Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Dược (sửa đổi) trước Quốc hội ngày 25/3, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, hiện còn một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ việc nhập khẩu dược liệu để tránh tình trạng nhập khẩu dược liệu kém chất lượng, trong khi người dân lại bán dược liệu tự nhiên chất lượng cao ra nước ngoài.
Thực tế hiện nay cho thấy, ngoài việc nhập khẩu qua đường chính ngạch, dược liệu còn được nhập khẩu vào Việt Nam qua nhiều đường khác và sử dụng cho các mục đích khác nhau (sản xuất thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, thực phẩm). Do vậy, nếu quy định dược liệu đã có số đăng ký lưu hành hoặc dược liệu để sản xuất thuốc đã có số đăng ký lưu hành không phải cấp phép nhập khẩu như nguyên liệu sản xuất thuốc hóa dược thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ khó quản lý chất lượng và nguồn gốc của dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam để làm thuốc YHCT. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bằng YHCT, về lâu dài làm giảm uy tín và thương hiệu của YHCT Việt Nam.
Để đảm bảo chất lượng của dược liệu và sự phát triển của YHCT Việt Nam, do tính chất của mặt hàng này, cần có cơ chế đặc thù trong quản lý nhập khẩu dược liệu làm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. “Hiện nay, Bộ Y tế đã thực hiện việc cấp phép nhập khẩu một số dược liệu làm thuốc YHCT để kiểm soát chất lượng dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Tiếp thu ý kiến đại biểu, để đảm bảo chặt chẽ, dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 64 theo hướng giao Chính phủ quy định việc quản lý nhập khẩu dược liệu”, bà Mai cho biết.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) phát biểu tại Quốc hội về dự thảo luật Dược (sửa đổi)
Đề cập đến vấn đề sử dụng dược liệu, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, hiện nay đa số dược liệu đều được nhập ở nước ngoài, trong khi đó trình độ của chúng ta không biết kiểm soát được đến đâu. “Dược liệu nhập chủ yếu là các loại dược liệu đã chiết suất hoạt chất thành các chất dược liệu tốt bán ở nước bạn, sau đó chiết suất lần 2, lần 3 để xuất sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/4, 1/3 giá dược liệu trong nước. Người bệnh cứ uống toàn “thuốc bã” đấy thì làm sao khỏi được. Nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn dược liệu nhập này thì ngành YHCT của chúng ta sẽ dần dần bị triệt tiêu”, ông Tiên bày tỏ.