Hà Nội

Nóng vấn đề tai nạn lao động, trốn đóng bảo hiểm

06-04-2013 06:16 | Thời sự
google news

Ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền đã có cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hàng loạt các thắc mắc của nhân dân trong cả nước về vấn đề việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động… đã được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH giải đáp.

Ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền đã có cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hàng loạt các thắc mắc của nhân dân trong cả nước về vấn đề việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động… đã được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH giải đáp.

Nhức nhối gần 7.000 vụ tai nạn lao động

Tai nạn lao động (TNLĐ) luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, gây thiệt hại tính mạng, tài sản cho nhân dân. Trong năm 2012, cả nước để xảy ra 6.777 vụ làm 606 người chết, 6.361 người bị thương. Có nhiều trường hợp chết và bị thương do cháy nổ như sang chiết gas, hàn xì gây cháy… Một số ý kiến cho rằng nên tái thành lập Thanh tra nhà nước chuyên ngành về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời tăng cường về số lượng cũng như chất lượng cho lực lượng thanh tra viên hiện đang còn thiếu và yếu; nâng mức xử phạt hành chính trong vi phạm lĩnh vực ATVSLĐ.
Nóng vấn đề tai nạn lao động, trốn đóng bảo hiểm 1
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại trực tuyến với nhân dân. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, số lượng cán bộ làm công tác thanh tra so với đối tượng cần thanh tra thì quá mỏng. Chính vì vậy, tình trạng người lao động và người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc quy định về ATVSLĐ nên dẫn đến TNLĐ là thực trạng nhức nhối. Các văn bản của Nhà nước, từ Bộ Luật Lao động cũng như Pháp lệnh về thanh tra ATVSLĐ đã quy định rõ, tuy vậy ý thức chấp hành của một bộ phận chủ sử dụng lao động chưa được nghiêm, đó là chưa kể một bộ phận chủ lao động dù có biết, nhưng có hiện tượng vì lợi nhuận, vì lơ là trách nhiệm đối với tính mạng của người lao động. 

“Tới đây, Bộ LĐTBXH được Chính phủ giao trình Quốc hội Dự luật về ATVSLĐ trong năm 2014. Những vấn đề bất cập trong công tác thanh tra ATVSLĐ sẽ được đề cập với hướng rất tích cực, đó là xây dựng đội ngũ những người làm công tác thanh tra lao động mạnh hơn, các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ được tiến hành thanh tra công tác ATVSLĐ này. Như vậy sẽ góp phần sớm phát hiện và xử lý những trường hợp sử dụng lao động không chấp hành luật về ATVSLĐ”- Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu Bộ LĐTBXH cho rằng, tất cả người dân khi đi làm đều mong được đảm bảo an toàn, mong muốn sau mỗi ngày làm việc trở về nhà bình yên, mong không phải đón nhận tin xấu về người thân liên quan tới TNLĐ. Thực tế cho thấy, tại những công trường xây dựng lớn vẫn còn tình trạng công nhân không có trang bị bảo hộ lao động đúng quy chuẩn vẫn tiến hành làm việc. Đã có nhiều TNLĐ đáng tiếc xẩy ra nhưng dường như quy định về an toàn lao động vẫn bị bỏ ngỏ và chưa có biện pháp mạnh nào chấn chỉnh. Vì vậy, tới đây, Bộ sẽ tăng cường các lớp bồi dưỡng kiến thức về ý thức an toàn lao động, thực hiện pháp luật về an toàn lao động. Tăng cường kiểm tra các chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về an toàn lao động.

Doanh nghiệp nợ đọng BHXH 5.000 tỉ đồng

Theo thống kê cả nước năm 2012, số tiền nợ đọng BHXH là trên 5.000 tỉ đồng, tập trung tại các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài nguyên nhân là do tình hình kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn, nhiều DN phá sản không có khả năng đóng BHXH. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm Luật BHXH hiện nay còn hạn chế, chỉ ở mức dân sự. Chính vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét nghiên cứu đưa việc xử lý nợ đọng bảo hiểm của DN từ dân sự sang hình sự nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận một thực tế, nợ đọng BHXH gần đây rất lớn, các DN ngoài quốc doanh trên 40%, DN FDI là 14%. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân trong đó quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động, thậm chí có những DN đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng lại không đóng, dẫn đến việc khi người lao động đến thời gian được nghỉ, được hưởng chế độ thì phía BHXH lại nói là DN chưa nộp.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2012, Bộ LĐTBXH đã có văn bản kiểm tra các DN có nợ đọng; đồng thời yêu cầu địa phương đôn đốc tích cực để yêu cầu chủ DN đóng. Chính vì vậy nợ đọng BHXH giảm 13,7% so với năm 2011.

“Mức phạt chậm đóng BHXH chỉ chiếm 10% nhưng nếu vay bên ngoài lãi suất lên đến 15-20%/năm. Vì vậy, DN chấp nhận nợ BHXH để có vốn quay vòng. Do đó họ không muốn đóng BHXH cho người lao động. Bộ LĐTBXH đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lý hành vi nợ đọng tiền BHXH mà người lao động đã đóng nhưng DN chưa đóng cho BHXH theo hướng hình sự”- Bộ trưởng chia sẻ.

Dương Hải

Ý kiến của bạn