“Nốt trầm xao xuyến” giữa biển trời Cô Tô

23-11-2018 17:48 | Y tế

SKĐS - Cô Tô - nơi huyện đảo sóng gió trập trùng, chưa bao giờ bình yên như lúc này. Nắng nhẹ, những hàng cây nhãn xòe tán rộng, tỏa màu xanh mát xuống không gian thoáng đãng của Trung tâm y tế huyện đảo. BS. Bùi Thị Thuy - Giám đốc Trung tâm, như bao nhiêu ngày khác, lặng lẽ đi từng phòng, theo dõi, chăm chút cho từng bệnh nhân của mình. Áo blouse trắng thấp thoáng dưới những hàng cây.

Đã quen với việc cả tháng trời không về nhà

Tháng 7, chúng tôi đặt chân đến Cô Tô trước tâm trạng của những người sắp phải đón một cơn bão ngang qua đảo. Mưa nhỏ, từng cơn, dứt mưa lại nắng, rồi lại mưa, du khách hấp tấp hưởng thụ những ngày bình yên trên đảo. Đi du lịch, gặp sóng gió, phải nằm cả mấy ngày trong phòng khách sạn, không còn là chuyện xa lạ ở vùng đảo này.

Chân dung BS. Bùi Thị Thuy - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô.

Chân dung BS. Bùi Thị Thuy - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô.

Đoàn bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng vậy. Họ vừa đi làm nhiệm vụ, vừa nghĩ đó là một chuyến du lịch quen thuộc của mình. Trung tâm y tế huyện Cô Tô đông hơn ngày thường một chút, bà con đến khám, lấy thuốc. Một người phụ nữ sắp đến ngày lâm bồn, cảm thấy mình may mắn khi được nhiều bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi “trực chiến”. Và họ đỡ đẻ thành công, khi vừa chân ướt chân ráo bước chân lên đảo. “Vừa đến đảo thì có ca đỡ đẻ. Anh chị em bảo đó là cái duyên. Lao vào đỡ đẻ luôn, tranh việc của chị Thuy, vì chả mấy khi được đỡ đẻ trên đảo thế này đâu nhé. Cứ như là mắc bệnh nghề nghiệp ấy, thấy vui lắm” - một nữ bác sĩ vừa vui vẻ cười đùa vừa nói.

Chị Thuy mỉm cười hiền hậu. Gần một tháng nay, chị chưa được vào bờ thăm chồng, chơi với con của mình. “Mình không dám về chứ không phải không muốn về. Càng những ngày thời tiết xấu thì mình lại càng bám trụ ở đảo, giống như chiếc xuồng cấp cứu đang neo đậu ở âu tàu vậy, luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận, xử lý tình huống bất ngờ xảy đến. Những ngày bão nổi, không thể lường hết được chuyện gì sẽ đến” - chị Thuy nói. Khi những đợt gió Nam ập đến, sóng nổi lên, việc di chuyển từ đảo về đất liền và từ đất liền ra đảo gặp không ít khó khăn, thậm chí là không thể thực hiện được.

BS. Thuy theo bố mẹ đi xây dựng kinh tế mới ở huyện đảo Cô Tô từ năm 1979. Chẳng biết duyên nợ nào đưa chị Thuy đến với nghề y, chị chỉ nhớ mình đã nghe theo lời khuyên của bố mẹ, học y để tự chăm lo sức khỏe cho bản thân, chăm sóc được cho gia đình và nhiều người khác.

Sau khi tốt nghiệp Trường trung học Y tế Quảng Ninh (nay là Trường cao đẳng Y tế Quảng Ninh). Năm 1994, TTYT huyện Cô Tô được thành lập, chị đầu quân về đây làm việc. Những năm tháng đó, huyện đảo Cô Tô chưa có điện lưới quốc gia. TTYT buộc phải chạy máy phát với hai khung giờ, từ 7 giờ đến 11 giờ và từ 13 giờ 30 đến 16 giờ. Thời gian còn lại trong ngày, trung tâm phải dùng bình ắc quy. Sau gần 20 năm TTYT hình thành, năm 2013, dòng điện lưới quốc gia vượt gần 60km, qua các đảo đá và biển cả mênh mông, chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Năm 2001, chị đi học trở thành bác sĩ tại Trường đại học Y Hải Phòng rồi trở về TTYT Cô Tô công tác tiếp tới năm 2007. Trong khoảng thời gian 12 năm làm việc tại TTYT huyện Cô Tô, BS. Thuy không có nhiều cơ hội để thực hành chuyên môn của một bác sĩ gây mê, điều mà chị muốn cống hiến. Vậy là, năm 2007, chị rời quê, tới nơi giúp chị trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề. Từ một bác sĩ gây mê, năm 2009, chị đi học cao học chuyên ngành ngoại khoa tại Trường đại học Y Hải Phòng, trở thành bác sĩ ngoại khoa.

Run rẩy trước những người bệnh đồng hương

Trong suốt 10 năm làm việc tại TTYT huyện Vân Đồn, gắn bó là thế nhưng trong lòng chị vẫn gợn lên một nỗi buồn đau đáu về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Nơi ấy, bố mẹ đẻ của chị vẫn hàng ngày sinh sống, gắn bó với từng đợt sóng gió và cả những ngày yên ả của vùng đảo này. Vài lần gặp những người bệnh đồng hương, chị lại càng thấy mình vẫn còn chưa trả được mối nợ trĩu lòng ấy. “Một lần, trong ca trực của mình tại TTYT huyện Vân Đồn, tôi phẫu thuật một ca bị băng huyết sau sẩy thai được chuyển vào từ Cô Tô. Gương mặt của người đồng hương nhợt nhạt do mất máu khiến tôi không cầm lòng được. Lần ấy, mình càng thương Cô Tô của mình vô tận. Lại nhớ cha mẹ, nhớ người thân” - chị Thuy nhớ lại.

Bác sĩ Thuy hướng dẫn sản phụ cho bé sơ sinh bú mẹ.

Bác sĩ Thuy hướng dẫn sản phụ cho bé sơ sinh bú mẹ.

Một lần khác, cách đây 2 năm, khi cùng gia đình nhỏ của chị về thăm bố mẹ, chị Thuy bỗng nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp cũ công tác tại TTYT huyện Cô Tô trong sự hốt hoảng. Giọng đồng nghiệp của chị run lên: “Chị Thuy ơi, trung tâm vừa tiếp nhận một sản phụ chửa ngoài tử cung bị vỡ, máu phun ồ ạt, mất nhiều máu lắm. Chị giúp chúng tôi đi”. BS. Thuy cấp tốc vào trung tâm, tham gia phẫu thuật cùng các bác sĩ khác tại đây. Khi mở ổ bụng, gần 1 lít máu cứ túa ra từ bụng sản phụ. Chị đã cùng các đồng nghiệp khác dốc lòng cứu sống người bệnh.

Tháng 3/2017, chị Thuy chính thức quay trở về quê nhà cống hiến sau nhiều năm xa cách. Lần này, BS. Thuy quay trở lại TTYT huyện Cô Tô ở một cương vị mới, là Giám đốc của trung tâm. Làm một bác sĩ đã khó, trở thành lãnh đạo một TTYT huyện lại không hề dễ dàng với một người phụ nữ như chị. Hơn thế, sóng gió huyện đảo bất thường, mọi thứ đều không thể lường trước được. “Địa phương làm du lịch, du khách đến rất đông. Mình lúc nào cũng phải trong tâm thế sẵn sàng ứng phó sự cố. Giả dụ như ngộ độc thực phẩm tập thể chẳng hạn, cứ nghĩ đến là rùng mình. Vì lực lượng ở trung tâm khá mỏng mà lại cách xa đất liền, các anh chị trong đất liền ứng cứu cũng cần có thời gian mới ra được đến nơi” - chị Thuy tâm sự.

Hơn bốn chục nhân viên của trung tâm phải chăm sóc cho sức khỏe của hơn 6.500 người dân trên đảo - những người đồng hương thân thiết, có cả người thân, chị Thuy nghĩ, mình phải mạnh mẽ để có thể lo lắng được. Nghĩ lại quãng thời gian 16 tháng vừa qua, khi quay lại TTYT huyện Cô Tô làm việc, chị Thuy bảo: “Biết là khi quay về Cô Tô làm việc thì sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không tưởng tượng ra được lại khó khăn đến mức như thế. Áp lực công việc luôn đè nặng, những ca mổ không đơn giản, trang thiết bị còn nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Cũng may mắn, có anh em đồng nghiệp sát cánh, đồng lòng”.

Một ngày, đoàn công tác của trung tâm tới Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô để tiêm chủng vắc-xin theo Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Họ gặp đúng ngày biển động, gió lớn thổi không ngừng. BS. Thuy cùng 9 người trên chiếc tàu của bộ đội biên phòng, phải đứng trong tư thế chống đỡ, bám chặt vào thành tàu. Lúc ấy, trong lòng chị Thuy đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là mình sẽ không vượt qua được. Thế nhưng, may mắn thay, đoàn công tác vẫn lên đảo an toàn. “Tiêm xong cho cháu bé cuối cùng, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm” - chị Thuy nhớ lại.

Sau hơn 1 năm BS. Thuy về làm giám đốc tại đơn vị y tế duy nhất của huyện đảo Cô Tô, hoạt động của trung tâm dần có sự thay đổi và đi vào nề nếp. Điều mà chị tâm đắc nhất từ khi quay lại TTYT huyện Cô Tô chính là sự thay đổi về thái độ và trách nhiệm của nhân viên y tế trung tâm. Bốn tháng sau khi chị quay trở về, TTYT huyện Cô Tô chính thức ứng dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện và đã triển khai thành công Bệnh án điện tử. Người dân Cô Tô đã yên tâm, tin tưởng hơn nhiều khi đến khám và điều trị tại trung tâm. Thay bằng việc vượt sóng gió vào đất liền chữa bệnh, họ quyết định gắn bó với y tế đảo.

Có bệnh nhân rồi, chị Thuy và các đồng nghiệp không còn lo “không có đất dụng võ” nữa. Họ lao vào công việc hết lòng, tận tụy, dốc sức để đổi lại niềm vui cho những người bệnh, đổi lại nụ cười hạnh phúc của những gia đình Cô Tô khi đón thành viên mới... Và phía sau những niềm vui ấy, có phần công sức không nhỏ, có sự hy sinh thầm lặng của BS. Thuy. “Tôi may mắn khi có một người chồng cùng nghề nên anh thấu hiểu công việc của một người bác sĩ. Từ khi lấy nhau, anh luôn là người đảm nhiệm việc chăm sóc con cái thay tôi. Con gái lớn 4 tuổi, tôi đi học trở thành bác sĩ. Con trai thứ hai được 2 tuổi, tôi lại đi học cao học và bây giờ, tôi tiếp tục lựa chọn làm việc ở đảo xa. Thế nhưng, anh ấy vẫn gật đầu đồng ý và sát cánh bên vợ. Tôi cảm thấy, như thế là đủ” - chị Thuy tâm sự.

Có lẽ, giữa bản nhạc réo rắt và ầm ào của sóng biển Cô Tô, chị Thuy như một nốt nhạc trầm. Một nốt trầm xao xuyến/Tan biến trong hòa ca/.../ Lặng lẽ dâng cho đời/... (*) .

(*) Ca từ bài hát "Một mùa xuân nho nhỏ", nhạc Trần Hòa, thơ Thanh Hải

Từ một TTYT huyện đảo có 20 giường bệnh vào năm 2010, trung tâm đã nâng lên quy mô 50 giường bệnh năm 2017, đảm bảo khám chữa bệnh cho quân dân và du khách trên đảo, thời điểm cao nhất lên tới hơn 10.000 người. Mỗi ngày, TTYT huyện Cô Tô khám và điều trị khoảng hơn 30 người bệnh. 100% người dân huyện đảo có bảo hiểm y tế. Nguồn thu duy nhất của trung tâm đến từ quỹ bảo hiểm y tế. Trung tâm chủ động trong phẫu thuật cấp cứu ngoại – sản. Phẫu thuật nội soi đã được tiến hành thường quy từ năm 2017.


Bài, ảnh: Thùy Linh
Ý kiến của bạn