Hà Nội

Nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân trong dịch COVID-19

26-02-2022 11:16 | Xã hội
google news

SKĐS - Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang thúc đẩy việc nộp phạt vi phạm giao thông qua cổng dịch vụ công quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho người dân, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp hiện nay.

Ngồi nhà nộp phạt, giấy tờ trả tận tay

Nộp phạt giao thông tại nhà, nhận giấy tờ tận tay - Ảnh 1.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ Xử lý, Đội CSGT đường bộ số 1 đang trả lời phỏng vấn báo chí.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ Xử lý, Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), cho biết: "Hiện nay, lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông đã được nâng lên dịch vụ công mức độ 4.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng".

Nộp phạt giao thông tại nhà, nhận giấy tờ tận tay - Ảnh 2.

Các chiến sĩ CSGT đội 1 đang làm nhiệm vụ tại đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, hiện lực lượng CSGT Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ này trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để tạo thuận lợi, không mất thời gian đi lại cho người dân, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến căng thẳng hiện nay.

Nộp phạt giao thông tại nhà, nhận giấy tờ tận tay - Ảnh 3.

Trong quá trình xử lí vi phạm, sau khi lập biên bản thì bên cạnh tuyên truyền, các chiến sĩ Đội CSGT số 1 còn phát các tờ rơi có nội dung cơ bản hướng dẫn việc xử phạt hành chính qua dịch vụ công.

Nộp phạt giao thông tại nhà, nhận giấy tờ tận tay - Ảnh 4.

Các chiến sĩ CSGT Đội 1 dừng xe một phương tiện ô tô.

Theo đó, các chiến sĩ khi ra ngoài đường xử lí vi phạm, sau khi lập biên bản thì bên cạnh việc tuyên truyền còn phát các tờ rơi có nội dung cơ bản hướng dẫn xử phạt hành chính qua dịch vụ công.

Người vi phạm có thể lựa chọn các hình thức nộp phạt, như trực tiếp, qua bưu điện (hay kho bạc) và hình thức dịch vụ công.

Lựa chọn hình thức dịch vụ công sẽ mang lại thuận tiện cho người dân, thay vì phải đi lại nhiều lần để nộp phạt vi phạm giao thông, nay người dân chỉ cần ngồi nhà, cơ quan hay bất cứ đâu, với một chiếc điện thoại hoặc máy tính có kết nối là có thể hoàn tất mọi thủ tục trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG). Giấy tờ cũng có thể được chuyển về tận nhà thông qua bưu điện mà không cần phải đến cơ quan công an để lấy lại.

Nộp phạt giao thông tại nhà, nhận giấy tờ tận tay - Ảnh 5.

Tại phòng tiếp nhận và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TT ATGT), Đội CSGT số 1.

Nộp phạt giao thông tại nhà, nhận giấy tờ tận tay - Ảnh 6.

Người vi phạm tại phòng làm việc của Tổ xử lý vi phạm TT ATGT, Đội CSGT số 1.

Được biết, để thúc đẩy người vi phạm giao thông lựa chọn cách nộp phạt qua Cổng DVCQG, lực lượng CSGT đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn qua các kênh thông tin, trong đó, chú trọng tuyên truyền khi lập biên bản vi phạm. Hiện riêng ở Hà Nội, lực lượng CSGT đã thực hiện hàng nghìn quyết định xử phạt qua mạng.

Tiện lợi, nhiều người dân ủng hộ

Để thực hiện việc nộp phạt trực tuyến vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người dân cần đăng ký một tài khoản đăng nhập tại Cổng DVCQG (truy cập địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html) và thực hiện theo hướng dẫn.

Cụ thể về mặt giấy tờ, trong quá trình làm việc và lập biên bản, người vi phạm cần cung cấp số CMND hay Căn cước công dân, số điện thoại di động… để CSGT ghi vào hồ sơ vụ việc, cập nhật lên hệ thống. Khi có quyết định xử phạt của cấp có thẩm quyền, hệ thống máy chủ sẽ gửi một tin nhắn bao gồm đường link - trang Web dịnh vụ công, đồng thời có mã số của quyết định xử phạt người vi phạm.

Nộp phạt giao thông tại nhà, nhận giấy tờ tận tay - Ảnh 7.

Cận cảnh quét mã QR căn cước công dân tại Trụ sở Đội CSGT số 1.

Người vi phạm có thể tự tra cứu mã số quyết định này để tự kiểm tra rồi lựa chọn hình thức xử phạt. Việc nộp phạt sẽ trực tiếp qua hệ thống banking ngân hàng và nhận biên lai điện tử. Tiện lợi hơn, khi người vi phạm bận công việc, ở xa (ngoại tỉnh) hay có nhu cầu có thể đăng kí qua dịch vụ công để nhận lại giấy tờ (bị thu giữ) tại nhà hay cơ quan. Cơ quan CSGT qua dịch vụ bưu điện sẽ gửi giấy tờ đang tạm giữ đó về địa chỉ người vi phạm đã đăng ký.

Trước đây người vi phạm giao thông, sau khi nhận biên lai xử phạt phải đến ngân hàng, kho bạc nộp phạt, rồi quay lại trụ sở CSGT - nơi lập biên bản vi phạm, để hoàn tất thủ tục, lấy giấy tờ về thì hiện nay, thông qua hình thức dịch vụ công người dân chỉ việc ngồi nhà thanh toán online và đợi bưu điện chuyển giấy tờ đến.

Tại trụ sở Đội CSGT đường bộ số 1, nhiều người dân khi vi phạm giao thông đã bày tỏ quan điểm đồng tình với hình thức xử phạt hành chính qua dịch vụ công này.

Anh L.V.C. (H. Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), cho biết: "Hình thức này rất tiện lợi cho người dân, không mất thời gian đi lại, đặc biệt những người ở xa, ngoại tỉnh. Việc đi lại nhiều lần, nộp phạt và lấy giấy tại Hà Nội sẽ mất thời gian và chi phí phát sinh. Thông qua hình thức trực tuyến dịch vụ công thì dù ở Vĩnh Phúc hay bất cứ đâu người vi phạm cũng có thể nộp phạt và nhận lại giấy tờ trực tiếp đến tận tay".

Nộp phạt giao thông tại nhà, nhận giấy tờ tận tay - Ảnh 8.

Anh T. bày tỏ quan điểm đồng tình với việc xử lý vi phạm hành chính qua hình thức dịch công.

Tương tự, anh P.X.T. (quê Thanh Hoá) – nhân viên shipper giao đồ ăn vi phạm dừng đỗ xe máy sai quy định, nhận mức phạt 150.000 đồng và phải đến ngân hàng nộp phạt. Sau đó, T. cầm biên lai qua trụ sở Đội CSGT đường bộ số 1 làm thủ tục để nhận giấy tờ. 

Nói về giải pháp xử phạt hành chính qua hình thức dịch vụ công, anh T. cho biết: "Hình thức này rất tiện lợi cho người vi phạm và việc xử lý cũng được nhanh hơn. Có thể ngồi ở bất cứ đâu, chỉ cần thao tác trên điện thoại là có thể nộp phạt và nhận lại giấy tờ bị thu giữ tại nhà. Việc này vừa không mất thời gian đi lại mà ngày công đó mình vẫn có thể đi làm". 

Video có thể bạn quan tâm:

7 lợi ích của vitamin C.


Phú Linh
Ý kiến của bạn