Hà Nội

NSAID có thể tăng nguy cơ suy tim ở người mắc bệnh đái tháo đường

26-08-2022 10:57 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có thể đối mặt với nguy cơ suy tim tăng lên đáng kể, nếu dùng ibuprofen hoặc một số loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID)…

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch được trình bày mới đây tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu ở Barcelona cho biết, sử dụng NSAID ngắn hạn làm tăng nguy cơ nhập viện do suy tim lên 43% trong số hơn 331.000 người mắc bệnh đái tháo đường type 2 (trong nghiên cứu), những người không có vấn đề về tim trước đó.

photo-1661440459307

Các NSAID được dùng để giảm đau, viêm mức độ nhẹ đến vừa

Các NSAID như ibuprofen, diclofenac… được dùng phổ biến để giảm đau nhức (mức độ nhẹ đến vừa) và tình trạng viêm, có thể có sốt hoặc không. Một số tình trạng được chỉ định NSAID như: Viêm khớp, đau vai gáy, đau thần kinh tọa, thoái hóa khớp, đau lưng, đau bụng kinh…

Kết quả cho thấy, NSAID làm tăng nguy cơ suy tim nhiều hơn ở những bệnh nhân đái tháo đường type 2 từ 80 tuổi trở lên (78%) hoặc những người có lượng đường trong máu cao (68%). Những người chưa bao giờ sử dụng NSAID trước đây có phản ứng xấu nhất, nguy cơ suy tim của họ tăng gần gấp 3 lần.

Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Anders Holt, bác sĩ tim mạch của BV Đại học Copenhagen ở Đan Mạch, cho biết: Do việc sử dụng rất thường xuyên và sử dụng NSAID trong thời gian ngắn, vẫn có thể xảy ra rủi ro.

TS. Eugenia Gianos, Giám đốc Sức khỏe Tim mạch Phụ nữ tại Bệnh viện Lenox Hill ở Thành phố New York cho biết, NSAID trước đây có liên quan đến việc tăng nhẹ nguy cơ suy tim nói chung, và đặc biệt là đối với những người đã bị các vấn đề về tim. Ở những bệnh nhân đã bị suy tim, chắc chắn có nguy cơ cao hơn.

Bản thân bệnh đái tháo đường type 2 cũng làm tăng nguy cơ suy tim. Điều này có thể do lượng đường trong máu tăng cao làm suy yếu các tế bào cơ tim. Ngay cả khi không bị tắc nghẽn động mạch vành hoặc thậm chí không bị suy giảm chức năng bơm máu của tim, người bệnh vẫn có nguy cơ bị suy tim, TS Gianos cho biết.

Trong nghiên cứu, TS Anders Holt và nhóm đã rà soát các cơ quan đăng ký y tế của Đan Mạch để xác định những người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2 từ năm 1998 đến năm 2021. Sau đó, loại trừ khỏi nghiên cứu những người đã được chẩn đoán mắc bệnh suy tim, cũng như những người đã sử dụng NSAID lâu dài do tình trạng bệnh lý.

photo-1661440461421

Ibuprofen là một thuốc trong nhóm NSAID thường gặp.

Khoảng 1 trong số 6 bệnh nhân tham gia nghiên cứu được kê đơn ít nhất một NSAID trong vòng một năm kể từ khi họ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2. Ibuprofen (một thuốc trong nhóm NSAID) được sử dụng phổ biến nhất, với 12% bệnh nhân đái tháo đường được kê đơn và mua thuốc dùng. Tiếp theo là diclofenac (khoảng 3% bệnh nhân sử dụng).

Cả hai thuốc thuộc nhóm NSAID này đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhập viện do suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, nghiên cứu cho thấy.

Tuy nhiên, suy tim không liên quan đến việc sử dụng NSAID ở những người bị bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt và có mức đường huyết bình thường.

Theo các nhà nghiên cứu, các cơ chế khác góp phần gây độc tính trên tim mạch của NSAID bao gồm tăng huyết áp, giảm tưới máu thận, tăng giữ nước và làm trầm trọng suy tim.

Do đó, khuyến cáo người bệnh đái tháo đường type 2 nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào.

Thuốc chứa acetaminophen (Tylenol) dường như không có liên quan đến nguy cơ suy tim. Để giảm đau, hạ sốt, acetaminophen sẽ được ưu tiên hơn các chất chống viêm không steroid, TS Fonarow cho biết.

Mời độc giả xem thêm video:

Bổ sung chất dinh dưỡng gì khi bị sốt xuất huyết để nhanh khỏi bệnh


DS Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn