Tuy nhiên, trải qua thời gian, Hội Lim đã có dấu hiệu biến tướng, để xảy ra tình trạng thương mại hóa khiến nhiều người không khỏi lo ngại.
Từ truyền thống
Hội Lim ra đời vào thế kỷ XVIII. Có giả thuyết cho rằng Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương.
Trong hàng ngàn lễ hội truyền thống đầu xuân ở Việt Nam, Hội Lim ở tỉnh Bắc Ninh là một trong những lễ hội có nhiều đặc sắc, mang nhiều ý nghĩa. Đến với Hội Lim, du khách sẽ được chứng kiến đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km. Tại Hội Lim, nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu diễn ra. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, các liền anh liền chị đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.
Đặc biệt, nét văn hóa đặc trưng và được đón chờ nhất của Hội Lim là những màn hát quan họ. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.
Đến với Hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia. Không những thế, du khách còn có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ) hoặc tham dự các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm... Vì thế, Hội Lim gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam Việt Nam nói chung.
Bất chấp lệnh cấm, liền chị vẫn “ngả đĩa xin tiền” tại Hội Lim 2018.
Đến biến tướng
Cũng như nhiều lễ hội khác ở nước ta, Hội Lim trong thời đại mới bị thương mại hóa và có nhiều dấu hiệu biến tướng. Trong đó đáng kể nhất là tình trạng “ngả nón xin tiền” của những liền anh, liền chị nhiều năm qua vẫn diễn ra. Hội Lim 2018 vừa qua, bất chấp quy định cấm từ Ban tổ chức, các liền anh, liền chị hát quan họ tại các địa điểm vẫn vô tư ngả nón, đĩa nhận tiền “lì xì” của du khách. Trên thuyền rồng dạo quanh hồ, liền anh đóng khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bảy chèo thuyền hát quan họ. Trong lúc các liền anh, liền chị hát thì liền chị tay cầm đĩa mời trầu và vô tư nhận tiền khi du khách thả tiền vào đĩa. Bên cạnh đó, trong Hội Lim có tổ chức những trò chơi dân gian, nổi bật là chọi gà. Nhưng không ít lần, du khách thập phương đến với Hội Lim chứng kiến nhiều chủ chọi gà đã chớp thời cơ này để cá cược ăn tiền khi gà thi đấu giống như hình thức cờ bạc trá hình rất phản cảm.
Ngoài ra, nhiều dịch vụ ăn theo tại Hội Lim cũng ăn theo và “chặt chém” du khách không thương tiếc. Nhiều người đến Hội Lim 2018 phản ánh, khi uống 1 cốc trà của quán nước bị “chém” đến tận 10.000 đồng. Không những thế, nhiều dịch vụ khác cũng tranh thủ đẩy giá lên cao như 3.000 đồng/lượt đi tiểu tiện, 10.000 đồng/lượt đại tiện, 20.000 đồng/lượt gửi xe... Những dịch vụ này không mất nhiều chi phí đầu tư nhưng lại thu lời lớn bởi đều đánh vào nhu cầu bắt buộc của người dân khi đến trẩy Hội Lim. Mặc dù giá dịch vụ cao nhưng chất lượng lại không tương xứng với số tiền mà du khách đã chi trả, vì vậy nhiều du khách đến với Hội Lim 2018 tỏ ra bức xúc.
Hội Lim nhiều năm qua thu hút hàng vạn lượt khách trẩy hội du xuân, qua đó khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương Kinh Bắc và giới thiệu đến đông đảo các du khách về con người, văn hóa nơi đây. Nhưng không thể phủ nhận thực tế Hội Lim đã và đang có nhiều biến tướng mang tính kế thừa. Để loại bỏ những hình ảnh xấu xí kể trên, nhiều người dân cho rằng Ban tổ chức Hội Lim cần tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ cương và mạnh tay xử lý đối với những hành vi sai phạm diễn ra tại lễ hội.