NSND Bạch Trà - Ngôi sao lớn trên bầu trời sân khấu dân tộc

29-09-2018 10:35 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bạch Trà (1912 - 1997) - nguyên Đoàn trưởng Đoàn tuồng Bắc Trung ương, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - ngôi sao lớn trên bầu trời sân khấu dân tộc, qua đời cách đây tròn 21 năm - nhưng cuộc đời sân khấu, vinh quang, cay đắng, cả nụ cười và bao nhiêu nước mắt của bà vẫn còn mãi trong lòng mỗi nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Trong cuộc sống riêng tư của mình, NSND Bạch Trà không có con cái, cũng không phải là người được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc gia đình;  nhưng niềm vui lớn lao nhất của người nghệ sĩ ấy, chính là những vai diễn bất tử của mình, chính là sự quây quần, đoàn tụ, săn sóc, trông nom của đàn con cháu các thế hệ nghệ sĩ là học trò của bà. Có lẽ, đó là những người gần gũi nhất, thấu hiểu được nỗi cô đơn, niềm đam mê cũng như niềm vui bất tận của nghệ sĩ Bạch Trà - người thầy, người mẹ, người bà, suốt đời sống mãi trong trái tim của những người nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và cũng chính họ đã thấu hiểu nhất cả thời thơ ấu mà NSND Bạch Trà đã trải qua...

Nghệ sĩ Đắc Nhã (vai Đề Thám) và NSND Bạch Trà (vai bà Ba) trong vở tuồng Đề Thám.

Nghệ sĩ Đắc Nhã (vai Đề Thám) và NSND Bạch Trà (vai bà Ba) trong vở tuồng Đề Thám.

Cách đây ngót một thế kỷ, ở vùng đồng chiêm trũng Kim Thanh, Phủ Lý, có một nhà nho nghèo sống bằng nghề “gõ đầu trẻ”. Ông thầy đồ hiền lành, phúc hậu, nổi tiếng một vùng quê nên học trò nhập học rất đông. Nhưng ông thầy đồ nhà nho nghèo đó không lấy tiền một cậu học trò nhỏ nào. Trong cuộc đời đầy khó khăn, thử thách, thiếu thốn gian nan ấy, ông thầy đồ lấy cuộc sống thanh đạm nhưng đầy tình thương làm niềm hạnh phúc cho cả cuộc đời mình. Ông nhà nho nghèo đạo cao đức trọng ấy chính là Nguyễn Ngọc Liễn - thân phụ của cô bé xinh đẹp, cô đào Mấn - sau này trở thành NSND Bạch Trà mà tên tuổi lẫy lừng khắp vùng quê đồng bằng Bắc Bộ - từ Nam Hà, Phủ Lý, Hà Đông, Thái Nguyên đến vùng quan họ Kinh Bắc và Kinh thành văn hóa Thăng Long ngàn năm văn hiến…

Khi vừa đầy tuổi tôi, Bạch Trà đã được mẹ, bà Đào Thị Ngấn - vốn là một diễn viên chèo xinh đẹp, khi đi hát thường ẵm ngửa con lang bạt xa quê hương, làng xóm, gia đình trong một gánh hát nghèo. Chính nỗi gian truân từ thuở lọt lòng ấy, chính từ bầu vú sữa mẹ và giọng hát chèo ngọt ngào say đắm từ trong trái tim người mẹ đã lặng lẽ thấm sâu vào tâm hồn Bạch Trà và dẫn dắt Bạch Trà bước đi trên con đường đầy chông gai, nước mắt của sân khấu, để trở thành một nghệ sĩ thật sự tài năng.

Những năm đầu thế kỷ XX, giọng hát mượt mà, sâu lắng đã đưa bà Đào Thị  Ngấn lên đất Hà Nội phồn hoa đô hội. Và rồi mỗi buổi tối, khi mẹ biểu diễn, cô bé Bạch Trà được chuyền từ tay người này qua tay người khác bên trong cánh gà sân khấu, được mọi người thương yêu, cảm thông và chăm bẵm. Lên 6 tuổi, cô bé Bạch Trà đã thuộc hết các vở diễn và nhiều câu hát chèo đã hằn sâu vào trí nhớ non nớt thơ ngây. Nhân một dịp dàn dựng vở mới, cô đào Đào Thị Ngấn đã xin cho đứa con gái nhỏ của mình được tập vai Chúa Tiên trong vở diễn. Và con đường sân khấu bất ngờ đã mở, cô bé Bạch Trà biểu diễn buổi đầu tiên trong đời mình trước khán giả. Đó là một kỷ niệm ngời sáng, lung linh, huyền ảo mà suốt đời, nghệ sĩ Bạch Trà mãi mãi không bao giờ quên. Trong vai diễn đầu tiên ấy, Bạch Trà, cô bé 6 tuổi khóc trong nhân vật và bà mẹ Đào Thị Ngấn cũng khóc vì sung sướng đứng nhìn con từ phía trong cánh gà sân khấu. Nhưng rồi, cũng như nhiều gánh hát lang thang và các nghệ sĩ lang thang từ ngày xa xưa ấy; cô đào Ngấn ngày càng lâm vào cảnh nghiện hút quá nặng. Cuộc sống trở nên sa sút. Tiền ăn chẳng đủ, lấy đâu tiền để nướng vào ngọn lửa bàn đèn. Thế là Bạch Trà vừa lên 8 tuổi, đã phải đi ở cho nhà Tây, làm cô bé hầu rượu, đi theo gánh xiếc kiếm thêm tiền ăn và cả tiền hút đỡ đần cho mẹ. Hai năm sau, khi đi theo gánh hát của mẹ xuống Hải Phòng, Bạch Trà được một người cậu (em bà Đào Thị Ngấn) đưa đi theo gánh hát tuồng của mình. Và rồi qua thời gian, Bạch Trà đã trở thành một nghệ sĩ thực sự - Bạch Trà vừa diễn chèo, vừa diễn tuồng và diễn cả cải lương nữa. Cuộc đời sân khấu mở ra đầy khát vọng, rực rỡ trước mắt người nghệ sĩ trẻ...

Nhưng phải đến đến mùa thu Cách mạng Tháng 8 - 1945, rồi toàn quốc kháng chiến 1946 bùng nổ; cuộc đời, sự nghiệp của nghệ sĩ Bạch Trà mới thực sự thăng hoa. Bà mang lời ca tiếng hát của mình lưu diễn khắp đồng bằng Bắc Bộ lên đến Thái Nguyên… Năm 1952, nghệ sĩ Bạch Trà sáng lập Đoàn Ca kịch Quyết thắng ở Bắc Giang. Năm 1953, Bạch Trà lập Đoàn Cải lương Quyết Tiến ở Thái Nguyên. Và rồi một vinh dự lớn đã đến với người nghệ sĩ tài hoa ấy, Bạch Trà được Nhà nước cử đi tham dự Đại hội Liên hoan Sinh viên thanh niên thế giới lần thứ IV tại Ru-ma-ni; đó cũng là lần đầu tiên, những lời ca tiếng hát Việt Nam vang xa ra ngoài biên giới. Năm 1959, nghệ sĩ Bạch Trà, nghệ sĩ Quang Tốn (là người bạn đời của bà) và một số nghệ sĩ tuồng được Bộ Văn hóa giao nhiệm vụ thành lập Đoàn Tuồng Bắc của Nhà hát Tuồng Việt Nam (ngày đó, Nhà hát Tuồng có hai đoàn biểu diễn: Đoàn tuồng Bắc và Đoàn tuồng Liên khu V). Và từ đó, cùng với các nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy, Sáu Lai, Ngô Thị Liễu, Năm Đồ, Chánh Tùng, Quang Tốn, Ba Tuyên... nghệ sĩ Bạch Trà đã sáng tạo và biểu diễn hàng trăm vai diễn trên sân khấu Tuồng Việt Nam. Từ đào thương, đào võ đến cả các loại kép; từ truyền thống, dân gian, lịch sử, cận đại đến hiện đại... Trong hàng trăm vai diễn rực rỡ của mình, Bạch Trà đã để lại trong lòng khán giả và giới nghệ sĩ Hà Nội bao niềm quý trọng, yêu mến một nghệ sĩ lớn tài hoa. Đó là một Điêu Thuyền lẳng lơ, quyến rũ, hy sinh vì nghĩa lớn trong vở Lã Bố hý Điêu Thuyền. Một Mạnh Lệ Quân kiêu kỳ, vẹn toàn, tài sắc trong Mạnh Lệ Quân thoát hài. Một nàng Chiêu Quân diễm lệ trong Chiêu Quân cống hồ… Đó là nữ tướng Mộc Quế Anh văn võ song toàn. Một vai kép văn trong Thanh Xà - Bạch Xà. Đó là nữ kiệt Đào Tam Xuân lấy máu đề cờ vì chồng rửa hận trong Đào Tam Xuân loạn trào; cho đến bà Ba trong vở tuồng lịch sử Đề Thám; là bà mẹ Lê tuyệt vời hy sinh vì non sông, đất nước trong vở tuồng hiện đại Tình mẹ... Suốt 80 năm làm nghề sân khấu (kể từ khi mới lên 5 tuổi, cho đến trọn cuộc đời), vợ chồng NSND Bạch Trà và NSND Quang Tốn đã đào tạo 7 thế hệ học trò xuất sắc cho ngành Tuồng Bắc Việt Nam, mà các vai diễn của họ trong suốt nửa thế kỷ qua đã để lại những ấn tượng đẹp đẽ về nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc, trong một không gian tuồng bác học, cung đình với những trình thức ước lệ, cách điệu, tượng trưng và một bầu trời khát vọng mênh mông, vô tận… Đó  là các NSND: Mẫn Thu, Đàm Liên, Tiến Thọ, Hoàng Khiềm, Gia Khoản, Minh Gái, Hương Thơm, Hồng Khiêm, Ánh Dương, Xuân Quý. Đó là những nghệ sĩ mà sau này đã thành đạo diễn, tác giả có tên tuổi trong cả nước như cố NSƯT, đạo diễn Đoàn Anh Thắng, cố TS. Tác giả Xuân Yến, tác giả Khắc Duyên… cùng nhiều Nghệ sĩ Ưu tú và bao nhiêu nghệ sĩ trẻ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, của Nhà hát Tuồng Việt Nam…

NSND Bạch Trà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và nhiều Huy chương Vàng, Bạc tại các Hội diễn, Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Vào mùa thu năm 2018 này, Nhà hát Tuồng Việt Nam kỷ niệm 59 năm thành lập (1959-2018), cũng là dịp tưởng niệm tròn 106 năm sinh của NSND Bạch Trà. Đã 21 năm qua, từ ngày người nghệ sĩ tài hoa - ngôi sao lớn trên bầu trời sân khấu dân tộc  Bạch Trà đã đi xa mãi mãi; nhưng tài năng, đức độ, cuộc sống thanh đạm, lòng yêu nghề da diết và hình ảnh của bà vẫn là tấm gương sáng cho các thế hệ nghệ sĩ sân khấu cả nước, cũng như của Nhà hát Tuồng Việt Nam.


NSND. Lê Huy Quang
Ý kiến của bạn