Hà Nội

Nóng rát miệng bệnh gì? Nguyên nhân do đâu?

05-10-2021 14:34 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh nhân luôn có cảm giác nóng rát miệng, khó chịu ở niêm mạc miệng, nhưng kiểm tra những vùng này lại không phát hiện thấy bất thường hay tổn thương thực thể. Vậy đây là bệnh gì, nguyên nhân do đâu?

Đau rát miệng - Dấu hiệu không nên bỏ quaĐau rát miệng - Dấu hiệu không nên bỏ qua

SKĐS - Nhiều người bị các triệu chứng đau rát trong miệng làm cho khó chịu, tái đi tái lại dai dẳng mà nguyên nhân thường không xác định được.

Thông tin chia sẻ uy tín, chuẩn xác từ PGS. TS. Phạm Thị Bích Đào - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giảng viên cao cấp Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội.

1. Nóng rát miệng do đâu?

Hội chứng nóng rát miệng là thuật ngữ để chỉ tình trạng gây ra cảm giác nóng rát trong miệng hay còn gọi là rối loạn cảm giác miệng. Cảm giác này có thể phát triển đột ngột và xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong miệng. Thông thường biểu hiện ở lưỡi, khẩu cái cứng và niêm mạc phía trong môi dưới. Đây là một rối loạn hiếm gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi, chủ yếu ở phụ nữ sau mãn kinh, độ tuổi từ 50 -70 tuổi (chiếm 18-33% số phụ nữ).

Theo nghiên cứu, hội chứng nóng rát miệng ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số. Hội chứng này có thể xảy ra ở cả phụ nữ và nam giới, nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng nóng rát miệng cao gấp 7 lần nam giới. Tuy không phải là một tình trạng cấp cứu, nhưng hội chứng nóng rát miệng gây khó chịu cho bệnh nhân, kéo dài lâu sẽ làm tăng sự phiền muộn, lo âu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

photo-1633261763045

Hội chứng nóng rát miệng gây khó chịu cho bệnh nhân.

2. Nguyên nhân gây hội chứng nóng rát miệng

- Hội chứng nóng rát miệng nguyên phát: Nếu nóng rát miệng không phải do một bệnh lý nào đó thì nó được gọi là nguyên phát hay hội chứng nóng rát miệng vô căn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hội chứng nóng rát miệng nguyên phát là do tổn thương các dây thần kinh kiểm soát cơn đau và vị giác (dây V, dây VII).

- Hội chứng nóng rát miệng thứ phát: Là trường hợp nóng rát miệng khởi phát sau một bệnh lý nào đó. Điều trị khỏi bệnh lý này sẽ làm thuyên giảm hội chứng nóng rát miệng. Các nguyên nhân phổ biến của hội chứng nóng rát miệng thứ phát có thể bao gồm: Thay đổi nội tiết tố (chẳng hạn như những thay đổi liên quan đến phụ nữ sau mãn kinh hoặc bệnh lý tuyến giáp).

- Rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường, dị ứng với các sản phẩm nha khoa, vật liệu nha khoa (thường là kim loại) hoặc thực phẩm… cũng gây ra tình trạng nóng rát miệng.

- Khô miệng, có thể do rối loạn (chẳng hạn như hội chứng Sjogren) và các phương pháp điều trị (chẳng hạn như một số loại thuốc và xạ trị)… hay những người đang dùng một số loại thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp loại ức chế men chuyển angiotensin, thuốc lợi tiểu… cũng có nguy cơ mắc hội chứng nóng rát miệng.

photo-1633261765292

Triệu chứng nóng rát miệng có thể trầm trọng hơn khi ăn những thức ăn cay nóng.

- Thiếu hụt dinh dưỡng như hàm lượng vitamin B12 hoặc sắt thấp; Nhiễm trùng miệng chẳng hạn như nấm miệng, tưa lưỡi; Trào ngược dạ dày - thực quản. Yếu tố tâm lý chẳng hạn như lo lắng, căng thẳng… có thể gây ra nguyên nhân tình trạng trên.

Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ bao gồm: 

+ Người đang có các vấn đề về đường tiêu hoá, các bệnh về tiết niệu, sinh dục. 

+ Người mắc bệnh lý rối loạn chức năng cảm giác, tự chủ của dây thần kinh sợi nhỏ (sợi cảm giác đau chói, cảm giác bỏng rát), đồng thời kèm theo các rối loạn thần kinh trung ương. 

+ Đang dùng một số loại thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp loại ức chế men chuyển Angiotensin, thuốc lợi tiểu. 

+ Sau cai nghiện thuốc lá…. cũng dễ mắc hội chứng nóng rát miệng.

photo-1633261766448

Hội chứng nóng rát miệng thường biểu hiện ở lưỡi.

3. Biểu hiện của hội chứng nóng rát miệng

- Người bệnh thường đến khám vì bệnh nhân luôn có cảm giác nóng rát, khó chịu ở niêm mạc miệng, tuy nhiên, khi kiểm tra những vùng này lại không phát hiện thấy bất thường hay tổn thương thực thể. 

- Các biểu hiện thường gặp là: Cảm giác nóng, rát, đau miệng là triệu chứng chính hoặc ngứa ran như kiến bò hay tê ở trong miệng. Cảm giác này có thể phát triển đột ngột và xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong miệng. Hội chứng nóng rát miệng thường biểu hiện ở lưỡi, khẩu cái cứng và niêm mạc phía trong môi dưới.

- Các cảm giác trên thường khu trú theo vị trí đường đi của dây thần kinh. Triệu chứng có thể trầm trọng hơn khi ăn hay uống thức ăn cay nóng.

Có 3 kiểu đau đã được xác định là:

Loại 1: Cơn đau không có khi thức dậy và tăng lên trong cả ngày.

Loại 2: Đau cả ngày lẫn đêm

Loại 3: Đau theo từng cơn, có ngày không đau

Cảm giác khô miệng cũng rất thường gặp (chiếm 46-67%), bệnh nhân tăng cảm giác khát hơn bình thường. 70% bệnh nhân được ghi nhận có sự thay đổi vị giác mà mô tả đặc trưng là miệng có vị kim loại, hoặc đắng, chua. Trường hợp nặng hơn có thể mất cả vị giác.

photo-1633261767376

Bệnh nhân luôn có cảm giác nóng rát, khó chịu ở niêm mạc miệng.

4. Chẩn đoán hội chứng nóng rát miệng

Dựa vào biểu hiện trên lâm sàng của bệnh nhân. Các bác sĩ có thể căn cứ vào quá trình mô tả bệnh sử. Hoặc không phát hiện được nguyên nhân gây đau miệng khi thăm khám thực thể.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm bổ trợ (chỉ mang tính tham khảo) có thể kể đến là: 

- Xét nghiệm máu để kiểm tra các vấn đề sức khỏe tổng quát; 

- Nuôi cấy mẫu dịch miệng để loại trừ nhiễm trùng do nấm, virus và vi khuẩn; 

- Test phản ứng dị ứng; 

- Test Sialometry đánh giá lưu lượng nước bọt (<0,7mg/min là giảm);

- Sinh thiết các tuyến nước bọt nếu nghi ngờ hội chứng Sjogren. Sinh thiết mô hoặc tế bào học nếu có bất kỳ tổn thương niêm mạc miệng nào, giúp chẩn đoán phân biệt. 

- Chụp cộng hưởng từ nếu nghi ngờ đau rát miệng có liên quan đến tổn thương dây thần kinh.

- Các bài test tâm lý, khám chuyên khoa tâm thần… 

Vì vậy, khi thấy có biểu hiện nghi ngờ hoặc bất thường cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Kéo dài tuổi thọ, trẻ lâu nhờ lối sống lành mạnh.


PGS. TS. Phạm Thị Bích Đào
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giảng viên cao cấp Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn