Nốt ruồi ở bàn chân không ngờ ung thư da

08-05-2025 12:45 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Thấy một mảng đen ở bàn chân trái, người phụ nữ nghĩ là nốt ruồi không nguy hiểm. Đến khi tổn thương quá to và có biểu hiện chảy máu mới đi khám thì tổn thương đã tiến triển thành ung thư.

Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân nữ (68 tuổi), đến khám và điều trị với tổn thương là một mảng đen vùng cạnh ngoài bàn chân trái. Khối này xuất hiện từ nhiều năm trước, khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân thấy mảng đen to dần lên nhưng không đau hay ngứa.

Tiếp đó, bệnh nhân đã đến khám tại một phòng khám tư nhân và được xử lý cắt bỏ toàn bộ tổn thương. Sau khi thực hiện khoảng 3 tháng, vùng tổn thương cũ lại bắt đầu xuất hiện trở lại nốt đen, nốt này to nhanh, trung tâm loét chảy máu.

Qua thăm khám, BS. Vũ Nguyên Bình - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương đánh giá bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, toàn trạng ổn định. Tổn thương chính là mảng tăng sắc tố vùng bờ ngoài bàn chân trái, kích thước 4x3cm, ranh giới tương đối rõ so với da lành xung quanh, bờ không đều, bề mặt đóng vảy tiết bẩn. Bệnh nhân cũng mắc một số bệnh như tăng huyết áp, sỏi thận…

BS. Bình đã cho bệnh nhân chụp dermoscopy tổn thương, là một xét nghiệm cận lâm sàng chuyên biệt của chuyên ngành Da liễu. Kết quả chụp trùng khớp với chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ là ung thư tế bào hắc tố và bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị.

Nốt ruồi ở bàn chân không ngờ ung thư da- Ảnh 1.

Hình ảnh tổn thương trước khi điều trị. Bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ rộng vùng tổn thương (cách bờ tổn thương 2 cm).

Qua hội chẩn trước phẫu thuật, hội đồng thống nhất hướng xử lý: Tổn thương xuất hiện và tiến triển trong một thời gian dài, bệnh nhân và người nhà chủ quan không đi khám sớm vì nghĩ đây là nốt ruồi bình thường không nguy hiểm. Đến khi tổn thương quá to và có biểu hiện chảy máu thì bệnh nhân mới đi khám. Khi đó tổn thương rất có thể đã tiến triển thành ung thư.

Ngoài ra, bệnh nhân được điều trị lần đầu tại cơ sở không có chuyên môn nên không đánh giá được hết nguy cơ và phương pháp xử trí không chính xác.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ rộng vùng tổn thương (cách bờ tổn thương 2 cm). Vì tổn thương nằm ở vị trí sát ngón út, nên để đảm bảo an toàn bác sĩ đã phẫu thuật cắt cụt ngón út chân trái.

Sau đó tổn thương được làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định mức độ xâm lấn sâu của tế bào ung thư để đánh giá tình trạng di căn.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng được tầm soát di căn bằng phương pháp sinh thiết hạch cửa, là phương pháp tầm soát di căn ban đầu có giá trị cao.

Rất may mắn cho bệnh nhân là tổn thương ung thư chưa xâm lấn quá sâu tại vùng tổn thương và cũng chưa có dấu hiệu di căn hạch cửa. Tiên lượng của bệnh nhân là tương đối tốt. 

Sau đó bệnh nhân được ghép da che phủ lại vùng khuyết da sau khi cắt bỏ tổn thương ung thư. Phương pháp này giúp phục hồi lại vùng da bị mất, và giúp viện theo dõi loại trừ tái phát sau khi điều trị được dễ dàng hơn.

TS.BS Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hàng năm bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân với tổn thương và chẩn đoán tương tự bệnh nhân này.

Vậy nên khi phát hiện các tổn thương tăng sắc tố (màu nâu, đen) vùng gan bàn tay, gan bàn chân thì người dân cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm thiểu các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Bởi lẽ, các tổn thương tăng sắc tố ở các vùng này có tỉ lệ ung thư lớn và mức độ ác tính cao.

Mời bạn đọc xem thêm bài viết được quan tâm:

Nốt ruồi mọc ở đâu dễ thành ung thư?Nốt ruồi mọc ở đâu dễ thành ung thư?

SKĐS - Mỗi người có trung bình khoảng 10 - 40 nốt ruồi trên cơ thể. Đa số các nốt là lành tính, song cũng có một số nguy cơ ác tính, bị "ác tính hóa" trở thành ung thư...


Dương Hải
Ý kiến của bạn