Hà Nội

Nóng: Philippines thắng kiện Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phải thực thi phán quyết của tòa trọng tài vì áp lực

12-07-2016 18:19 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 12-7, Tòa án trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết tuyên bố về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông không có cơ sở pháp lý.

Tòa trọng tài Phụ lục VII có trụ sở ở The Hague (Hà Lan) tuyên bố “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh sử dụng để phân định yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông trái ngược với Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Đó là yếu tố quan trọng nhất trong thách thức pháp lý chưa từng có đối với yêu sách của Trung Quốc bị Philippines khởi kiện vào năm 2013, 1 trong 5 chính phủ  tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông cùng với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Một phán quyết mạnh mẽ khác dành cho Bắc Kinh, tòa trọng tài quyết định Trung Quốc không có quyền hưởng 1 vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mở rộng đến 200 hải lý từ cụm đảo Nam Yết-quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đường lưỡi bò 9 điểm của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đã bị tòa trọng tài Quốc tế bác bỏ, Philippines thắng kiện Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông

Vụ kiện của Philippines được coi như một phép thử đối với cam kết của Trung Quốc về tuân thủ luật pháp quốc mà Mỹ và các đồng minh tuyên bố bị những hoạt động quân sự gần đây của Bắc Kinh phá hoại, bao gồm hoạt động xây dựng 7 đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Phán quyết đối với cụm đảo Nam Yết (Ba Bình) - quần đảo Trường Sa  (Việt Nam) rất quan trọng bởi vì công ước hàng hải Liên hợp quốc cho phép các nước xây dựng đảo nhân tạo trong khu vực EEZ riêng. Hiện Trung Quốc đã xây 7 cấu trúc trong phạm vi 200 hải lý quanh cụm đảo Nam Yết.

Điều đó có nghĩa Trung Quốc có căn cứ pháp lý để có một EEZ chồng lấn trên Biển Đông. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam khẳng định và bảo vệ chủ quyền. Ngay lập tức không có phản ứng từ Bắc Kinh. Trung Quốc không tham gia tòa trọng tài, tổ chức mà nước này cho biết không có thẩm quyền đối với vụ kiện và giới chức Bắc Kinh liên tục tuyên bố trong những tuần qua sẽ không tuân thủ phán quyết.

Vì sao Trung Quốc phản đối vụ kiện?

Đây là câu hỏi được nhiều người nêu ra, Sức khỏe & Đời sống sẽ tóm tắt lịch sử thành lập và chức năng của Tòa trọng tài để  bạn đọc hiểu phần nào về sự phản đối của Bắc Kinh. Tòa trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration - viết tắt PCA) được thành lập năm 1899 tại Hội nghị Hòa bình Hague đầu tiên với sự ra đời Các công ước Den Haag 1899 và 1907. PCA thực tế không phải là một tòa án theo đúng nghĩa mà là một cơ sở quản lý, nên  không có quyền quyết định trực tiếp. PCA có nhiệm vụ khuyến khích việc giải quyết tranh chấp liên quan đến các quốc gia, tổ chức nhà nước/ liên chính phủ, và tư nhân bằng cách hỗ trợ trong việc thành lập các tòa án trọng tài.

“Được thành lập năm 1899, PCA tạo điều kiện cho các trọng tài và các hình thức giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, điểm kết nối pháp luật quốc tế để giải quyết tranh chấp của cộng đồng quốc tế. Thư ký của PCA (đứng đầu là Tổng thư ký) là một đội ngũ giàu kinh nghiệm gồm các chuyên gia pháp lý đến từ nhiều quốc gia. Tòa PCA là một tổ chức hành chính, có cơ chế hoạt động, nhưng không có chức năng xét xử. Trong vụ kiện Biển Đông, PCA chỉ đóng vai trò là thư ký của vụ kiện, nên không có chức năng xét xử vụ kiện Biển Đông.

Tòa án trực tiếp giải quyết tranh chấp vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng là Tòa Trọng tài Phụ lục VII, thành lập dựa trên Phụ lục số VII của Công lước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Như vậy Philippines kiện vô ích? Không, chúng ta cần lưu ý rằng, phán quyết là ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc và Philippines nhưng Trung Quốc có thể phải thực thi vì áp lực quốc tế.

Mỹ cùng đồng minh, bao gồm nhóm G7 và 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã công khai bày tò sự ủng hộ đối với quá trình tố tụng của tòa trọng tài.

UNCLOS - cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp biển

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 quy định mọi thứ từ chủ quyền quốc gia với việc khai thác tài nguyên biển, đi lại, cho đến giải quyết tranh chấp. Với 17 phần, 320 điều khoản và 9 phụ lục, UNCLOS bao trùm tất cả các khía cạnh quy định về đại dương và vùng biển, theo AFP. Theo Liên hợp quốc, UNCLOS “đặt ra một cách thức quản trị toàn diện về pháp luật và trật tự ở các đại dương và biển của thế giới, thiết lập các quy định cho tất cả việc sử dụng đại dương và nguồn tài nguyên của chúng”.

5 thành viên của Tòa trọng tài Quốc tế xử vụ kiện của Philipines với Trung Quốc về vấn đề biển Đông

UNCLOS được xem là luật về biển phổ quát nhất hiện này và có tính ràng buộc về pháp lý. UNCLOS cung cấp cho các quốc gia quyền kinh tế trọn vẹn đối với 200 hải lý (370,4 km) tính từ bờ biển của quốc gia đó, hay còn gọi là vùng đặc quyền kinh tế. Các tổ chức gồm Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Ủy ban đánh bắt cá voi quốc quốc tế (IWC) và Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các quy định của UNCLOS.

Ngoài Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), UNCLOS cũng thiết lập Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) tại Hamburg, Đức và Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan để xét xử những vấn đề liên quan đến UNCLOS. Cho tới nay, các phán quyết của tòa quốc tế dựa trên UNCLOS, dù có cơ chế thi hành hay không, đều được các bên có liên quan thực thi nghiêm túc, đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên các vùng biển.

UNCLOS hiện có 160 thành viên.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn