Hà Nội

Nông dân thời 4.0 bán nông sản nhờ livestream: Giải pháp phù hợp với dịch COVID-19

20-09-2021 16:24 | Thị trường
google news

SKĐS - Dịch bệnh đã đưa những người nông dân Việt Nam lên những sàn thương mại điện tử tiếp cận hơn với người tiêu dùng.

Khi nông dân 4.0 bán hàng

Nông dân thời 4.0 bán nông sản nhờ livestream: Giải pháp phù hợp với dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bán hàng qua Livestream đang là xu hướng trong thời gian tới


Hình thức livestream giới thiệu sản phẩm không còn xa lạ, khi mà gần đây có rất nhiều sự kiện lLivetream bán các mặt hàng nông sản. Thông qua hình thức bán hàng này, đã giúp cho người nông dân, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá được những sản phẩm đặc sản ở địa phương mình với khách hàng khắp các vùng miền trong cả nước.

Vào mùa vải thiều tháng 6, lần đầu tiên nông dân Lục Ngạn livestream (phát sóng trực tiếp, một chức năng hỗ trợ bán hàng trực tuyến) bán vải thiều, đánh dấu bước tiến về nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều, mở hướng đi mới cho tiêu thụ nông sản của Bắc Giang nói chung.

Đó là buổi livestream 40 phút của gia đình chị Đỗ Thị Vân, thu hút khoảng 20 nghìn người xem. Đại diện các hộ trồng vải trong hợp tác xã, chị Vân giải thích quy trình trồng vải, hướng dẫn cách nhận diện vải thiều, đồng thời kêu gọi đặt hàng trực tuyến hỗ trợ nông dân. Kết quả đã có 8 tấn vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ, điều này lại khiến người trồng vải hết sức bất ngờ.

Buổi livestream trên do sàn thương mại điện tử Sendo phối hợp cùng Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) hợp tác tổ chức theo chương trình "Chung tay ủng hộ vải Lục Ngạn, Bắc Giang", đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của đoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Giang.

Được biết, Tỉnh đoàn đã cắt cử cán bộ đoàn các cấp thường xuyên bám sát, hỗ trợ nông dân trong khâu thu hoạch, đóng gói, hướng dẫn cách thức thao tác trên các kênh bán hàng trực tuyến cho đến khi người dân sử dụng thành thục.

Sự kiện livestream bán nhãn lồng của Hưng Yên, diễn ra vào ngày 29/7/2021, đã để lại ấn tượng với khách hàng. Bởi khác với những buổi livetream bán hàng thông thường, bên cạnh việc giới thiệu đặc sản của Hưng Yên và những sản phẩm khác, sự kiện livestrean còn tái hiện không gian văn hóa của Phố Hiến xưa, giới thiệu và mô phỏng những vườn nhãn quen thuộc là hình ảnh đặc trưng của Hưng Yên. Những hình ảnh về đất và người Hưng Yên, với những ngôi nhà đậm chất vùng đồng bằng Bắc Bộ rất gần gũi, thân thương, giúp cho khách hàng và người xem hiểu hơn về vùng đất văn hóa, lịch sử, địa linh nhân kiệt nổi danh một thời, với câu ca "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến".

Qua không gian văn hóa từ buổi livestream giúp cho người xem và khách hàng hiểu hơn về các giá trị văn hóa của nhãn lồng Hưng Yên, để khách hàng yêu mến hơn, tự hào hơn về các sản phẩm nhãn lồng nói riêng và sản phẩm OCOP nói chung.

Nông dân thời 4.0 bán nông sản nhờ livestream: Giải pháp phù hợp với dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Đằng sau câu chuyện Livestream bán các mặt hàng đặc sản còn là việc kết nối, lan tỏa, tạo ra giá trị nông sản đặc trưng của từng vùng miền.


Còn đối với tỉnh miền núi Lạng Sơn, để xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, chính quyền địa phương này đã giúp người dân mở rộng các cửa hàng số để giới thiệu, quảng bá trên 2.000ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Điển hình như để tiêu thụ na Chi Lăng chính quyền địa phương đã hỗ trợ 1.062 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm nông sản của mình, trong đó có 301 hộ gia đình đã mở tài khoản thanh toán điện tử. Thông qua cửa hàng số, người dân Lạng Sơn đã có thể mua và bán sản phẩm của mình trên không gian mạng.

Anh Nông Văn Hưng, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Cửa hàng số bán hàng thuận tiện hơn là chợ truyền thống. Nếu bạn bán hàng ở chợ truyền thống, thì phải cắt na rồi vận chuyển ra chợ, bị thương lái ép giá, bán hàng chậm vì càng để lâu quả na càng xuống mã, cũng bị mất giá. Nhưng khi bán ở cửa hàng số thì đơn giản hơn, khách đặt hàng mình mới cắt na, đảm bảo tươi ngon đúng chất lượng.

Khi nông dân vào cuộc 'chuyển đổi số'

Nông dân thời 4.0 bán nông sản nhờ livestream: Giải pháp phù hợp với dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Với những người dẫn dắt là các nhân vật nổi tiếng, chương trình livestream bán nông sản trực tuyến Kết nối nông sản – san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch qua 4 số đã hỗ trợ được hơn 100 tấn nông sản của bà con nông dân ở khắp nơi trong cả nước khi vì dịch mà đến mùa vụ nhưng không thể tiêu thụ.



Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến người tiêu dùng khó có thể trực tiếp đi mua sắm, lựa chọn hàng hóa tại các địa điểm truyền thống như trước đây. Chính vì vậy, để có thể tiếp cận hiệu quả với người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nông dân đã chọn phương thức ứng dụng thương mại điện tử để có thể giới thiệu và đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng một cách an toàn và hiệu quả nhất, kể cả thị trường nội địa và nước ngoài.

Tư duy kinh tế nông nghiệp chính là tư duy thị trường đáp ứng được bài toán tiêu thụ nông sản. Đó là làm ra sản phẩm thị trường cần chứ không phải cái mình có, làm thế nào để sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm làm ra bán ở đâu, bán cho ai, làm thế nào để dễ bán, tạo được niềm tin với khách hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Khi livestream bán nông sản tức là người nông dân đã mạnh dạn với tư duy sản xuất, kinh doanh hiện đại, tương tác với khách hàng ở mọi nơi, đáp ứng đòi hỏi của khách hàng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Qua đó, người nông dân thực hiện đúng vai trò là trung tâm trong tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân. Ý nghĩa khi nông dân livestream bán nông sản là như vậy.

Đề cập đến những khó khăn trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Khắc Lịch - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Lạng Sơn cho biết, có hai khó khăn đó là thay đổi hành vi của người nông dân và nhận thức về chuyển đổi số của chính quyền địa phương. Nhất là việc thay đổi tư duy chuyển đổi sản xuất của người nông dân rất quan trọng.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và mở rộng thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trước hết phải đầu tư vào nguồn nhân lực cho mục tiêu số hóa nông nghiệp. Hiện Việt Nam có 9,2 triệu hộ nông dân. Cần phải đưa hộ nông dân lên nền tảng điện tử, phải có tên gọi, hồ sơ, truy xuất nguồn gốc. Để làm được điều này, cần có thiết chế để thực hiện: thiết chế ngân hàng, thiết chế giao dịch... Tiếp theo, để thực hiện, phải đào tạo cho người nông dân" - ông Toản nhấn mạnh.

Giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, muốn chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển đổi số cần hoàn thiện hệ sinh thái, trong đó vai trò chính yếu thuộc về người nông dân. Thời gian tới, rất cần sự phối hợp giữa DN và nông dân trong việc hợp tác đào tạo nhân lực, từ đó tạo sự gắn kết giữa nông dân với DN, cơ sở giáo dục và thị trường lao động.

"Vạn sự khởi đầu nan", để kênh tiêu thụ nông sản này tiếp tục vươn xa, rất mong các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, nhất là đoàn thanh niên xung kích trong chuyển đổi số tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân tiếp cận các sàn thương mại điện tử ngày càng hiệu quả.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Tuấn Nguyễn
Ý kiến của bạn