết, triết lý, đúng và hay chẳng kém danh ngôn. Từ 20 năm nay, Hoàng Cúc viết truyện ngắn, có truyện chị bắt đầu vào năm này và kết thúc vào 4 năm sau, gián đoạn vì bận diễn, bây giờ vẫn chưa tập trung hoàn toàn được bởi dành chủ yếu thời gian cho con cháu; song túc tắc viết được mỗi ngày vì chị kỹ lưỡng câu chữ.

Hoàng Cúc sinh ra vào mùa hè (ngày 5/6), chị biết mình bạo bệnh vào 4 mùa hè trước và vẫn đầy niềm ham sống khi mùa hè mới đến. Đã sang Nhật mùa xuân 2014, Hoàng Cúc đem lòng yêu chuộng văn hoá và kính nể tinh thần Nhật Bản từ lâu. Tôi đã thấy tinh thần Nhật Bản ấy nơi cô: mạnh mẽ, dịu dàng, quyết liệt, tinh tế và tự trọng. NSND Hoàng Cúc là thành viên tích cực của CLB Bác Ái do BV Ung bướu Quảng Châu lập, kết nối bệnh nhân ung thư vú nhiều quốc tịch. Chị đã nhiều lần trao đổi kinh nghiệm, động viên người đồng cảnh. Đông bệnh nhân là fan hâm mộ của chị trong nghệ thuật, vừa ngưỡng mộ chị về bản lĩnh đấu tranh chống bệnh tật - đấy là dũng cảm đương đầu và không để sợ hãi làm mụ mẫm, rối loạn cách điều trị; lựa chọn và kiên định theo lối điều trị khoa học. Bộ ảnh của chị và các nghệ sĩ: NSƯT Chiều Xuân, hoa hậu Ngô Phương Lan, Nguyễn Thị Loan, pianist Trang Trinh, ca sĩ Thái Thuỳ Linh đã trưng bày trong Ngày hội Nơ hồng khai mạc ngày 19/10/2013 tại Nhà Thể chất - Đại học Thủy Lợi và 20/10/2013 tại Swing Lounge - 21 Tràng Tiền, Hà Nội. Đây là sự kiện được tổ chức lần đầu tiên bởi Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - do Thương Sobey - một phụ nữ mắc ung thư vú giai đoạn 4 - sáng lập (cô Thương vừa mất tại Úc, tháng 3/2015, sau gần 2 năm nỗ lực chiến đấu cho chính mình và cộng đồng). Nghệ sĩ Hoàng Cúc lớn tuổi nhất và là người duy nhất trong đội ngũ này đã chụp ảnh để nhắc nhở, cổ vũ những phụ nữ biết bảo vệ bản thân và đang mang bệnh ung thư vú.

Hoàng Cúc luôn muốn được đến nhiều nước trên thế giới và ánh mắt người đàn bà can đảm ấy ngời sáng khi tôi hỏi về sự trở lại: “Sao lại từ chối khi có kịch bản hay?”. Sống tích cực và yêu cuộc sống, với NS. Hoàng Cúc là quý thời gian, dành nó để làm những việc ý nghĩa.

Nếu mỗi chúng ta đều sống vươn lên, vượt những hữu hạn vốn dĩ để luôn có mùa thứ năm thì tuyệt biết bao!             

Vi Thùy Linh

 

 

 


Ý kiến của bạn