Nồng độ phấn hoa làm tăng ca nhiễm SARS-CoV-2?

19-04-2021 13:15 | Thông tin dược học

SKĐS - Khi nồng độ phấn hoa trong không khí cao hơn, có thể thấy tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 tăng.

Đây là kết luận của một nghiên cứu quy mô lớn được thực hiện bởi một nhóm các chuyên gia đến từ trường Đại học Kỹ thuật Munich (TUM) và Helmholtz Zentrum München - Đức.

Vào mùa xuân năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Coronavirus xuất hiện trùng với mùa phấn hoa ở Bắc bán cầu. Những quan sát này đã thúc đẩy một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng, họ muốn biết liệu có mối liên hệ giữa nồng độ phấn hoa trong không khí và tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 hay không?

Phấn hoa là một yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm trùng

Dưới sự dẫn dắt của TS. Athanasios Damialis, nhóm nghiên cứu Trường TUM đã tiến hành thu thập dữ liệu về nồng độ phấn hoa trong không khí, điều kiện thời tiết và nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Nghiên cứu của họ cũng bao gồm cả dữ liệu về mật độ dân số và tác động của các biện pháp giãn cách xã hội. Họ đã phân tích dữ liệu về phấn hoa thu được từ 130 trạm ở 31 quốc gia trên 5 lục địa.

Kết quả, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ phấn hoa trung bình trong không khí có thể chiếm đến 44% sự thay đổi tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2, với độ ẩm và nhiệt độ không khí cũng đóng một vai trò trong một số trường hợp. Trong những khoảng thời gian không có quy định về giãn cách xã hội, tỷ lệ lây nhiễm trung bình cao hơn 4% với mỗi lần tăng 100 hạt phấn hoa trên một mét khối không khí.

Tại một số thành phố của Đức, có những ngày nồng độ lên đến 500 hạt phấn hoa trên mét khối không khí mỗi ngày - điều này dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm tổng thể tăng hơn 20%. Tuy nhiên, ở những khu vực giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm túc, số lượng lây nhiễm trung bình chỉ cao bằng một nửa ở những nơi có nồng độ phấn hoa tương đương.

Nồng độ phấn hoa trong không khí cao có thể làm tăng nồng độ nhiễm SARS-CoV-2.

Nồng độ phấn hoa trong không khí cao có thể làm tăng nồng độ nhiễm SARS-CoV-2.

Phấn hoa trong không khí làm suy yếu phản ứng miễn dịch

Nồng độ phấn hoa cao trong đường hô hấp dẫn đến phản ứng miễn dịch yếu hơn đối với virus có thể gây ho và cảm lạnh. Khi virus xâm nhập cơ thể, các tế bào bị nhiễm thường gửi tín hiệu đến các protein truyền tin. Đây cũng là trường hợp của SARS-CoV-2. Những protein này, được gọi là interferon kháng virus, báo hiệu cho các tế bào lân cận tăng cường khả năng phòng thủ chống virus để ngăn chặn những kẻ xâm lược. Ngoài ra, phản ứng viêm cũng được kích hoạt để chống lại virus.

Nhưng nếu nồng độ phấn hoa trong không khí cao và các hạt phấn hoa được hít phải cùng với sự xâm nhập của virus, thì sẽ tạo ra ít interferon kháng virus hơn. Bản thân phản ứng viêm có lợi cũng bị ảnh hưởng. Do đó, vào những ngày có nhiều phấn hoa có thể dẫn đến gia tăng số lượng các bệnh về đường hô hấp. Điều này cũng đúng với COVID-19. Các cá nhân có bị dị ứng với các loại phấn hoa khác nhau hay không là không liên quan.

Stefanie Gilles, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: Bạn không thể tránh tiếp xúc với phấn hoa trong không khí. Do đó, những người thuộc nhóm nguy cơ cao cần được thông báo rằng nồng độ phấn hoa trong không khí cao dẫn đến tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus. Ông cũng nhấn mạnh: Khi nghiên cứu sự lây lan của SARS-CoV-2, phải tính đến cả các yếu tố môi trường như phấn hoa. Nâng cao nhận thức về những tác động này là một bước quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của COVID-19.

Đeo khẩu trang, tăng sự bảo vệ

Vậy những người dễ bị tổn thương có thể làm gì để bảo vệ mình? GS. Claudia Traidl-Hoffmann, chuyên gia trong lĩnh vực y học môi trường có đưa ra lời khuyên cho nhóm người có nguy cơ cao là: Nên theo dõi dự báo về phấn hoa trong những tháng tới và điều quan trọng là đeo mặt nạ, khẩu trang khi nồng độ phấn hoa cao có thể giúp bảo vệ đường hô hấp khỏi sự xâm nhập của cả virus và phấn hoa.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hướng dẫn sử dụng kit xét nghiệm Test nhanh COVID-19

Nguyễn Lê Minh
(Theo PNAS)
Ý kiến của bạn