Hà Nội

NSND Đặng Nhật Minh: Với tôi, Đừng đốt như một món nợ!

01-08-2009 09:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

Hội thảo về bộ phim Đừng đốt do Tạp chí Văn hiến Việt Nam cùng Trung tâm chiếu phim Quốc gia vừa tổ chức tại Văn phòng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch. Tiếng là hội thảo nhưng cách tổ chức gần với một buổi tọa đàm về điện ảnh và nghệ thuật hơn.

Hội thảo về bộ phim Đừng đốt do Tạp chí Văn hiến Việt Nam cùng Trung tâm chiếu phim Quốc gia vừa tổ chức tại Văn phòng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch. Tiếng là hội thảo nhưng cách tổ chức gần với một buổi tọa đàm về điện ảnh và nghệ thuật hơn. Bên cạnh những nhà nghiên cứu, hội thảo còn có sự góp mặt của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, NSƯT Diễm Lộc (người đóng vai bà mẹ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm), đặc biệt là bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ đẻ) và hai chị gái của chị Trâm.

GS. Hoàng Chương chủ trì hội thảo đã dành thời gian để đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ về bộ phim. Ông bảo: “Tôi mới đi nước ngoài một thời gian nên rất xúc động khi vừa trở về biết có hội thảo này. Sự nỗ lực hết mình của tôi và các cộng sự đã dồn vào việc thực hiện phim. Và tất cả những gì chúng tôi muốn nói thì đã nói hết trong phim rồi. Hôm nay chúng tôi đến đây là để lắng nghe các ý kiến của những nhà chuyên môn...”. Và như để bổ sung cho thông tin về sự tâm huyết của vị đạo diễn gạo cội của điện ảnh Việt Nam đương đại, GS. Hoàng Chương cho biết: Trong quá trình làm phim, biết NSND Đặng Nhật Minh ốm, ông đã tới thăm, thấy đạo diễn vẫn còn mệt mỏi nhưng trong đầu lúc nào cũng vẫn chỉ có Đừng đốt. Vị đạo diễn thừa nhận: đúng là ăn cũng nghĩ tới Đừng đốt, ngủ cũng Đừng đốt mà đi đâu cũng nghĩ tới Đừng đốt. Tức là Đừng đốt đã choán toàn bộ tâm tư suy nghĩ trong ông ở mọi lúc mọi nơi trong suốt quá trình thực hiện bộ phim.

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh (người thứ 3 từ trái sang) và các đại biểu trong Hội thảo Đừng đốt. 

  Buổi thảo luận kéo dài tới hơn 3 tiếng ấy thế mà không một lúc nào lắng xuống. GS. Phong Lê cho rằng bộ phim thành công bởi đã làm nổi bật được hai điểm là tính dân tộc và tính nhân loại. “Tôi đã rơm rớm nước mắt khi xem bộ phim này” - giáo sư tâm sự. Chẳng riêng vị giáo sư uy tín của nền văn học khóc, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thú thực khi xem phim nước mắt ông lã chã như mưa, xúc động thực sự, nhất là những hình ảnh ấy đã thức dậy trong ông hồi ức về một thời chiến tranh khốc liệt nhưng cao cả mà chính ông cũng là một người lính ở đó. Nguyễn Trọng Tạo đã sáng tác một bài thơ dài tới hơn trang giấy với những câu thơ đầy xúc động chỉ trong một đêm để kịp mang tới hội thảo chia sẻ với mọi người... Tất cả những câu chuyện ấy cứ “nóng” dần lên đã phá tan vị thế chỉ lắng nghe của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, ông đã cất lên những lời tâm sự: “Bản thân tôi đã gặp rất nhiều khán giả trẻ nước mắt lưng tròng: Chú ơi cháu cảm động lắm”. Và ông cũng đồng quan điểm với ý kiến trong hội thảo rằng phim buồn. Mà chiến tranh, sự chia ly thì vui làm sao được, nhưng nỗi buồn ấy không ủy mị mà đầy tính nhân văn và giúp con người ta trở nên vững vàng hơn trong khó khăn, thử thách, kể cả những thử thách khốc liệt nhất. 

“Cha tôi là bác sĩ Đặng Văn Ngữ cũng là một liệt sĩ. Cha tôi đã góp sức mình trong cuộc chiến này, khi ấy ông tới Huế để nghiên cứu và chữa bệnh cho các chiến sĩ và đã anh dũng hy sinh tại đây. Chính vì vậy tôi đến với bộ phim như một món nợ cần phải trả” - NSND Đặng Nhật Minh giãi bày. Thật tình cờ, đọc câu chuyện về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, về cuộc chiến oanh liệt nhưng đầy đau thương, mất mát của dân tộc, ông đã thực sự bị lôi cuốn và tất cả đã thôi thúc ông viết kịch bản, cho dù “chả biết có được dựng phim hay không song tôi vẫn cứ tự nhiên viết. Tất cả, hoàn toàn rất bất ngờ, như sự ngẫu nhiên của số phận”.

Còn một chuyện nữa được đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ trong hội thảo, ông có cảm tưởng dường như ông đã được liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm phù hộ, bởi trong suốt quá trình bấm máy kéo dài tới 2 tháng vậy mà trong kế hoạch định ra ngày nào cảnh nào thì thực hiện đều xong, tất cả cứ răm rắp chứ không hề trễ một buổi nào. Đạo diễn cho rằng đó chính là bởi có yếu tố tâm linh. Ở trong phim yếu tố này cũng được thể hiện khá rõ nét. Nó là sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa những người sống và người đã khuất, họ vẫn được nối với nhau bằng sự thần giao cách cảm và đó chính là yếu tố dân tộc!

Long Nguyễn


Ý kiến của bạn