Ngày 26/3, thông tin từ Đội Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Công an Hà Nội cho biết, sau một tuần triển khai thực hiện việc xử phạt qua camera (từ ngày 13 - 19/3/2015), đã có 126 trường hợp vi phạm bị xử lý. Theo thống kê, các lỗi xử lý chủ yếu là vượt đèn đỏ, dừng đỗ, chuyển làn không đúng nơi quy định...
Được biết, để chuẩn bị cho việc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh này, trước đó, Phòng CSGT Hà Nội đã cho lắp đặt 360/450 camera thuộc dự án nâng cấp Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi giai đoạn I. Hiện nay, camera giám sát có thể phát hiện được các lỗi chính như vượt đèn đỏ, sai làn đường, đỗ dừng không đúng nơi quy định... Những lỗi này sẽ được truyền về máy tính ở Trung tâm điều khiển, căn cứ vào biển số xe, đội sẽ xác minh địa chỉ rồi gửi thông báo đến người vi phạm đến giải quyết. Trước mắt, Phòng CSGT CATP vẫn tiếp tục áp dụng hình thức xử phạt trực tiếp “nóng” trên đường. Sau một thời gian, khi hệ thống camera hoạt động ổn định sẽ ra các quyết định xử phạt nguội với phương tiện vi phạm bị phát hiện.
Việc xử phạt nguội các trường hợp vi phạm giao thông nhằm mục đích giảm thiểu tai nạn giao thông và răn đe nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân bởi tai nạn giao thông xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông kém và do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo. Tuy nhiên, trong thời gần đây, hệ thống giao thông của chúng ta đã từng bước được cải thiện, chính vì thế, ý thức của người tham gia giao thông vẫn là điều quan trọng.
Ý thức của người tham gia giao thông rất kém là điều không phải bàn cãi, ngay tại Hà Nội, nơi có số lượng cán bộ công chức và đội ngũ trí thức đông đảo, mặt bằng dân trí cao hơn nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông cũng rất phổ biến. Chuyện người dân Hà Nội vượt đèn đỏ hay đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh là chuyện diễn ra hàng ngày, hàng giờ và trước sự thờ ơ đến kỳ lạ, thậm chí được sự làm ngơ của các cấp chính quyền.
Tại sao người ta lại sẵn sàng vi phạm luật giao thông? Vì hầu hết họ nghĩ rằng sẽ không nguy hiểm cho chính họ và hành vi của họ sẽ không bị công an bắt giữ và xử phạt nhưng điều nguy hiểm và tai hại nhất mà ít người nghĩ đến đó là khi vi phạm luật giao thông thì tính thượng tôn của pháp luật đã bị phá vỡ, làm méo mó quy tắc của trật tự xã hội và gây nên một sự lan tỏa cái xấu, cái bất tuân luật pháp cho những người xung quanh và cho toàn xã hội.
Việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân là một quá trình lâu dài và trước hết phải bắt đầu từ ý thức nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông của những người bảo vệ pháp luật, của cán bộ công chức và đội ngũ trí thức. Chính vì thế, bên cạnh việc xử phạt của lực lượng cảnh sát giao thông thì các cơ quan chức năng cũng cần hưởng ứng bằng việc đưa ra chế tài kỷ luật nặng các cán bộ, công chức vi phạm luật giao thông, quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu mỗi cơ quan, đưa thêm các chế tài như tịch thu bằng lái, phạt tiền nặng các lỗi cố ý, bắt người vi phạm tham gia lao động công ích, truy tố hình sự các lỗi như lái xe khi say rượu… cũng là những biện pháp hiệu quả để nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Ngọc Mai