Đa số chọn trường công
Ghi nhận tại một số trường ĐH công lập tại TPHCM, dù lấy mức điểm xét tuyển tương đối cao (18-19 điểm) nhưng vẫn có lượng hồ sơ nộp vào nhiều.
Cụ thể như ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM hiện tại có hơn 2.400 hồ sơ; ĐH Kinh tế TPHCM cũng nhận được gần 2.000 hồ sơ; ĐH Công Nghiệp TPHCM (điểm xét tuyển 15 điểm) đến thời điểm hiện tại cũng đã nhận được khoảng 2.700 hồ sơ; ĐH Bách khoa TPHCM hơn 1.600 hồ sơ; ĐH Nông Lâm TPHCM nhận được gần 1.500 hồ sơ; ĐH Công nghiệp thực phẩm khoảng hơn 1.000 hồ sơ; ĐH Luật TPHCM nhận được 535 hồ sơ…
Đặc biệt, tại ĐH Sư phạm TPHCM từ sáng sớm ngày 3/8 đã bắt đầu đông nghẹt thí sinh và phụ huynh đến tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ xét tuyển.
Đại diện ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: “Sau 3 ngày tiếp nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1, nhà trường nhận được khoảng 2.800 hồ sơ. Riêng trong ngày 3/8, trường nhận được khoảng 1.600 hồ sơ”. Do lượng thí sinh đến đông, xếp thành nhiều hàng dài khiến nhà trường phải chia thành nhiều khu vực khác nhau để tiếp nhận hồ sơ, đóng lệ phí, nhập liệu…
Nằm đối diện ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn cũng không kém cạnh khi lượng thí sinh đổ về đây nộp hồ sơ cũng lên đến con số hàng nghìn. Cụ thể, trong hai ngày 1 và 2/8, trường này nhận được khoảng 2.700 hồ sơ. Ngày 3/8, trường này tiếp tục có hơn nghìn thí sinh đến nộp hồ sơ…
Trong khi đó, một số trường ĐH ngoài công lập, dù chỉ lấy điểm xét tuyển 15 điểm, nhưng lượng hồ sơ nhận vào vẫn không nhiều. Cụ thể, ĐH Công nghệ TPHCM nhận được khoảng 600 hồ sơ; ĐH Nguyễn Tất Thành 483 hồ sơ; ĐH Văn Hiến khoảng 350 hồ sơ; ĐH Kinh tế-Tài chính TPHCM chỉ mới hơn 100 hồ sơ…
Thí sinh điểm cao vẫn lo lắng
Tại ĐH Sài Gòn, thí sinh Vũ Thị Hậu, quê Bình Phước lên TPHCM nộp hồ sơ cho biết: “Em rất phân vân và lo lắng vì không biết nên chọn ngành nào và rất sợ bị rớt ĐH”.
Hậu kể, em được chị gái dẫn từ nhà lên TPHCM từ tối hôm trước để hôm nay tranh thủ đi nộp hồ sơ. Tuy nhiên, khi đến nơi em thấy đông người quá, nên càng khiến em hồi hộp, lo lắng. Kỳ thi vừa qua Hậu được 22 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 vào hai ngành là Sư phạm Lí và Sư phạm Hóa.
“Năm trước 2 ngành này lấy khoảng 19-20 điểm, điểm em cao hơn năm trước, nhưng em rất lo lắng, vì đề thi năm nay dễ, điểm chuẩn sẽ tăng theo”, Hậu nói.
Tại ĐH Kinh tế TPHCM, thí sinh Ngô Ngọc Yến Thanh, quê Đồng Nai cùng 3 bạn nữa rủ nhau đến nộp hồ sơ xét tuyển.
Thanh cho biết, kỳ thi vừa qua em được 22 điểm, nộp đơn vào 2 ngành Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh.
Ba bạn đi cùng Thanh cũng có số điểm dao động ở mức 20-23 điểm và cũng nộp đơn vào một số ngành như Quản trị kinh doanh, Thương mại, Kế toán… “Tuy nhiên bọn em hơi lo lắng vì điểm này chưa phải là cao. Khả năng vài ngày nữa bọn em sẽ xem tình hình thế nào, rồi lên lại TPHCM để quyết định giữ lại hay rút hồ sơ”.
Trong khi đó, dù đạt 24 điểm, số điểm tương đối cao, nhưng thí sinh Lê Quách Văn Thành (TPHCM) cũng tỏ ra lo lắng. Năm nay Thành nộp đơn xét tuyển vào 2 ngành Kinh doanh thương mại và Kinh doanh quốc tế. “Năm trước trường lấy 21 điểm, nhưng năm nay đề thi dễ nên không biết thế nào, khả năng điểm sẽ tăng nên em vẫn chưa yên tâm lắm”, Thành nói.