Quanh vấn đề này, ngày 28/3, bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó GĐ phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống.
PV. Thưa bác sĩ, việc lây nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa nói chung và trong nhóm MSM (quan hệ tình dục đồng giới nam) đang diễn ra thế nào?
Bác sĩ Tôn Thất Toàn: Việc lây nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa nói chung đã và đang được nỗ lực chung tay phòng, chống. Đến nay, các nhóm tham gia hoạt động tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm… không còn gia tăng nhiều và đáng lo ngại như trước kia nữa. Đến hết năm 2022, tổng tích luỹ số trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện ở Khánh Hòa là 2.785 trường hợp, trong đó, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong là 1.310, còn sống là 1.475 trường hợp.
Đối với nhóm MSM ở Khánh Hòa, việc lây nhiễm HIV đang rất phức tạp, nhiều nhất trong các nhóm có nguy cơ cao. Năm 2022, thông qua xét nghiệm phát hiện có 133 người nhiễm HIV/AIDS mới ở địa phương thì phần lớn rơi vào nhóm MSM, đặc biệt, lứa tuổi bị lây nhiễm ngày càng trẻ hóa (phổ biến nhất là từ 20 đến 29 tuổi), chủ yếu ở các khu vực đô thị. Bên cạnh đó, khảo sát thực tế cho thấy, nhiều người trong nhóm MSM khi quan hệ với bạn tình còn sử dụng chất kích thích mạnh, sẵn sàng vứt bỏ cao su nên nguy cơ lây truyền bệnh HIV/AIDS cho nhau rất cao. Trong thời buổi công nghệ, nhóm này thường kết nối với nhau qua mạng xã hội, điện thoại, có khi một người quan hệ không an toàn với nhiều bạn tình nên dẫn đến tình trạng một người bị HIV là có thể lây cho nhiều người.
PV. Trước tình trạng đáng báo động trên, ngành y tế Khánh Hòa đã triển khai những hoạt động chính nào để "hạ nhiệt" việc lây HIV/AIDS trong nhóm MSM?
Bác sĩ Tôn Thất Toàn: Để phòng, chống hiệu quả việc lây lan HIV/AIDS trong nhóm MSM, ngành y tế địa phương đã triển khai rất nhiều biện pháp như: thường xuyên điều tra, phỏng vấn và thu thập mẫu giám sát trọng điểm HIV với nhóm MSM để từ đó lập kế hoạch dự phòng và khống chế lây nhiễm. Cùng với đó, đưa hệ thống đồng đẳng viên với số lượng đông đảo, sử dụng các biện pháp tư vấn sáng tạo, linh hoạt, qua nhiều hình thức để tiếp cận các nhóm MSM hướng dẫn họ các biện pháp phòng lây truyền HIV/AIDS. Đồng thời phát chất bôi trơn, bao cao su đến tận tay những người có nguy cơ cao…
PV. Thực tế, có nhiều người bị nhiễm HIV nhưng không biết về tình trạng bệnh của mình, nhất là trong nhóm MSM, trong năm 2023 này, sẽ có những mục tiêu cụ thể nào để phòng, chống HIV trong nhóm MSM ở Khánh Hòa?
Bác sĩ Tôn Thất Toàn: Bên cạnh các giải pháp tổng thể, được triển khai xuyên suốt thì trong năm 2023 này, mục tiêu của chúng tôi là giúp 95% người nhiễm HIV trong cộng đồng (gồm cả nhóm MSM) biết tình trạng nhiễm HIV/AIDS của mình để có những lựa chọn cách điều trị phù hợp, hiệu quả. Muốn đạt được điều này thì cùng với tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho nhóm MSM là xét nghiệm HIV/AIDS online – nghĩa là các nhân viên y tế, đồng đẳng viên sẽ tiếp cận nhóm MSM qua mạng xã hội để nắm tình trạng, triệu chứng bệnh của họ sau đó gửi các mẫu test nhanh HIV qua chuyển phát nhanh đến người có nhu cầu. Họ sẽ được hướng dẫn tự test cho chính mình, nếu kết quả dương tính với HIV/AIDS thì sẽ được tư vấn kỹ càng bằng hình thức online trước khi trực tiếp đến cơ sở y tế để lựa chọn giải pháp điều trị.
Hy vọng cách làm này sẽ góp phần làm giảm lây HIV trong nhóm MSM. Bên cạnh đó, trong năm 2023 này, việc phân phát bao cao su, chất bôi trơn cho nhóm MSM ở Khánh Hòa được mở rộng, thực hiện bằng nhiều hình thức hơn như: thông qua nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhà thuốc, các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ giải trí...
PV. Xin cảm ơn bác sĩ